Vào mùa đông, gia đình ông Lê Văn Luyến, xóm Mỵ, xã Yên Mông (TP Hoà Bình) che chắn chuồng trại đảm bảo kín gió để bảo vệ vật nuôi.
Là hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại với gần 1.000 con gà và hàng trăm con lợn, nên việc bảo vệ đàn vật nuôi được gia đình ông Lê Văn Luyến, xóm Mỵ, xã Yên Mông (TP Hòa Bình) đặc biệt chú trọng. Ông Luyến cho biết: Nắm bắt được thông tin mùa đông năm nay nhiệt độ có xu hướng thấp hơn so với năm trước nên ngay khi bước vào mùa, gia đình đã gia cố lại toàn bộ chuồng trại, quan tâm tiêm phòng,vệ sinh, khử khuẩn khu vực chăn nuôi để phòng chống rét, dịch bệnh. Trong đợt rét đậm, rét hại, gia đình thường xuyên kiểm tra chuồng trại, căng bạt xung quanhchuồng đảm bảo kín gió, bật đèn sưởi, cho ăn đầy đủ chất để tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Từ kinh nghiệm của gia đình cho thấy, việc giữ ấm cho vật nuôi là một trong những yêu cầu quan trọng nhất để bảo vệ sản xuất.
Do địa hình chủ yếu là đồi núi, nên vào mùa đông, trên địa bàn tỉnh thường chịu rủi ro thiên tai do rét đậm, rét hại, sương muối. Những năm gần đây, người chăn nuôi cơ bản đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi. Song, do thiên tai ngày càng cực đoan, diễn biến bất thường, không theo quy luật, làm gia tăng những đợt không khí lạnh và các đợt rét đậm, rét hại. Cùng với đó, vẫn còn một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng cao giữ thói quen chăn thả và có tâm lý chủ quan nên hàng năm vẫn xảy ra thiệt hại cho nhiều hộ.
Do vậy, để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh đề nghị ngành chức năng, các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫnhộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn, chất đốt đảm bảo phòng chống đói, rét; triển khai phương án di chuyển gia súc chăn thả tự do về chuồng nuôi nhốt trong tình huống cần thiết để đảm bảo an toàn; hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản. Cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ, bổ sung thức ăn tinh, muối, khoáng, vitamin, men tiêu hóa cho gia súc, gia cầm...
Đối với cây trồng, cần chủ động che chắn bằng ni lông, bạt; không gieo hạt, cấy lúa vào những ngày nhiệt độ thấp dưới 130C. Tăng cường biện pháp chăm sóc, tưới nước, bón phân hữu cơ, phân NPK... Chủ động chuẩn bị hạt giống, cây con để dặm lại diện tích cây chết và hạt thối không nảy mầm được...
Đối với bảo vệ sức khỏe người dân, BCH PCTT&TKCN tỉnh đề nghị các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, nhất là người già, trẻ nhỏ, học sinh;căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương, phối hợp với Sở GD&ĐT có phương án cho học sinh nghỉ học. Chủ động thông báo, hướng dẫn cho khách vãng lai, khách du lịch; cắm biển cảnh báo trên các tuyến đường có khả năng xảy ra trơn trượt, nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng khuyến cáo, trong những ngày rét đậm, rét hại, người dân không nên đi tập thể dục quá sớm, đặc biệt với người cao tuổi, người bị mắc bệnh lý về hô hấp, tim mạch; không nên uống rượu, bia khi ở ngoài trời lạnh; không dùng bếp than sưởi ấm trong phòng kín bởi dễ gây thiếu oxy, có thể nguy hiểm tới tính mạng...
BCH PCTT&TKCN tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành phố tổ chức đoàn công tác xuống các xã, phường, thị trấn để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, tránh rét đậm, rét hại.
Thu Hiền