(HBĐT) - Chiều 12/5, Thường trực Tỉnh ủy họp, nghe báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát và phương án phát triển cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045. Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp.
Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, tỉnh đã tổ chức đoàn công tác thăm quan mô hình trồng cây Mắc ca tại 2 tỉnh Điện Biên, Sơn La. Qua khảo sát thực tế, Sở NN&PTNT cho biết, Mắc ca chỉ nên trồng ở những nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với yêu cầu sinh thái của cây, đặc biệt quan tâm yếu tố khí hậu, thời tiết mát mẻ, tránh úng nước và hướng gió. Lựa chọn giống phải phù hợp với vùng trồng, được sản xuất theo quy trình sản xuất giống và đạt tiêu chuẩn về cây giống do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Khi trồng phải tuân thủ quy trình kỹ thuật và chăm sóc chặt chẽ…
Tại tỉnh ta, trồng Mắc ca có từ năm 2003, tổng diện tích hiện đạt 211,3 ha. Theo dõi các điểm trồng thử nghiệm cho thấy, đại đa số diện tích đã trồng chưa phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây và các tài liệu khoa học đã khuyến cáo. Chưa có mô hình khép kín và hoàn chỉnh toàn bộ các khâu về tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm do những diện tích trồng còn nhỏ hay mới thu bói nên chưa đánh giá được hiệu quả về chuỗi giá trị.
Từ thực tiễn, Sở NN&PTNT, lãnh đạo một số huyện đề xuất: Mắc ca được xác định là cây lâm nghiệp đa mục tiêu, do vậy, quỹ đất để phát triển loài cây này nên nằm trên đất trồng rừng có độ cao phù hợp, tại các huyện: Cao Phong, Đà Bắc, Kim Bôi, Mai Châu, Lạc Sơn, Tân Lạc. Về hình thức tổ chức sản xuất, nhất thiết có doanh nghiệp (DN) tham gia là trung tâm, có nguồn lực tài chính và kinh nghiệm, đóng vai trò chủ đạo trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Sở NN&PTNT kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo, giao UBND các huyện rà soát quỹ đất có thể phát triển cây Mắc ca, trong đó đáp ứng hài hòa các yếu tố về sinh thái của cây, tính chất đất đai, khả năng đáp ứng yêu cầu hạ tầng về giao thông, nước tưới để làm cơ sở mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng thực hiện theo chuỗi liên kết: Sản xuất – thu mua – chế biến – tiêu thụ sản phẩm
Kết luận cuộc họp, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo: Nhiệm kỳ này phải tìm được hướng đi cho sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, trong đó làm sao giúp người trồng rừng giữ rừng và sống được từ rừng. Diện tích rừng sản xuất của tỉnh rất lớn, nếu chỉ trồng keo, bạch đàn thì không hiệu quả. Đưa cây Mắc ca vào trồng thử nghiệm thành công sẽ mở ra hướng đi rất tốt. Tuy nhiên, để người dân tự trồng khảo nghiệm trong thời gian từ 3 - 4 năm, nếu thất bại sẽ dẫn đến mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Do vậy, muốn thành công được, dứt khoát phải mời DN tham gia. Tổ công tác của tỉnh phối hợp với Hiệp hội Mắc ca và mời các nhà khoa học về trồng trọt ở Học viện Nông nghiệp, tiến hành khảo sát đất có thể trồng được cây Mắc ca. Thực hiện chọn đất cho DN, theo hướng lập dự án đầu tư, thu hồi đất, giao đất cho DN trồng đầu tiên. Trong đó yêu cầu phải chọn vị trí phù hợp về thổ nhưỡng, khí hậu, chọn giống và mời người dân cùng tham gia với hình thức góp cổ phần. Thứ hai là trên cơ sở DN trồng, hộ dân có thể làm vệ tinh nhưng phải ký hợp đồng, DN cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật canh tác, kiểm tra giám sát thường xuyên và thu mua sản phẩm. Đồng thời, giúp hộ dân vay vốn trong vòng 7 năm. Việc thực hiện phải đảm bảo chặt chẽ, không được tự phát và không để người dân tự trồng thí điểm.
Đối với việc người dân trồng tự phát nhiều tại huyện Cao Phong, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc ngay định hướng cho người dân. Mời Hiệp hội Mắc ca vào khảo sát, nếu khả thi thì ký hợp đồng với người dân trong việc cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật canh tác, hỗ trợ vốn và thu mua sản phẩm…
Hoàng Nga
(HBĐT) - Chiều ngày 9/5, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, UVTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch TT UBND tỉnh đã kiểm tra công tác chuẩn bị các khu cách ly tập trung trên địa bàn thành phố Hòa Bình. Cùng tham gia đoàn có lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
(HBĐT) - Sáng 8/5, tại hội trường huyện Yên Thủy, các ứng cử viên (ƯCV) đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV thuộc đơn vị bầu cử số 2 tỉnh Hòa Bình đã tiếp xúc cử tri huyện Yên Thủy.
(HBĐT) - Chiều 7/5, tại nhà văn hóa huyện Tân Lạc, các ứng cử viên (ƯCV) đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, thuộc Đơn vị bầu cử số 1 tỉnh Hòa Bình gồm: Ông Ngô Văn Tuấn, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; ông Hoàng Đức Chính, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh); bà Hà Thị Dung, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS&THPT huyện Mai Châu; bà Đinh Thị Hằng, điều dưỡng viên Trung tâm Y tế huyện Đà Bắc đã tiếp xúc cử tri huyện Tân Lạc.
(HBĐT) - Ngày 7/5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid - 19 quốc gia đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống COVID 19. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, UV BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh và các đồng chí trong BCĐ phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 tỉnh, BCĐ phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 các huyện, thành phố.
(HBĐT) - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng chống dịch bệnh Covid – 19 tỉnh trong cuộc họp của BCĐ phòng chống dịch bệnh Covid – 19 tỉnh với các huyện, thành phố diễn ra sáng ngày 7/5.
(HBĐT) - Chiều 6/5, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Quang Dương, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư. Làm việc với đoàn, về phía tỉnh có các đồng chí: Ngô Văn Tuấn, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy.