(HBĐT) - Trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, các dân tộc ở Hòa Bình đã đoàn kết, đấu tranh, vật lộn với thiên nhiên để tồn tại, phát triển. Đồng thời, phải ghi nhận sự kiên cường của Nhân dân các dân tộc Hòa Bình trong các cuộc chống giặc ngoại xâm và sự đô hộ của ngoại bang… Lịch sử còn ghi nhận những đóng góp của Hòa Bình trong công cuộc đấu tranh chống ách cai trị của ngoại xâm. Xin điểm qua một số đóng góp tiêu biểu:

Tài liệu lịch sử của người Mường Hòa Bình cho biết: Năm 40, khi Trưng Trắc và Trưng Nhị khởi nghĩa đánh đổ nền đô hộ Đông Hán, Nhân dân Hòa Bình đã theo nghĩa quân. Năm 43, Mã Viện đánh bại nghĩa quân của Hai Bà, các nhà lang tham gia nghĩa quân của Hai Bà đã lập căn cứ ở miền núi "Vua Bà” để tiếp tục cuộc chiến đấu, sau khi bỏ Cấm Khê. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: "Quân Bà đi đến đâu, như gió lướt đến đấy. Các dân tộc Man, Lý ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng theo”. Man, Lý là cách gọi các dân tộc thiểu số của các triều đại phong kiến nước ta (trong đó có cả dân tộc Mường). Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã lan rộng ra cả nước. Dân tộc Mường ở ngay cạnh thủ phủ của Hai Bà, vì thế, đã tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại ách thống trị, đô hộ của phương Bắc do Hai Bà lãnh đạo. Địa danh núi "Vua Bà” thuộc địa phận huyện Lương Sơn, là nơi giáp giới với địa phận tỉnh Hà Tây trước đây (nay là TP Hà Nội). Tên "Vua Bà”, theo truyền thuyết của địa phương, được đặt ra để kỷ niệm ngày Bà Trưng xưng vua đã có lần đóng quân ở đây. Như vậy là, nghĩa quân của Hai Bà Trưng đã lập căn cứ ở núi Vua Bà để tiếp tục chiến đấu, và trong cuộc chiến đấu ấy, chắc chắn có sự đóng góp của Nhân dân Hòa Bình, của tộc người Mường.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh (1407-1427), đồng bào Thái, Mường đã có những đóng góp nhất định. Sách Đại Nam nhất thống chí và truyền miệng của người dân Mường cho biết: Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn từng đến hoạt động ở Vạn Bờ - Đà Bắc. Lê Lợi thu phục được Xa Khả Tham ở châu Mộc (Sơn La). Hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn và Xa Khả Tham ở vùng Gia Hưng (Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ...) đã thu hút sự tham gia ủng hộ của Nhân dân Mường, Thái... Xa Khả Tham do có nhiều công lao đánh dẹp giặc Minh và ngụy quan nên sau này được ban quốc tính (Lê Khả Tham), trao chức Nhập nội Tư không đồng bình Chương sự, được cai quản thượng bạn Đà Giang, ban cho Kim ngư đại, tước Trụ quốc, Quan Phục hầu. Một số người họ Xa khác cũng được ban thưởng chức tước như: Xa Lộc làm Kim ngô vệ Thượng tướng quân, Đại tri tư; Xa Khát, Xa Bàn, Xa Điểm đều làm Ngọc kiềm vệ Đại tướng quân, Minh tự, đều được ban cho quốc tính (họ Lê). Như vậy, trong thời gian nghĩa quân Lam Sơn hoạt động ở miền thượng du Thanh Hóa và vùng Gia Hưng đã nhận được sự giúp đỡ, che chở của Nhân dân Mường, Thái... nhờ thế mới vượt qua được những ngày đầu gian nan, bị vây ráp, truy đuổi khốn cùng.

Bấy giờ, Chu Văn Trang đứng đầu một cuộc khởi nghĩa ở phủ Tuyên Hóa (Tuyên Quang), Gia Hưng. Tham gia khởi nghĩa của Chu Văn Trang có thể gồm trai tráng thuộc các dân tộc thiểu số miền núi như: Thái, Mường, Dao... trên địa bàn vùng Tây Bắc, một phần Việt Bắc. Nghĩa quân tập trung đánh phá các châu, huyện, gây cho quân Minh nhiều tổn thất. Nghĩa quân của Chu Văn Trang còn liên kết với nghĩa binh "áo đỏ” vùng Vân Nam (Trung Quốc) cùng phối hợp hoạt động.

Nghĩa quân "áo đỏ” của các dân tộc thiểu số hoạt động trên địa bàn rộng lớn từ Vân Nam đến miền Tuyên Quang, Gia Hưng, gây nên mối lo lắng đối với nhà Minh.

Cuối năm 1425, Lê Lợi cử Phan Liêu và Lộ Văn Luật ra hoạt động ở vùng Gia Hưng, Quốc Oai (Hòa Bình, Sơn La, Hà Tây) để liên hệ với lực lượng yêu nước tham gia khởi nghĩa và điều tra tình hình quân Minh, chuẩn bị cơ sở cho cuộc tiến công ra Bắc. Các tài liệu lịch sử không cho biết sự tham gia đóng góp cụ thể của Nhân dân các dân tộc Hòa Bình đối với đạo quân vùng này ra sao. Chỉ biết rằng, trước đó, các dân tộc Mường, Thái đã tham gia nghĩa quân "áo đỏ” và ủng hộ hoạt động của Phan Liêu và Lộ Văn Luật chống quân Minh. Từ đó cho thấy, đồng bào các dân tộc ở Hòa Bình, Tây Bắc không đứng ngoài hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn.

Sự cống hiến của Nhân dân các dân tộc Hòa Bình đã góp phần vào cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh. Truyền thống đó còn tiếp tục được Nhân dân phát huy, nối dài đến với cuộc đại phá quân Thanh của Quang Trung vào mùa xuân Kỷ Dậu năm 1789. Trong 5 đạo quân của Quang Trung tiến ra Bắc, đạo quân thứ ba do đô đốc Bảo chỉ huy tiến đường núi qua những địa danh như từ Nho Quan (thuộc huyện Phụng Hóa, phủ Thiên Quan, đạo Thanh Bình) qua vùng đất Hòa Bình để đến Đại Áng, Ngọc Hồi. Trên đường tiến quân, đạo quân đã nhận được sự tham gia, ủng hộ của đồng bào các dân tộc Hòa Bình. Rõ ràng, mỗi giai đoạn lịch sử, Nhân dân Hòa Bình luôn thể hiện tinh thần yêu nước; biết hòa mình vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc, sẵn sàng chiến đấu chống áp bức, bất công và sự xâm lăng của các thế lực ngoại bang. Truyền thống đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Hòa Bình sau này.

V.T (TH)


Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục