Hội nghị đối ngoại toàn quốc được tổ chức trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra, cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt. Kinh tế thế giới trên đà phục hồi, song bấp bênh và không đồng đều. Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra cả thời cơ lẫn thách thức cho mọi quốc gia. Các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp, nhất là đại dịch Covid-19 gây tác động đa chiều và nghiêm trọng.
Năm 2021 có ý nghĩa quan trọng với đất nước, khi là năm đầu tiên quán triệt và triển khai Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045. Ðại hội XIII đã thông qua những nội dung quan trọng về đối ngoại, nhấn mạnh tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước; xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, ngoại giao phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Trong chuỗi các hội nghị nhằm triển khai Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, Hội nghị đối ngoại toàn quốc là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Ðồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: Ðây là lần đầu tiên Ðảng ta tổ chức Hội nghị về công tác đối ngoại với quy mô toàn quốc. Phải khẳng định là Hội nghị này rất quan trọng. Hội nghị sẽ đánh giá toàn diện kết quả công tác đối ngoại thời gian qua, đánh giá đúng tình hình khu vực và thế giới, nhận thức sâu sắc hơn đường lối đối ngoại mà Ðại hội XIII của Ðảng đã xác định. Từ đó, đề ra nội dung, nhiệm vụ, giải pháp công tác đối ngoại thời gian tới, trên cơ sở phát huy vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành, các cấp trong công tác đối ngoại.
Nhấn mạnh về ý nghĩa đặc biệt của Hội nghị, đồng chí Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Ðảng, Trưởng ban Ðối ngoại Trung ương nêu rõ, sau Ðại hội XIII, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức các hội nghị về công tác nội chính, văn hóa, xây dựng Ðảng, đây là lần đầu tiên Ðảng ta tổ chức hội nghị chuyên về đối ngoại. Ðiều này thể hiện sự quan tâm cao của Ðảng đối với công tác đối ngoại và trên thực tế, trong quá trình xây dựng đường lối phát triển và triển khai thực hiện, Ðảng ta đều hết sức coi trọng vai trò của công tác đối ngoại.
Công tác đối ngoại thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào thành tựu phát triển chung của đất nước. Việt Nam đã tạo được cục diện đối ngoại thuận lợi, có quan hệ hữu nghị và hợp tác với hầu hết các nước trên thế giới. Hội nhập quốc tế được triển khai toàn diện, sâu rộng. Chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc được giữ vững. Ðối ngoại đa phương được nâng tầm, khẳng định vai trò tích cực, đóng góp có hiệu quả của Việt Nam trong các thể chế, diễn đàn khu vực và toàn cầu.
Theo đồng chí Lê Hoài Trung, Hội nghị đối ngoại toàn quốc quán triệt sâu sắc và toàn diện đường lối, chủ trương, quan điểm về đối ngoại của Ðại hội XIII, nhất là những nội dung mới, thể hiện sự phát triển về tư duy đối ngoại của Ðảng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Những nhiệm vụ đã được Ðại hội XIII đề ra nhằm thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, bảo đảm mức cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc, thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện và hiện đại.
Ðồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ: Yêu cầu là thực hiện đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả cả ba trụ cột đối ngoại là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Ðảng và quản lý thống nhất của Nhà nước, góp phần tạo dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ điều kiện thuận lợi để phát triển, nâng cao vị thế đất nước. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của Ðảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, cũng là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam ở cả trong và ngoài nước, thể hiện cụ thể trong từng hoạt động của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân, để giúp thế giới hiểu rõ về đường lối đối ngoại của Ðảng, Nhà nước Việt Nam, ủng hộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam.