Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành kiểm tra công tác đảm bảo an toàn và vận hành xả lũ công trình thủy điện Hòa Bình
Thứ tư, 21/7/2021 | 3:41:19 Chiều
(HBĐT) - Ngày 21/7, đồng chí Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo một số bộ, ngành đã làm việc với lãnh đạo tỉnh về công tác đảm bảo an toàn và vận hành xả lũ công trình thủy điện Hòa Bình (TĐHB). Tiếp, làm việc với đoàn có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm việc với lãnh đạo tỉnh và các bộ, ngành về công tác đảm bảo an toàn và vận hành xả lũ công trình thủy điện Hòa Bình.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành cho biết, TĐHB là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cung cấp nguồn điện cho quốc gia, cung cấp nước phục vụ sản xuất, đời sống cũng như thực hiện nhiệm vụ cắt, giảm lũ, đảm bảo an toàn cho Thủ đô Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ. Từ khi đi vào hoạt động (năm 1988), hồ Hòa Bình đã cắt được 44 trận lũ và có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm an toàn cho hạ du, nhất là trước năm 2011 khi hồ Sơn La chưa đi vào hoạt động. Điển hình như trong trận lũ tháng 8/1996, hồ Hòa Bình đã vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du với lưu lượng đỉnh lũ lúc 16h ngày 18/8/1996, lưu lượng về hồ 22.500 m3/s; lưu lượng xả 8.876 m3/s (mở 5 cửa xả đáy). Hồ đã cắt giảm lũ cho Hà Nội từ 1,2 đến 1,5 m; nếu không có hồ cắt lũ, mực nước Hà Nội có thể đạt +13,5 m (trên báo động 3 là 2 m), uy hiếp nghiêm trọng an toàn đê điều ở hạ du. Theo nhận định, từ nay đến hết năm 2021, sẽ có 8 - 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Tại lưu vực sông Đà, hồ Hòa Bình, với diễn biến mưa, lũ bất thường, đặc biệt là mưa lớn cục bộ, khả năng sẽ xuất hiện các đợt lũ lớn vào cuối thời kỳ mưa lũ, nguy cơ rủi ro cao do hồ chứa đã vào thời kỳ tích nước, không còn dung tích trữ lũ. Vì vậy, đại diện các bộ, ngành đề xuất các giải pháp để khắc phục hậu quả thiên tai; chủ động theo dõi các thông tin dự báo, cảnh báo mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, cảnh báo vận hành hồ chứa để có phương án kịp thời.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh thông tin nhanh tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm và công tác phòng chống, khắc phục hậu quả, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại về tài sản, sản xuất và các công trình. Đồng thời, nêu lên những khó khăn trong phòng, chống thiên tai (PCTT) liên quan đến công tác dự báo tình hình thiên tai, thời tiết. Nhất là mực nước hồ Hòa Bình xuống thấp đã gây thiệt hại lớn cho hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân các huyện trong khu vực hồ. Do vậy, đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần có thông báo sớm đến địa phương về việc điều tiết nguồn nước, giúp người dân chủ động có biện pháp xử lý đối với lồng cá nuôi nhằm giảm thiệt hại.
Bên cạnh đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành chức năng dồn tâm sức triển khai xây dựng để Nhà máy TĐHB mở rộng sớm hoàn thành, bởi đây là công trình có ý nghĩa lớn đối với đất nước nói chung và với sự tăng trưởng, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh Hòa Bình nói riêng.
Qua kiểm tra thực tế tại mặt đập, các tổ máy phát điện và báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành và tỉnh Hòa Bình đã phối hợp chặt chẽ giúp Nhà máy TĐHB suốt mấy chục năm qua vận hành bài bản, kịp thời, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo nhiệm vụ chính trị, QP-AN, vừa cung cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho các tỉnh, thành phố.
Đồng chí yêu cầu: Cần đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hồ, đập, thực hiện nghiêm túc các nghị định, quy định của Chính phủ về việc đảm bảo an toàn hồ, đập, vì đây là vấn đề sống còn, nếu để xảy ra sự cố rất nguy hiểm, gây thiệt hại vô cùng lớn cho các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trực tiếp là Thủ đô Hà Nội. Phải xác định đây là ưu tiên số một và trên tinh thần kiểm tra trước, làm trước, không chủ quan. Đồng thời, để tránh thiệt hại cho người dân, cần có sự phối hợp nhịp nhàng hơn giữa Thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về PCTT, các bộ, ngành chức năng, địa phương và các cơ quan truyền thông về vận hành xả lũ, điều tiết nước. Đối với hoạt động của hồ thủy điện, cần tính toán để vừa đáp ứng được yêu cầu sản xuất điện, vừa thực hiện điều tiết nước cho sản xuất nông nghiệp khu vực sông Hồng. Rà soát, đầu tư các thiết bị cần thiết để tăng cường công tác dự báo, cảnh báo chính xác, phục vụ có hiệu quả cho PCTT.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và đoàn công tác kiểm tra việc vận hành các tổ máy của Nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Yêu cầu phát triển điện miền Bắc hiện nay rất cần thiết, bởi nhu cầu sử dụng điện lớn, trong khi nhu cầu phát điện chưa đáp ứng được. Vì vậy, dự án Nhà máy TĐHB mở rộng có ý nghĩa hết sức quan trọng, cung cấp thêm nguồn điện cho đất nước, đóng góp nguồn thu ngân sách, tăng trưởng cho địa phương. Vì vậy, các bộ, ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần tập trung cao độ thực hiện thi công và giải quyết các vướng mắc liên quan đến dự án.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng đoàn công tác đã dâng hương tại Tượng đài Bác Hồ và tại Đài tưởng niệm cán bộ, công nhân, chuyên gia Liên Xô đã ngã xuống trong quá trình xây dựng công trình TĐHB.
Sáng 20/7, Quốc hội chính thức khai mạc phiên họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu.
Đúng 8 giờ ngày 20/7, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Kỳ họp.
Tại cuộc họp Chính phủ đột xuất với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về công tác phòng, chống dịch cấp bách, sáng 19/7 - ngày đầu tiên thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung lực lượng để phòng, chống dịch, đồng thời phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trên tinh thần "người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch COVID-19”.
(HBĐT) - Chiều 19/7, UBND tỉnh tổ chức họp Ban Chỉ đạo (BCĐ) Đổi mới GD&ĐT tỉnh với sự chủ trì của đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ. Tham dự có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng BCĐ; các thành viên BCĐ; Trưởng Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố; lãnh đạo, chuyên viên các phòng chuyên môn có liên quan thuộc Sở GD&ĐT.
Sáng 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống dịch COVID-19; tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021; những định hướng lớn phát triển Thủ đô trong thời gian tới.