Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần thúc đẩy nông dân tích cực lao động, tăng gia sản xuất, tạo ra những sản phẩm cho năng suất cao, chất lượng tốt. Hưởng ứng chương trình, nông dân xã Phú Cường (Tân Lạc) đã, đang đẩy mạnh xây dựng, phát triển thương hiệu khoai lang bản địa, hình thành vùng sản xuất tập trung, từ đó giúp nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế.


Hộ ông Sáng Thọ, xóm Vó, xã Phú Cường (Tân Lạc) thu hoạch khoai lang bán cho tư thương.

Với diện tích đất nhàn rỗi, bỏ hoang, là loại đất cát pha thích hợp trồng khoai nên người dân xã Phú Cường đã tận dụng để canh tác, phát triển sản xuất với mục tiêu hướng tới hình thành vùng sản xuất tập trung về khoai lang. 

Xóm Vó có 140 hộ với hơn 700 nhân khẩu, hầu như các hộ đều có diện tích trồng khoai lang. Hộ ông Sáng Thọ là một trong những hộ tiêu biểu của xóm, hiện có hơn 3.000m2 trồng khoai lang, gồm 2 loại là khoai lang mật và khoai lang tăng sản địa phương. Một năm cho thu hoạch 3 vụ, mỗi vụ cách nhau khoảng 3 tháng. Ông Thọ chia sẻ: "Năm nay khoai lang được mùa vì không bị sâu bệnh nhiều. Khoai lang Phú Cường là giống truyền thống của địa phương, vị thơm ngọt đặc trưng. Ngoài sản phẩm thô, khoai lang còn có thể sấy khô, làm bánh, chè, mứt và nhiều loại sản phẩm khác. Trồng khoai tương đối nhàn, chỉ cần chú ý chăm sóc phù hợp cho cây là có thể cho thu hoạch khoảng 3 - 5 tấn khoai/ha”.

Hộ anh Bùi Văn Thành cũng có diện tích trồng khoai lang tương đối lớn ở xóm Vó. Với tổng diện tích hơn 4.000m2, sản phẩm được tư thương từ khắp nơi về thu mua. Anh Thành chia sẻ: "Giá bán khoai lang tương đối ổn định so với các loại nông sản khác. Tuy nhiên, hiện nguồn vốn còn eo hẹp, chưa có khả năng đầu tư phát triển sản xuất, chế biến đa dạng sản phẩm mà chỉ có sản phẩm thô nên giá bán còn thấp. Với khoai lang tăng sản giá từ 12 - 13 nghìn đồng/kg, khoai lang mật giá thấp hơn, từ 7 - 8 nghìn đồng/kg. Năm nay khoai được mùa, từ đầu năm đến nay vườn khoai lang đem lại cho gia đình nguồn thu hơn 90 triệu đồng”.

Được biết, khoai lang của xã Phú Cường đã đăng ký sản phẩm OCOP, hiện đang trong quá trình chờ xét duyệt. Với mục tiêu nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, tạo điều kiện thuận lợi tiêu thụ sản phẩm, hình thành chuỗi liên kết giúp tăng năng suất, thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế cho nhân dân, xã đã, đang tích cực triển khai hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng khoai lang, từ đó có thể tạo dựng thương hiệu, hỗ trợ các hộ về quy trình sản xuất, phòng ngừa sâu bệnh, ứng dụng thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm.

Đồng chí Bùi Đức Phương, Chủ tịch UBND xã Phú Cường cho biết: Khoai lang là sản phẩm nông nghiệp quan trọng của địa phương, được nhiều tư thương từ  các nơi trong và ngoài tỉnh đến thu mua. Thời gian tới, xã tập trung quy hoạch vùng nhằm từng bước sản xuất theo tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới đưa khoai lang chế biến thành sản phẩm OCOP chất lượng cao. Từ đó không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn có thể xuất khẩu. Chú trọng phát triển theo hướng liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, hình thành mô hình sản xuất từ cánh đồng nguyên liệu đến sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu sản phẩm khoai lang Phú Cường.


Hoàng Dương

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn thúc đẩy chương trình phát triển sản phẩm OCOP

Cùng với tập trung phát triển sản phẩm OCOP, huyện Lạc Sơn đề ra mục tiêu mỗi năm xây dựng ít nhất 5 sản phẩm. Từ đó, thúc đẩy và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

Rượu nếp râu và rượu mía - bộ đôi sản phẩm OCOP 4 sao

Tại hội nghị đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hòa Bình năm 2023, bộ đôi sản phẩm rượu mía và rượu nếp râu của HTX Yên Thượng (xã Thạch Yên, huyện Cao Phong) đã đạt tiêu chí sản phẩm OCOP 4 sao. Hai sản phẩm được làm từ công thức men lá của người Mường Hòa Bình.

Sản phẩm OCOP 4 sao năm 2023 - những món quà từ thiên nhiên

Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Cùng với những tín hiệu khả quan từ xuất khẩu nông sản, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Đến nay, toàn tỉnh đã có 158 sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao. Đặc biệt, trong số 8 sản phẩm mới của 6 chủ thể được phân hạng đánh giá năm 2023 đạt tiêu chuẩn 4 sao đều là những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh, qua sự sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại đã trở thành những sản phẩm chất lượng, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.

“Cao cà gai leo Yên Thủy” khẳng định thương hiệu OCOP 4 sao

Huyện Yên Thủy đã, đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển các sản phẩm OCOP. Đến nay, huyện có 4 sản phẩm OCOP 4 sao và 17 sản phẩm OCOP 3 sao. Tiêu biểu là sản phẩm OCOP 4 sao "Cao cà gai leo Yên Thủy” ngày một vươn xa trên thị trường trong và ngoài tỉnh, khẳng định thương hiệu sản phẩm của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục