(HBĐT) - Hòa Bình là vùng đất Mường cổ, nơi có những dãy núi đá vôi chạy theo hướng Đông Nam, song song là dãy núi Trường Sơn hùng vỹ. Với núi, sông trù phú, vùng Mường cổ đã trở thành nơi sinh sống của con người từ thời tiền sử, là cái nôi để sản sinh nền Văn hóa Hòa Bình. Ngày nay, những dấu tích nền Văn hóa Hòa Bình đang được nâng niu, gìn giữ...


Di tích khảo cổ học quốc gia hang đá Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn) là một trong những nơi sinh sống của người tiền sử được phát hiện vào năm 1975.

Gạch nối giữa thời đại đá cũ và thời đại đá mới

Văn hóa Hòa Bình có niên đại cách ngày nay 15.000 năm, kéo dài đến 2.000 năm trước công nguyên, trải dài trên vùng đất xen núi đá vôi thuộc phía Tây châu thổ 3 con sông lớn thuộc Bắc Bộ và với không gian rộng lớn, tiêu biểu cho cả vùng Đông Nam Á và Nam Trung Quốc. Nền Văn hóa Hòa Bình được giới khảo cổ học chính thức công bố năm 1932, là đề xuất của bà Madeleine Colani (Nhà khảo cổ học người Pháp), sau khi đã được Đại hội các nhà Tiền sử Viễn Đông họp tại Hà Nội thông qua. Văn hóa Hòa Bình được dùng để chỉ văn hóa cuội được ghè đẽo trên khắp chu vi hòn cuội để tạo ra những dụng cụ từ thời đá cũ đến thời đá mới. Đây là nét đặc trưng để phân biệt với các cư dân đồ đá dùng đá lửa, dễ ghè đẽo và dễ chế tạo hơn. Các nhà khảo cổ học đã chứng minh tại vùng đất Hòa Bình là một trong những nơi có người Việt cổ sinh sống cách đây hàng vạn năm. Theo đó, các nhà khảo cổ học từng tìm thấy 47 chiếc trống đồng cổ, trong đó có trống đồng sông Đà và trống đồng Miếu Môn thuộc loại đẹp và cổ. 

Bên cạnh đó là hệ thống các di tích như hang Muối, là nơi cư trú của người nguyên thủy trong thời gian dài; di tích hang Khoài, nơi cư trú của người nguyên thủy cách đây 17.000 năm - 11.000 năm; Khu mộ cổ Đống Thếch, nơi có hàng trăm ngội mộ xung quanh được chôn nhiều hòn mộ, có mộ cao tới 3m, trên khắc chữ Hán ghi tên người đã chết. Đặc biệt là phát hiện mới nhất về lối mòn cổ tại hang đá Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn). Một số nhà khảo cổ đánh giá, hang đá này là nơi cư trú lâu dài của người nguyên thủy trong Văn hóa Hòa Bình. Lối đi cổ mới phát hiện ở ngách phía Bắc hang có niên đại 22.000 năm, là lối đi đầu tiên của người nguyên thủy ra, vào hang. Nơi đây cũng là công xưởng chế tác công cụ của cư dân Văn hóa Hòa Bình, với hơn 4.000 hiện vật được khai quật.

Tại hang đá Trại, các nhà khảo cổ còn phát hiện dấu hiệu tro bếp và bộ hài cốt có độ tuổi trên 14.000 năm - 17.000 năm. Trước đó, trong đợt khai quật ở những năm 80 của thế kỷ trước, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy những hạt thóc của người xưa rơi vãi, được xác định thời nhà Trần. Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy vết tích mộ táng cuối thời Trần đầu thời Lê gần như còn nguyên vẹn. Người nguyên thủy ở Văn hóa Hòa Bình đã biết chèn đá hộc, rải đá dăm quanh mộ để bảo vệ. Cũng tại hang đá Trại, các nhà khảo cổ còn tìm thấy rìu đá, xương thú, vỏ trấu, vỏ quả óc chó và nhiều hóa thạch của vỏ ốc. 

Nâng niu dấu tích văn hóa Hòa Bình

Một ngày trung tuần tháng 9, sau cơn mưa kéo dài tiết trời đã tạnh ráo, chúng tôi có dịp về thăm di tích hang đá Trại. Năm 2001, di tích này đã được công nhận là di tích khảo cổ học quốc gia. Dẫn chúng tôi đi thăm quan di tích có Bí thư Đảng ủy xã Bùi Thị Thủy, công chức Văn hóa xã Bùi Văn Nam và một số người dân địa phương. Có thể thấy, núi đá Trại là một ngọn núi nằm giữa cánh đồng Mường Vang trù phú, với dòng suối Lạn bao quanh. Đồng chí Bùi Văn Bằng, Bí thư Chi bộ xóm Trại Sào cho biết: Trước khi được các nhà khoa học phát hiện, hang đá Trại là một địa điểm tâm linh. Khi biết đây là nơi sinh sống của người tiền sử và được công nhận di tích khảo cổ học quốc gia, người dân Trại Sào càng trân quý ngọn núi này. 

Từ một địa điểm sơ khai, với sự quan tâm của các cấp, ngành, đến nay, hang đá Trại đã được xây dựng tường rào xung quanh, lối đi lên di tích được xây kiên cố, người dân địa phương trồng cây xanh để tạo cảnh quan. Đồng chí Bùi Thị Thủy, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Hang đá Trại không chỉ là di tích khảo cổ học mà còn là địa điểm được các trường  đưa học sinh lên thăm quan, tìm hiểu về Văn hóa Hòa Bình. Hiện nay, đây là địa điểm được quy hoạch để trở thành một trong những điểm dừng chân khi du khách đến trải nghiệm ở vùng Mường Vang trù phú. 

Với chúng tôi, cảm xúc háo hức, tò mò và tự hào trong lần đầu tiên được đặt chân đến một trong những nơi có người tiền sử sinh sống và là cái nôi của nền Văn hóa Hòa Bình. Những vỏ ốc được xếp tầng, những hóa thạch trên đá và những hoa văn của người xưa hằn in qua hàng nghìn năm của lịch sử sẽ tạo nên sự thích thú với những du khách. Những dấu tích đó được nâng niu, gìn giữ sẽ trở thành động lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát triển toàn diện.

Viết Đào

Các tin khác


Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Những bước chuyển biến mạnh mẽ của tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2015

(HBĐT) - Giai đoạn này, tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh đến năm 2020; đẩy mạnh phát triển công nghiệp - dịch vụ, gắn với phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao đủ sức cạnh tranh, chú trọng phát triển sản phẩm có giá trị cao. Tiếp tục quy hoạch và xây dựng tỉnh Hòa Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng Thủ đô. Cải cách hành chính của tỉnh đã thu được kết quả tích cực…

Những bước phát triển KT-XH tỉnh từ năm 1991 – 2011

(HBĐT) - Tháng 10/1991, tỉnh Hòa Bình được tái lập. Đây cũng là thời kỳ Hòa Bình chính thức triển khai mạnh mẽ đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng đề ra, được thúc đẩy bởi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và đường lối phát triển KT-XH đất nước.

Đảng bộ tỉnh Hòa Bình - những mốc son lịch sử: Những bài học kinh nghiệm của Đảng bộ tỉnh

 (HBĐT) - Tổng kết quả quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ tỉnh rút ra một số bài học kinh nghiệm là:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục