Diện mạo đô thị thành phố Hòa Bình ngày càng khang trang, hiện đại.
Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hải Lâm cho biết: Hòa Bình có xuất phát điểm thấp, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh thấp hơn bình quân của cả nước. Năm 2015, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh là 14,53%; tiếp đến các năm: 2016, 2017, 2018 lần lượt là: 16,95%, 18,96%, 21%. Thực hiện NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh, Sở Xây dựng đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh và Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh, đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa đạt 25%.
Vào giữa năm 2018, đánh giá việc thực hiện NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Thường trực Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh không điều chỉnh chỉ tiêu, chỉ đặt vấn đề phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu khó đạt. Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, giao việc cụ thể, sát sao đôn đốc, lấy việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển đô thị theo NQĐH để đánh giá năng lực, trách nhiệm người đứng đầu.
Thường trực Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo, UBND tỉnh tổ chức giao ban hàng tuần nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo các biện pháp thực chất, phân khai công việc cụ thể, giao chỉ tiêu cho các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương. Cả hệ thống chính trị chuyển động thực hiện các giải pháp phát triển đô thị. Tỉnh đã chú trọng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, triển khai hoàn thành nhiều dự án, công trình trọng điểm, có sức lan tỏa thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đến hết năm 2019, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 23,01%.
Cùng với các nhóm giải pháp về phát triển đô thị, tỉnh chỉ đạo thực hiện thành công sắp xếp lại đơn vị hành chính theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 6, T.Ư 7, Nghị quyết số 830 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua đó, đã giảm được 59 xã, 1 huyện. Trong đó, 2 địa phương có tỷ lệ đô thị cao là TP Hòa Bình và huyện Lương Sơn đã quyết liệt thực hiện các giải pháp sắp xếp đơn vị hành chính, gắn với đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, góp phần nâng cao tỷ lệ phát triển đô thị của tỉnh.
Bí thư Thành ủy Hòa Bình Quách Tùng Dương cho biết: Bám sát chỉ đạo của tỉnh, thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 830, hoàn thành sáp nhập huyện Kỳ Sơn vào TP Hòa Bình, thành lập thêm các phường: Dân Chủ, Thống Nhất, Kỳ Sơn. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa của thành phố đạt 71,46%, chuẩn bị những điều kiện cơ bản để phấn đấu đạt đô thị loại II trước năm 2025.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn Nguyễn Văn Danh cho biết: Huyện đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết số 06, ngày 11/5/ 2012 của BTV Tỉnh ủy về huy động các nguồn lực để xây dựng vùng trung tâm huyện Lương Sơn trở thành đô thị loại IV. Đến cuối năm 2019, Lương Sơn đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu xây dựng NTM và xây dựng đô thị. Ngày 20/11/2019, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 986, công nhận thị trấn Lương Sơn và khu vực mở rộng gồm các xã: Lâm Sơn, Tân Vinh, Cư Yên, Nhuận Trạch, Hòa Sơn đạt tiêu chí đô thị loại IV. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa toàn huyện đạt 40,8%.
Bên cạnh đó, các huyện khác cũng đã thực hiện tốt sắp xếp mở rộng thị trấn, tăng quy mô dân số nội thị, góp phần nâng cao tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh. Đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 14,53%, tính đến tháng 6/2020, tỷ lệ đô thị hóa của toàn tỉnh đã đạt 28,69%, tăng thêm so với đầu nhiệm kỳ là 14,16%, hoàn thành và vượt 114,76% chỉ tiêu NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Quyết tâm chính trị cao, chỉ đạo quyết liệt, với các giải pháp cụ thể phát triển đô thị và sắp xếp đơn vị hành chính đã giúp tỉnh "vượt đích” chỉ tiêu phát triển đô thị vào năm 2020. Kết quả này được đánh giá là mũi tên trúng hai đích, mang hiệu quả kép trong nhiệm kỳ 2015-2020 của tỉnh, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh.
Tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, tổ chức giải quyết nút thắt trong giải phóng mặt bằng, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư trong và ngoài ngân sách, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án, công trình trọng điểm, tạo sức lan tỏa thúc đẩy thương mại, dịch vụ. Bên cạnh đó, chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án đầu tư, hỗ trợ sớm đưa các dự án vào khai thác, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh, mở ra cơ hội khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị trên địa bàn. Các ngành chức năng đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện các nhóm giải pháp về phát triển đô thị đang được tính toán thực hiện, như nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút các dự án phát triển đô thị; phát triển thị trường bất động sản, thực hiện rà soát quỹ đất đô thị có lợi thế về thương mại, dịch vụ để đấu giá theo quy định, tạo nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị; phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, phát triển đô thị bằng các dự án và chương trình lớn chịu ảnh hưởng của vùng Thủ đô; thu hút đầu tư vào lĩnh vực đô thị tại các huyện, thành phố...
(Còn nữa)