(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh có diện tích đất tự nhiên lớn, diện tích dành cho nông nghiệp chiếm hơn 14% tổng diện tích tự nhiên. Ngày 31/6/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1604/QĐ-UBND phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020. Đề án có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho 74% dân cư nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước tiến tới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
Qua 5 năm thực hiện đề án, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp tích cực của các cấp, ngành, sự chủ động, sáng tạo của các doanh nghiệp và bà con nông dân trong sản xuất đã góp phần phát triển một số sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt (cây ăn quả có múi, mía, rau an toàn...), nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình, chăn nuôi bền vững (chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, kiểm soát và nâng cao chất lượng chăn nuôi nông hộ, phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ trâu, bò thịt, lợn bản địa, gà thả vườn, dê...), làng nghề; đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, liên kết sản xuất, cải tạo vườn tạp, dồn điền đổi thửa; quản lý bảo vệ và phát triển rừng bền vững... đạt được những kết quả tích cực. Tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp đạt trên 4%/năm. Giá trị sản xuất năm 2020 đạt 18,2 nghìn tỷ đồng, tỷ trọng ngành trồng trọt chiếm 57,74% (giảm 7,92%), chăn nuôi 24,96% (tăng 3,2%), thủy sản 6% (tăng 3,02%), lâm nghiệp 11,3% (tăng 1,7% so với năm 2015). Sản xuất nông nghiệp có những bước đột phá, tạo ra giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế, nông sản của tỉnh. Hạ tầng kỹ thuật ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt cho người dân, tăng giá trị thu được trên 1 ha đất canh tác: đất trồng trọt là 9,2 triệu đồng/năm, nuôi trồng thủy sản 22 triệu đồng/năm, trồng rừng sản xuất 1,2 triệu đồng/năm.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh ưu tiên phát triển nhóm cây ăn quả có múi, rau an toàn, mía ăn tươi. Đến nay, tỉnh bước đầu hình thành và mở rộng vùng sản xuất tập trung. Trong đó, cây có múi ở các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; vùng mía nguyên liệu ở Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy; sản xuất rau hữu cơ, rau sạch ở huyện Lương Sơn... Các nhóm sản phẩm chủ lực và sản phẩm ưu tiên thực hiện chuỗi giá trị, như: cây ăn quả có múi, tổng diện tích 10.700 ha, diện tích kinh doanh 7.400 ha, sản lượng 150.000 tấn; gạo chất lượng cao, tổng diện tích 19.000 ha/năm, sản lượng 101.460 tấn; cây rau, tổng diện tích 12.878 ha, năng suất 5,34 tấn/ha, sản lượng 191.650 tấn/năm; mía ăn tươi, tổng diện tích 5.342 ha, năng suất 69 tấn/ha, sản lượng 369.615 tấn; cây dược liệu, hương liệu,ổng diện tích 1.689 ha, năng suất 6,59 ha, sản lượng 11.135 tấn…
Các địa phương tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dồn điền đổi thửa. Giai đoạn 2018 - 2020, toàn tỉnh dồn điền đồi thửa được 2.057,4 ha, năm 2021 dồn đổi được trên 1.500 ha, từng bước khắc phục tình trạng manh mún về ruộng đất của các hộ dân. Trong năm 2021 đã chứng nhận trên 2.500 ha diện tích đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ đối với cây có múi, diện tích rau an toàn các loại và cây trồng khác.
Với kết quả thực hiện đề án, ngày 19/5/2021, UBND tỉnh có Quyết định số 1014/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu phát triển nông nghiệp là nền tảng theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phấn đấu đến năm 2025 tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản bình quân hàng năm đạt 4,5 - 5%; tỷ lệ nông sản hàng hóa qua sơ chế, chế biến đạt trên 30%…
Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo các nhóm sản phẩm: Nhóm sản phẩm nằm trong danh mục các sản phẩm chủ lực quốc gia (lúa gạo, cây ăn quả có múi, cây chè, cây rau, cây sắn, thịt lợn, chăn nuôi gia cầm); nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (cây mía, cây dược liệu, cá nuôi lồng, gỗ - sản phẩm từ gỗ, chăn nuôi trâu, bò chất lượng cao, chăn nuôi dê); nhóm sản phẩm đặc sản địa phương và lợi thế vùng miền (cây ăn quả ôn đới, cây ăn quả nhiệt đới, cây dược liệu trên đất rừng). Cơ cấu lại sản xuất theo từng lĩnh vực: trồng trọt (tập trung phát triển ngành trồng trọt theo hướng hiệu quả, bền vững, đảm bảo an ninh lương thực; nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh); chăn nuôi (phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung an toàn sinh học, đẩy mạnh cải thiện chăn nuôi nông hộ; hình thành khu, vùng chăn nuôi tập trung, khép kín, xa khu dân cư, liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại); lâm nghiệp (rà soát lại quy hoạch và phân loại rừng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển rừng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến); thủy sản (phát triển ngành thủy sản theo hình thức nuôi kết hợp, nuôi lồng tại các hồ chứa; phát triển nuôi các loài thủy sản có giá trị cao, phục vụ chế biến và xuất khẩu); phát triển chế biến, quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm (phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng nông sản, hàng hóa qua sơ chế, chế biến đạt trên 30%; hàng năm có 1 làng nghề được công nhận)…
V.H