Công tác kiểm soát dịch COVID-19 tại nhiều địa phương hiện đã có những tín hiệu tích cực, cộng đồng doanh nghiệp cũng rất mong muốn bước vào quá trình khôi phục sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc "nhập cuộc” trở lại cũng đối mặt với không ít khó khăn, đòi hỏi những chính sách hỗ trợ đặc biệt để giúp doanh nghiệp có thể thực hiện hiệu quả mục tiêu kép trong trạng thái bình thường mới.
Tại tọa đàm "Kế hoạch phục hồi kinh tế thành phố trong giai đoạn bình thường mới” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (Hawa) thông tin, hiện có khoảng 40% hội viên đang duy trì "3 tại chỗ”. Nhiều thành viên của Hawa xác định vẫn duy trì "3 tại chỗ” đến ngày 15/10 cùng với tăng cường y tế tại chỗ để chủ động sàng lọc nguồn lao động "xanh” và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Với nhiều tín liệu tích cực về việc TP Hồ Chí Minh nới lỏng dần biện pháp giãn cách xã hội và xây dựng lộ trình cho phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp ngành gỗ đã chuẩn bị các điều kiện để có thể khôi phục sản xuất nhanh nhất. Tuy nhiên, vấn đề lớn hiện nay với nhiều doanh nghiệp ngành chế biến gỗ chính là thiếu hụt nguồn lao động.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, việc tổ chức sản xuất "3 tại chỗ” thời gian qua chỉ cho phép duy trì từ 30 - 50% số lượng lao động, do đó, những lao động không tham gia sản xuất "3 tại chỗ” đã nghỉ việc hoặc trở về quê. Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn còn đơn hàng nhưng để phục hồi lại quy mô sản xuất thì thiếu hụt hơn 60% lao động so với trước dịch; trong đó, có cả những lao động có kinh nghiệm và tay nghề, rất khó tuyển mới.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean nêu vấn đề, khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 tại TP Hồ Chí Minh bùng phát mạnh, đã có một làn sóng "di dân” rất lớn từ thành phố về các địa phương để tránh dịch; trong đó, bao gồm cả các công nhân của các nhà máy phải thu hẹp hoạt động hoặc tạm ngưng sản xuất để chống dịch.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có số liệu thống kê nào về số lượng lao động đã rời thành phố và cũng rất ít đơn vị đề cập đến kế hoạch đưa lao động từ các tỉnh về lại thành phố để phục hồi hoạt động sản xuất trong bối cảnh bình thường mới.
"Doanh nghiệp rất muốn khôi phục sản xuất, kinh doanh khi được nới lỏng giãn cách nhằm tận dụng cơ hội thị trường những tháng cuối năm, nhưng lực lượng lao động để sản xuất đang ở đâu, họ có đủ điều kiện để quay lại thành phố để làm việc chưa thì doanh nghiệp không biết”, ông Việt bày tỏ lo ngại.
Các doanh nghiệp cho rằng, việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh đang là nhu cầu cấp thiết của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và toàn TP Hồ Chí Minh nói chung, bởi 3 tháng cuối năm được xem là cơ hội cuối cùng để doanh nghiệp có thể "giữ” được cả khách hàng và thị trường, bù đắp phần nào thiệt hại trong thời gian qua. Tuy nhiên, để chuẩn bị được nguồn lực lao động cho sản xuất trong trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp cần có đủ thời gian để huy động, sàng lọc và bổ sung thêm. Đồng thời, doanh nghiệp cần có đủ thông tin về kế hoạch, chính sách của các cấp quản lý một cách cụ thể và kịp thời, cũng như cơ sở dữ liệu về nguồn lao động mới có thể chuẩn bị các điều kiện để có thể "nhập cuộc” trở lại.
Tại Bình Dương, trong buổi đối thoại giữa UBND tỉnh Bình Dương với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, giày da trên địa bàn tỉnh với đại diện Tập đoàn ADIDAS khu vực Đông Nam Á, các đại biểu đều thống nhất cao mong muốn nhanh chóng nối lại sản xuất sau khi tỉnh trở lại trạng thái "bình thường mới”; đồng thời, đề nghị tỉnh đẩy mạnh tiêm vaccine đầy đủ cho công nhân, người lao động.
Theo bà Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch phụ trách cung ứng khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn ADIDAS và đại diện 23 doanh nghiệp may mặc, da giày, các doanh nghiệp đều mong muốn được tái khởi động sản xuất trên cơ sở áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, rất mong được tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine "phủ rộng" cho người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xét nghiệm, xử lý nhanh chóng khi phát hiện F0; hỗ trợ tái sản xuất thông qua các gói hỗ trợ tài chính…
Cũng theo đại diện một số doanh nghiệp, việc đảm bảo quy trình khép kín phục vụ phương án "3 tại chỗ" gồm: giao nhận nguyên vật liệu, thành phẩm, thức ăn, đồ uống, đồ dùng sinh hoạt cho người lao động là rất khó. Thêm nữa, doanh nghiệp cũng khó có khả năng ứng phó trong trường hợp xuất hiện nhiều ca lây nhiễm tại nhà máy.
"Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, "3 tại chỗ" là phương án tốt để vừa duy trì sản xuất của doanh nghiệp vừa phòng, chống dịch. Thế nhưng, kéo dài thời gian thực hiện phương án này đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp do chi phí duy trì "3 tại chỗ" rất tốn kém”, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương Bùi Minh Trí cho biết.
Còn có một khó khăn nữa tại địa bàn "vùng đỏ" là rất khó sắp xếp các nhà trọ để doanh nghiệp thực hiện mô hình "1 cung đường, 2 địa điểm" do các nhà trọ trên địa bàn thành phố đan xen với các doanh nghiệp. Tại các địa bàn "vùng xanh" thực hiện mô hình "3 xanh" tại các doanh nghiệp phải triển khai việc test PCR cũng tốn kém rất nhiều chi phí.
Để thực hiện mục tiêu "Vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế", nhiều địa phương, doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch.
Tại Đà Nẵng, các hoạt động đang dần được nới lỏng, do đó các hội doanh nghiệp đã có nhiều đề xuất, kiến nghị chính quyền hỗ trợ để khôi phục sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn. Ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã gửi 6 nội dung đề xuất, kiến nghị tới chính quyền TP Đà Nẵng để có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên.
Các nội dung Hiệp hội đề xuất gồm: Hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất cho vay tối thiểu 2%, khoanh các khoản nợ ngắn hạn hiện có từ 3-6 tháng, các khoản nợ trung dài hạn từ 6-12 tháng; triển khai các gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp, hạ lãi suất và đơn giản các thủ tục cho vay giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng; gia hạn nộp thuế từ 12-18 tháng; được miễn, giảm các khoản thuế, phí thuê đất, sử dụng hạ tầng.
Hiệp hội cũng đề nghị thành phố có chính sách tạm dừng, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2021 cho đến đầu năm 2022; nới lỏng các biện pháp, hỗ trợ doanh nghiệp quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất...
Ông Hà Đức Hùng nhận định, hiện nay, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhưng việc triển khai tại các ngân hàng còn chưa kịp thời, nhiều thủ tục còn phức tạp, khó khăn, cần tháo gỡ. Ông Hùng đề nghị, bên cạnh việc triển khai các chính sách của Trung ương thì nhiều chính sách về thuế, tiền thuê đất... trong thẩm quyền quyết định của TP Đà Nẵng, thành phố xem xét giải quyết để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động.
Cũng liên quan đến tín dụng, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đề nghị ngành ngân hàng trên địa bàn xem xét kéo giãn thời gian trả nợ, giúp khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, cũng như giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. "Tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động ngành ngân hàng nên dù đạt những kết quả tích cực nhưng quy mô tín dụng hiện nay còn thấp. Trong thời gian tới, đề nghị các tổ chức tín dụng rà soát lại chỉ tiêu những tháng cuối năm để có biện pháp thực hiện đạt kế hoạch, đặc biệt, quan tâm đến chỉ tiêu tín dụng. Đồng thời, các ngân hàng đánh giá thực chất từng khoản nợ để có biện pháp ứng xử nhằm hạn chế thấp nhất nợ xấu phát sinh", ông Nghiêm Xuân Thành nói.
Theo nhận định của các chuyên gia, nhu cầu cung ứng hàng hóa sẽ trở nên cấp bách với nhiều doanh nghiệp khi từ nay đến cuối năm chỉ còn khoảng thời gian ngắn. Sau giãn cách, các doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực tập trung khôi phục sản xuất, kinh doanh, từ đó, nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng mạnh trở lại.
Trước vấn đề này, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, Cục đã yêu cầu các địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện các giao dịch về lao động, việc làm trực tuyến. Việc này không chỉ trong phạm vi tỉnh, thành phố mà có sự kết nối giữa các địa phương với nhau, đặc biệt là các địa phương có nhiều lao động quay trở về tránh dịch.
Về phía địa phương, ngày 24/9, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đã trình UBND thành phố dự thảo phương án tổ chức phối hợp vận chuyển người lao động các tỉnh, thành phố về thành phố làm việc trong thời gian thành phố khôi phục hoạt động kinh tế trong tình hình mới. Đơn vị này đề xuất ba phương thức vận chuyển bằng đường bộ, chia thành 2 giai đoạn thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan trước đó cũng đã đề nghị, mỗi doanh nghiệp cần ý thức trong việc giữ chân người lao động dù hoạt động sản xuất, kinh doanh đang gặp khó khăn. Thành phố đang thực hiện ba nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế gồm: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các chính sách phù hợp; thực hiện chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ người lao động; hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động… Điều này có vai trò quyết định đến việc bảo toàn nguồn nhân lực, góp phần phục hồi kinh tế khi dịch được kiểm soát.
Cũng nhằm giúp đỡ doanh nghiệp và người lao động, "Chiến dịch 90.000 việc làm" do thành Đoàn, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội phát động triển khai trong 6 tháng qua kết quả cho thấy, 90.656 thanh niên, sinh viên đã có việc làm, với 289.674 lượt ứng tuyển thành công, trung bình mỗi thanh niên được kết nối với 4 công việc phù hợp. Chiến dịch đã hỗ trợ các trường cao đẳng, đại học kết nối thành công 9.835 doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng, bổ sung 97.853 cơ hội việc làm và thực tập chất lượng, vượt 8,6% kế hoạch đề ra.
Đáng chú ý, tại Kỳ họp thứ hai, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, Chủ tịch HĐND Nguyễn Ngọc Tuấn đã đề nghị thành phố ưu tiên tập trung các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Trong đó, UBND thành phố cùng các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục rà soát, triển khai các chính sách, cơ chế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đã đề xuất thành phố hỗ trợ phát triển sản xuất cây màu vụ Đông theo hướng hàng hóa cho cây ngô, đậu tương, khoai tây như hỗ trợ giống, bảo vệ thực vật, chi phí làm đất... với kinh phí 76,825 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố giao về các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện. Đồng thời, đề nghị thành phố cho phép các huyện mở rộng tối đa diện tích nhóm cây này và sử dụng ngân sách của quận, huyện để hỗ trợ theo mức hỗ trợ của thành phố.
Ở Bình Dương, tại hội nghị bàn về giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội của tỉnh sau khi trở lại trạng thái "bình thường mới", Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh đề nghị các ngành khẩn trương tham mưu tỉnh triển khai sớm nhất các giải pháp cho doanh nghiệp; khởi động lại các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông...
Tỉnh cũng giao Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Công Thương kết hợp với các địa phương tập trung phát triển mô hình "3 tại chỗ", "3 xanh", "1 cung đường, 2 địa điểm" tại các doanh nghiệp. Đối với xét nghiệm tầm soát dịch bệnh, Sở Y tế có hướng dẫn cụ thể doanh nghiệp làm test nhanh khi thực hiện các phương án sản xuất đảm bảo hiệu quả phòng, chống dịch. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho công nhân lao động. Đối với các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ tại các "vùng xanh", cần hướng dẫn thực hiện mô hình "3 xanh"…
Đặc biệt, tại công văn số 4988/UBND-VX của UBND tỉnh Bình Dương ban hành vào đêm 1/10, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận chủ trương cho doanh nghiệp chủ động trong việc tự mua kit Test, tự tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên cho công nhân, người lao động; đồng thời doanh nghiệp phải cam kết thực hiện đúng, đủ và tự cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm để làm căn cứ cho người lao động tham gia lưu thông và chịu trách nhiệm về kết quả xét nghiệm trước pháp luật. Đón nhận thông tin này, nhiều chủ doanh nghiệp bày tỏ hoan nghênh tỉnh Bình Dương đã lắng nghe nguyện vọng của doanh nghiệp.
Tại Đà Nẵng, theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục mở lại nhiều hoạt động sinh hoạt, sản xuất, theo hướng tiếp tục nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch, và nhiều khó khăn vướng mắc hiện nay sẽ được tháo gỡ. Trong tháng 10/2021, lãnh đạo thành phố cam kết đảm bảo tiêm vaccine mũi 1 cho 100% người dân thành phố trong độ tuổi cho phép, đến cuối năm tiêm đủ 2 mũi. Đồng thời, hỗ trợ 50% chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp theo kế hoạch xét nghiệm. Việc chuyển đổi số sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và lãnh đạo thành phố cam kết chịu trách nhiệm về thuận lợi hóa thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy đoàn kết, tự lực tự cường, chủ động xây dựng phương án phục hồi sản xuất, tương ứng phương án phòng, chống dịch của thành phố.
Cùng với các địa phương, các cơ quan chức năng cũng đang có những giải pháp tạo điều kiện để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, trong đó Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng vào giúp đỡ những đối tượng này được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, nhằm duy trì việc làm đang có, đồng thời tạo ra các vị trí việc làm mới. Thông qua nhiều chính sách đang được triển khai, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định, mức độ tác động của dịch COVID-19 đến thị trường lao động, việc làm sẽ giảm dần, cả nước có thể đạt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho trên 1 triệu người lao động trong năm 2021.
Đặc biệt, nhằm hạn chế những nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tác động nặng nề đến người lao động, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ, hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch từ kết dư Quỹ với tổng kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng.
Trong cuộc họp trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với 63 tỉnh, thành phố; 705 quận, huyện, thị xã; 10.400 xã, phường, thị trấn đã thống nhất nhiều nội dung, quyết sách quan trọng; trong đó có sự thay đổi căn bản trạng thái chống dịch, phù hợp với tình hình của Việt Nam. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thống nhất chuyển chủ trương từ "Không COVID” sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”; vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội...
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình dịch đang cơ bản được kiểm soát nên các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh; đồng thời, thúc đẩy khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh theo các tiêu chí, hướng dẫn tạm thời về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”.
Theo đó, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Hướng dẫn nhằm hai mục tiêu chính: Hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc và tử vong do COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp căn cứ vào tình hình dịch quyết định cấp độ dịch và các biện pháp thích ứng an toàn; chỉ đạo việc đáp ứng các chỉ số bắt buộc, đánh giá mức độ đáp ứng theo quy mô xã, phường. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia sẽ tiếp tục đánh giá, chỉnh sửa Hướng dẫn phù hợp với từng giai đoạn.
Thủ tướng chỉ đạo tất cả các địa phương thành lập Tổ công tác phục hồi sản xuất do Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách. Các tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh có kế hoạch khôi phục sản xuất, kinh doanh. Bộ Y tế, Tiểu ban Y tế ban hành hướng dẫn về tự xét nghiệm và huy động y tế tư nhân trong công tác phòng, chống dịch trên tinh thần tăng tính tự chủ, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Về xuất nhập cảnh, Tiểu ban An ninh - Trật tự phối hợp với các cơ quan sớm ban hành quy định mới; nghiên cứu công nhận "hộ chiếu vaccine” có tính chất đối đẳng. Bộ Thông tin và Truyền thông nhanh chóng hoàn thành việc thống nhất các ứng dụng phòng, chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân và có giải pháp cả cho những người không có điện thoại thông minh.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Chỉ thị yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp; bảo đảm đáp ứng đầy đủ nông sản cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và chế biến, xuất khẩu trong mọi tình huống, đặc biệt là các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán; chỉ đạo và tăng cường giám sát việc tái cơ cấu nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP) bảo đảm tiến độ và hiệu quả; xây dựng, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế số trong nông nghiệp; chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống các loại dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng và thủy sản…
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-BGTVT về tăng cường công tác vận tải hỗ trợ tiêu thụ nông sản và các sản phẩm nông nghiệp trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19 nhằm tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Để chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả việc phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện phương án huy động phương tiện, người điều khiển phương tiện tổ chức vận tải.
Bộ Giao thông vận tải cũng đã có Công điện gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố về việc kiểm tra, xử lý vướng mắc trong tổ chức giao thông, tạo thuận lợi cho công tác vận chuyển hàng hóa, nhu cầu đi lại của người dân trong giai đoạn mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Giao thông vận tải đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố yêu cầu cơ quan chức năng của tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã rà soát quy định do địa phương ban hành chưa đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan dẫn đến ùn tắc giao thông cục bộ, đặc biệt tại tuyến tỉnh lộ, tuyến liên huyện, liên xã; chủ động bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp.
Tối 30/9, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã ban hành quyết định 1740/QĐ-BGTVT về việc hướng dẫn tạm thời tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Hướng dẫn này có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2021. Theo đó, việc tổ chức hoạt động vận tải hành khách sẽ được thực hiện dựa trên sự đánh giá nguy cơ và quy mô cấp độ dịch (cấp xã hoặc có thể ở quy mô tổ/đội, khu dân cư, khóm/ấp, thôn/xóm).
Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã có Công văn số 5854/BCT-TTTN ngày 23/9 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn mở cửa trở lại đối với chợ truyền thống, chợ đầu mối.
Bên cạnh đó, Tổng cục Dự trữ nhà nước (Bộ Tài chính) đã ký hợp đồng mua hơn 75,4 nghìn tấn gạo để hỗ trợ người dân 9 tỉnh, thành phố phía Nam trong phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, đã có 3 doanh nghiệp trúng thầu lần lượt 2 gói 25 nghìn tấn gạo và một gói 25,413 nghìn tấn gạo. Hình thức đấu thầu gạo lần này được tổ chức theo Điều 26 của Luật Đấu thầu năm 2013. Số gạo trúng thầu lần này sẽ được vận chuyển trực tiếp đến trung tâm các huyện thị của 9 tỉnh gồm: Bình Dương, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau, thành phố Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh trong thời gian tối đa là 15 ngày kể từ khi ký hợp đồng. Đây là số lượng gạo nằm trong tổng số hơn 130.000 tấn gạo đã được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái quyết định giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền cho 24 địa phương.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có văn bản 6561/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về một số vấn đề trong hoạt động. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng các kịch bản ứng phó trong trường hợp dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt hoạt động của nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng.
Ngoài ra, Hội đồng Hợp tác Doanh nghiệp ứng phó COVID-19 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chính thức ra mắt nền tảng tương tác trực tuyến (VCCI-Workplace) để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi sản xuất kinh doanh. Tất cả các doanh nghiệp đều có thể tham gia làm thành viên Hội đồng, nhưng chỉ lãnh đạo doanh nghiệp là Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc mới được cấp quyền tương tác trên nền tảng này. Các đại diện doanh nghiệp đăng ký tham gia trên website của Hội đồng tại địa chỉ website: https://covid19.vcci.vn.
Theo TTXVN