Các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Đà Bắc gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân các xã vùng lòng hồ sông Đà.
P.V: Thưa đồng chí, để xây dựng công trình NMTĐ Hòa Bình, hàng nghìn hộ dân của huyện đã nhường lại đất đai, nhà cửa, mồ mả cha ông, nơi "chôn nhau cắt rốn” di chuyển đến nơi ở mới. Sự kiện này diễn ra như thế nào?
Đồng chí Bùi Văn Luyến:Việc chuyển dân phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng NMTĐ Hòa Bình trên sông Đà tính đến nay vẫn được xem là một cuộc chuyển dân lớn nhất trong lịch sử đất nước sau chiến tranh. Đây được xác định là một trong những nhiệm vụ đặc biệt, cực kỳ quan trọng để kịp thời phục vụ cho kế hoạch ngăn sông Đà (đợt I năm 1983, đợt II năm 1986 và phát điện tổ máy số I năm 1987). Nhiệm vụ nặng nề này được T.Ư Đảng, Chính phủ giao Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Sơn Bình (cũ), trực tiếp là các địa phương: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Kỳ Sơn và thị xã Hòa Bình (nay là TP Hòa Bình) tổ chức thực hiện. Trong đó, Đà Bắc được coi là trung tâm của cuộc chuyển dân. Bởi đại bộ phận dân cư của huyện sinh sống ở ven quốc lộ 6 (cũ), chạy dọc theo sông Đà. Hầu hết các điểm dân cư đều nằm dưới cos 16 m. Do vậy, khi thực hiện kế hoạch lấp sông, đại bộ phận người dân phải di chuyển khỏi nơi ở cũ. Từ thực tế đó, có thể nói việc chuyển cư vùng lòng hồ sông Đà xây dựng NMTĐ Hòa Bình giống như một cuộc cách mạng. Tại thời điểm đó, huyện Đà Bắc có 23 xã thì có 18 xã nằm ở ven 2 bờ sông Đà, trong đó 7 xã phải di chuyển toàn bộ ra khỏi khu vực lòng hồ. Với tinh thần "Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, cả huyện Đà Bắc giống như đại công trường.
P.V: Như vậy, để thực hiện cuộc chuyển dân này Nhân dân các dân tộc huyện Đà Bắc đã có sự hy sinh đặc biệt to lớn, thưa đồng chí?
Đồng chí Bùi Văn Luyến:Đúng vậy! Từ năm 1982 - 1986, huyện đã hoàn thành việc di chuyển 2.365 hộ dân với 12.397 nhân khẩu, 3.700 mồ mả cùng hàng chục vạn m2 nhà ở của nhân dân tại 60 bản, làng thuộc 18/23 xã. Việc chuyển dân được thực hiện một cách nhanh chóng, đồng thời có sự đồng thuận cao của Nhân dân. Điều đáng nói, quá trình chuyển dân, Nhà nước hầu như không phải bồi thường giải phóng mặt bằng mà chỉ là hỗ trợ một phần rất nhỏ. Mỗi gia đình khi di chuyển được Nhà nước hỗ trợ từ 2.500 - 3.000 đồng. Số tiền này tương đương 20 - 30 kg gạo vào thời điểm đó. Tuy nhiên, với tinh thần "Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã phát huy tốt vai trò trong việc tuyên truyền, gương mẫu tổ chức thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ về công tác di dân vùng lòng hồ sông Đà. Do vậy đã tạo được sự tin tưởng tuyệt đối của người dân. Thế nên khi được vận động, tất cả các hộ gia đình, thôn, xóm, xã nằm trong vùng phải di chuyển đều thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Để hoàn thành kế hoạch chuyển dân, các hộ tự giúp nhau; thôn xóm, tổ chức đoàn thể tích cực giúp dân dỡ nhà chuyển vén lên cos nước cao hơn hoặc chuyển đến nơi ở mới. Nhất là năm 1982, thời kỳ gấp rút chuyển dân để phục vụ kế hoạch lấp sông đợt 1 năm 1983.
P.V: Xin đồng chí cho biết, sau 40 năm chuyển dân, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Đà Bắc đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và một sức vươn bền bỉ, vượt qua muôn vàn khó khăn trong xây dựng cuộc sống mới. Điều này được minh chứng, thể hiện ở những điểm nhấn gì?
Đồng chí Bùi Văn Luyến:Sau 40 năm chuyển dân lòng hồ sông Đà, chưa thể khẳng định là cuộc sống của người dân đã hết khó khăn. Tuy nhiên, có thể khẳng định, với sự cố gắng, nỗ lực, đồng lòng, phát huy cao độ tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện, KT-XH của huyện đã phát triển ổn định. Đặc biệt là ở các xã, địa phương phải thực hiện di chuyển dân đã có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước để xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất, hệ thống điện lưới quốc gia; các chương trình, mô hình kinh tế, thu hút đầu tư khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từng địa phương... Qua đó, đời sống người dân nói chung và người dân chuyển cư lòng hồ sông Đà nói riêng từng bước ổn định và không ngừng được cải thiện, nâng cao về vật chất, tinh thần. Theo đó, tính đến nay, 100% xã có đường bê tông, đường nhựa đến trung tâm xã; hệ thống kênh mương thủy lợi được cứng hóa đạt trên 70%, hàng năm được nâng cấp, sửa chữa, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất của Nhân dân. Thu nhập bình quân đạt 29,8 triệu đồng/người/năm. Đến nay, toàn huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 5 khu dân cư kiểu mẫu; 11 vườn kiểu mẫu; 6 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao. Tỷ lệ nhà ở dân cư đạt chuẩn chiếm trên 65%, số nhà tạm, dột nát chỉ còn dưới 3%.
Cùng với đó, huyện tập trung đầu tư cho giáo dục với 25/47 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm 53%. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, nâng cấp phục vụ tốt việc khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Toàn huyện có 15/17 xã, thị trấn có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 95%; việc chăm lo đời sống các đối tượng chính sách, gia đình có công, đối tượng bảo trợ thường xuyên được quan tâm; chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện tốt. ANCT - TTATXH được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể có nhiều chuyển biến tích cực; triển khai thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, XII, XIII); Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp. Ghi nhận những kết quả đó, nhân kỷ niệm 40 năm chuyển dân lòng hồ sông Đà, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Đà Bắc vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Phần thưởng cao quý này là minh chứng rõ nét nhất cho những cố gắng, nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Đà Bắc những năm qua.
P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Mạnh Hùng (TH)
Ngày 3/7, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 1, Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 30-60 mm, riêng Đông Bắc có nơi trên 80mm.
Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết bão số 1 diễn biến phức tạp và có khả năng xuất hiện 3 kịch bản đối với cơn bão này. Đáng chú ý, trong bão nhiều khả năng xuất hiện gió mạnh, nhất là ở gần tâm bão.