(HBĐT) - Ngày 24/11, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương (T.Ư) Đảng đã tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hội nghị diễn ra trong thời gian 1 ngày. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, UV Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Vương Đình Huệ, UV Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng, UV Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng; cùng các đại biểu là các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các ban, bộ, ngành, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố và các điểm cầu cấp huyện, cấp xã.
Các đồng chí: Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh.
Tại điểm cầu của tỉnh có các đồng chí: Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật…
Hội nghị nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Và triển khai quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, nội dung nổi bật trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội của Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược.
Hội nghị đã nghe đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư trình bày báo cáo tóm tắt về "Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, đại diện lãnh đạo Thủ đô Hà Nội, Thừa Thiên Huế, An Giang cùng đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trình bày tham luận về vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa hiện nay.
Chiều cùng ngày, hội nghị đã tập trung thảo luận vê việc "Tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”. Các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số vấn đề như: Động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay; hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành VH-TT&DL giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; để văn hóa, văn nghệ "soi đường cho quốc dân đi”. Thảo luận về vấn đề xây dựng môi trường văn hóa, nhiệm vụ quan trọng để phát triển văn hóa con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; vấn đề nguồn nhân lực và đa dạng hoạt động ở các thiết chế văn hóa xã; phát huy giá trị của các di sản văn hóa để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam – thực trạng và giải pháp. Các đại biểu cũng đã cho ý kiến về việc chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới, từ Nghị quyết Đại hội XIII đến hành động.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Nhận thức của Đảng ta về xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ đổi mới đã từng bước được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện toàn diện và sâu sắc hơn. Đây là tiền đề rất cơ bản để chúng ta quán triệt và triển khai tổ chức thực hiện trong thực tế. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng, biểu dương, cảm ơn những đóng góp to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn thể cán bộ, đảng viên, và đặc biệt là của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, các lực lượng tham gia trên mặt trận văn hóa trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, cần nhìn nhận thẳng vào những hạn chế, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa để tìm những nguyên nhân, giải pháp khắc phục.
Tổng Bí thư đặt ra yêu cầu cần phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; nâng cao chất lượng, hiệu quả, sáng tạo, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, phi văn hóa, phản văn hóa.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Cần tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước nhằm bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong xây dựng, phát triển văn hóa từ T.Ư đến cơ sở. Cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp phải nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về văn hóa; trên cơ sở đó xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển văn hóa; phải quán triệt nghiêm túc quan điểm: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận những ý kiến kiến nghị, đề xuất của các tổ chức, cá nhân, nghệ sỹ, trí thức tại hội nghị. Đồng chí đề nghị: Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần nhìn nhận thẳng thắn vào những bất cập, tồn tại của lĩnh vực văn hóa để kịp thời chấn hưng văn hóa. Cần xây dựng đội ngũ chuyên gia, chuyên sâu, có hoạt động thực tiễn, phát triển văn hóa gắn với KT-XH. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa, văn minh của nhân loại nhưng vẫn phải giữ được hồn cốt văn hóa Việt. Các cấp, ngành cần chú trọng xây dựng văn hóa trong mọi mặt đời sống; xây dựng các chương trình văn hóa thiết thực. Đồng thời tiếp tục lan tỏa tinh thần giá trị dân tộc, bồi dưỡng, xây dựng đất nước văn minh.
Dương Liễu