(HBĐT) - Để có cuộc sống hòa bình, phồn vinh và phát triển hôm nay, đất nước ta trải qua quá trình đấu tranh lâu dài và anh dũng, nhiều thế hệ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, trong đó không thể không nhớ tới sự đóng góp to lớn của hàng triệu anh hùng liệt sỹ, thương binh và những người có công (NCC) với nước. Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022), phóng viên Báo Hoà Bình đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Chăm sóc NCC tỉnh.
P.V: Ngày 27/7 hàng năm là dịp để nhớ về truyền thống lịch sử hào hùng và tri ân những liệt sỹ đã nằm lại nơi chiến trường, những thương, bệnh binh đã hy sinh một phần xương máu, những NCC với cách mạng. Xin đồng chí điểm lại những đóng góp của con em các dân tộc tỉnh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc?
Đồng chí Nguyễn Văn Toàn: Từ những ngày đầu gây dựng tổ chức hoạt động cách mạng, trong quá trình vận động, đấu tranh cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, tỉnh đã lần lượt hình thành 4 khu căn cứ địa cách mạng, nằm trong hệ thống chiến khu Hòa - Ninh - Thanh, gồm: Khu căn cứ Mường Khói và "Trường Sơn du kích kháng Nhật” tại Lạc Sơn; khu căn cứ Cao Phong - Thạch Yên; khu căn cứ cách mạng Giằng Xèo, Mường Diềm ở Đà Bắc. Cùng với những hoạt động ở các khu căn cứ là phong trào đấu tranh cách mạng mà dấu ấn còn để lại đến hôm nay.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Nhân dân các dân tộc tỉnh đã huy động 11.585 lượt người, đóng góp 381.300 ngày công, vận chuyển 5.000 tấn gạo phục vụ chiến dịch Tây Bắc; đồng thời đã tiễn đưa 5.000 con em tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Với tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã không quản ngại hy sinh gian khổ, quyết tâm đánh giặc Mỹ. Với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến”, lớp lớp thanh niên, con em các dân tộc tỉnh đã kế tiếp nhau lên đường nhập ngũ. Trong đó có 1.440 gia đình có 2 con trở lên nhập ngũ, 14 cặp anh em cùng lên đường nhập ngũ một ngày. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Hòa Bình, con em các dân tộc đã chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc. Tổng kết cuộc kháng chiến đã có hàng trăm chiến sỹ được tặng thưởng các danh hiệu cao quý, có 386 đơn vị quyết thắng, 3.323 chiến sỹ thi đua, 5.810 người con đã anh dũng hy sinh, 3.955 đồng chí là thương binh, 1.691 bệnh binh… Trong 2 lần chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân dân Hòa Bình đã bắn rơi 49 máy bay và bắt sống nhiều giặc lái.
Ghi nhận những thành tích đó, ngày 18/2/2002, Đảng và Nhà nước đã phong tặng cho Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình danh hiệu "Anh hùng LLVT nhân dân” thời kỳ chống Pháp. 10 huyện, thành phố và 62 xã phường, thị trấn được phong tặng danh hiệu đơn vị "Anh hùng LLVT nhân dân” thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ; 11 cá nhân được tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và Anh hùng lao động, 245 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Ngày nay trong thời bình, chúng ta vẫn chứng kiến những tấm gương chiến sỹ công an nhân dân anh dũng hy sinh trong đấu tranh phòng, chống tội phạm để giữ gìn sự bình yên cho xã hội. Đó là những tấm gương của cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
P.V: Xin đồng chí cho biết trong những năm qua, tỉnh đã thực hiện công tác thương binh - liệt sỹ như thế nào; những chương trình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ?
Đồng chí Nguyễn Văn Toàn: Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy - HĐND tỉnh mà trực tiếp là UBND tỉnh, mặc dù phải tập trung chỉ đạo những nhiệm vụ quan trọng để phát triển KT-XH, AN-QP nhưng các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức đoàn thể, tổ chức KT-XH và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn coi trọng triển khai, thực hiện đồng bộ các chính sách ưu đãi của Nhà nước và thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào tình nghĩa nhằm chăm sóc, giúp đỡ NCC ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn. Các chính sách ưu đãi về đất ở, nhà ở, y tế, giáo dục, chính sách miễn giảm thuế, vay vốn ưu đãi cho các đối tượng được quan tâm thực hiện đồng bộ.
Điểm nổi bật đáng ghi nhận trong thực hiện chính sách là đồng thời với việc tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn cụ thể cho các đối tượng thì các cấp, các ngành đã chấp hành nghiêm túc, đầy đủ những quy định về thủ tục hồ sơ, giải quyết chính sách, thực hiện chính sách NCC trên địa bàn tỉnh.
Phong trào Toàn dân giúp đỡ, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và NCC với cách mạng của tỉnh không ngừng được phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Huy động được sức mạnh của toàn xã hội tự giác tham gia, gánh vác trách nhiệm cùng Nhà nước chăm lo đối với NCC và thân nhân. Cùng với thời gian, có 5 chương trình lớn được phát động: Xây dựng nhà tình nghĩa; vận động ủng hộ quỹ "Đền ơn - đáp nghĩa"; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc ổn định đời sống thương binh, bệnh binh nặng ở gia đình; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc bố mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn.
Tính từ năm 2017 đến nay, quỹ "Đền ơn - đáp nghĩa" toàn tỉnh vận động thu được trên 15 tỷ đồng; đã tặng trên 600 sổ tiết kiệm tình nghĩa; xây mới, tu sửa, nâng cấp trên 850 nhà tình nghĩa. Đến nay, về cơ bản các đối tượng không còn ở nhà xiêu vẹo, dột nát. Công tác chăm sóc sức khỏe cho NCC và thân nhân của họ luôn được quan tâm, hàng năm tổ chức điều dưỡng cho trên 3.000 lượt người. Tỉnh đã sửa chữa, nâng cấp mộ phần nghĩa trang Hoà Bình tại nghĩa trang quốc gia Trường Sơn và nghĩa trang Đường 9 tỉnh Quảng Trị với số kinh phí trên 23 tỷ đồng; xây mới các đền thờ tưởng niệm liệt sỹ; tu bổ, nâng cấp nhiều nghĩa trang liệt sỹ, nhà bia ghi tên liệt sỹ.
Ngoài việc đảm bảo chế độ trợ cấp hàng tháng cho NCC, nhiều chính sách hỗ trợ khác cũng được thực hiện như: Thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, tặng đồ dùng sinh hoạt cho NCC, huy động ngày công giúp đỡ gia đình chính sách. Tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ việc làm, phát triển sản xuất; hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương, bệnh binh; thực hiện ưu đãi trong giáo dục, đào tạo và giải quyết việc làm cho con em của NCC.
Hiện nay, toàn tỉnh đã có 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và NCC. 99,5% hộ chính sách, NCC có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của nhân dân trên cùng địa bàn cư trú.
Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022) là dịp để tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi NCC. Thông qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, đẩy mạnh phong trào "Đền ơn - đáp nghĩa”. Các hoạt động kỷ niệm đã, đang được tỉnh tổ chức trang trọng, hiệu quả: thăm hỏi, tặng quà NCC, thân nhân NCC tại các địa phương, trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng; tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ và hội nghị biểu dương NCC tiêu biểu theo quy mô cấp tỉnh tại TP Hoà Bình; dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Chiến dịch Hoà Bình; lễ dâng hương và thắp nến tri ân anh hùng liệt sỹ tại các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn tỉnh; tổ chức đoàn cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh thăm viếng Nghĩa trang liệt sỹ Hoà Bình tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn và Đường 9 tỉnh Quảng Trị; đoàn đại biểu NCC tỉnh đi thăm chiến trường xưa và di tích lịch sử cách mạng trong kháng chiến tại các tỉnh miền Trung; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; phát động, vận động xây dựng quỹ "Đền ơn - đáp nghĩa”…
P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Bùi Minh (TH)