Thắng lợi có ý nghĩa bao trùm là dưới ngọn cờ cứu nước của Đảng, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng sức mạnh đại đoàn kết đã vùng dậy lật đổ ách thống trị của quân xâm lược và phong kiến tay sai, giành quyền làm chủ quê hương. Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã giải phóng Nhân dân lao động thoát khỏi gông xiềng nô lệ, trở thành người chủ thực sự của núi rừng, quê hương. Đây là cuộc cách mạng mang ý nghĩa lịch sử trọng đại đối với đồng bào các dân tộc trong tỉnh, sẽ mãi mãi được các thế hệ khắc ghi.
Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, lịch sử dân tộc sang trang. Ngày 2/9/1945, trong cuộc mít tinh của Nhân dân Thủ đô Hà Nội tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Người kêu gọi toàn dân đoàn kết, kiên quyết đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa giành được.
Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra
tiến độ thi công dự án hồ chứa nước Cánh Tạng (Lạc Sơn).
77 năm qua, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, đó là kim chỉ nam, là ngọn đuốc luôn rực cháy, soi rọi con đường xây dựng quê hương, đất nước ngày một bền vững, giàu mạnh, cho dù chặng đường đó không tránh khỏi nhiều chông gai, thử thách. Song trên hết, với truyền thống yêu nước, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và tinh thần vượt khó, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hòa Bình luôn vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ phù hợp với thực tế địa phương để lãnh đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN.
Những năm gần đây, thực hiện NQĐH lần thứ XIII của Đảng; NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025 trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực và đất nước có sự chuyển động mạnh, mở ra nhiều thời cơ, cơ hội mới cho sự phát triển. Tuy vậy, chúng ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đặc biệt là trong giai đoạn hết sức gian khó khi dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống KT-XH, SX-KD của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó là tác động của biến đổi khí hậu, khô hạn kéo dài, nguồn nước phục vụ sản xuất ngành công nghiệp điện thiếu hụt cũng ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh. Khó khăn chồng khó khăn, song với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa ưu tiên phục hồi và phát KT-XH, qua đó, năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Thu NSNN vượt dự toán. Là năm có số dự án đăng ký đầu tư tăng mạnh cả về số lượng dự án và số vốn đăng ký đầu tư. Song song với đó, hoạt động văn hóa, GD&ĐT, y tế, truyền thông, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên đạt kết quả quan trọng; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống của Nhân dân được cải thiện; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng bảo đảm.
Năm nay là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, do vậy, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND, ngày 18/1/2022 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN tỉnh Hòa Bình năm 2022 với 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đối với từng ngành, lĩnh vực và giao chi tiết cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện, gồm: 19 chỉ tiêu KT-XH trọng tâm, chủ yếu; 54 chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực; 153 nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, lĩnh vực; kịch bản tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); kế hoạch triển khai 6 dự án đầu tư công và 14 dự án đầu tư ngoài ngân sách trọng điểm khởi công trong năm 2022 của tỉnh.
Nhiệm vụ đặt ra nặng nề, song UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp của Chính phủ về chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2022; đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SX-KD; đảm bảo an sinh xã hội, QP-AN. Cùng với sự cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, tình hình KT-XH của tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, một số lĩnh vực tăng trưởng khá.
Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tăng 5,13% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,63%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,17% (riêng công nghiệp tăng 7,44%); dịch vụ tăng 7,32%; thuế sản phẩm giảm 11,45%. Cùng với những thành quả trong SXNN và xây dựng NTM, sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng khá với chỉ số ước tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 25.637 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt kết quả tích cực; giá trị xuất khẩu ước đạt 702,63 triệu USD, tăng 21,38% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước đạt 533,46 triệu USD, tăng 5,83% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng, tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt 3.256,8 tỷ đồng, bằng 84% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 51% so với Nghị quyết HĐND tỉnh, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách địa phương ước đạt 8.832,2,2 tỷ đồng, bằng 73% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 61% so với Nghị quyết HĐND tỉnh, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước.
Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng như các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố được đặc biệt chú trọng. Lũy kế đến ngày 30/6/2022, toàn tỉnh có 681 dự án đang hoạt động; trong đó, có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 600 triệu USD và 644 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 143.810 tỷ đồng.
Thành quả phát triển KT-XH đạt được rất đáng trân trọng, tự hào đối với tỉnh miền núi có xuất phát điểm thấp. Tuy vậy, hành trình phía trước vẫn còn nhiều gian khó, cần sự đồng tâm, hợp lực của cả hệ thống chính trị. Tin tưởng rằng, với truyền thống tỉnh Hòa Bình anh hùng và khát vọng phát triển, cùng với tiềm năng, lợi thế được xác định, bước đầu khai thác hiệu quả, trong tương lai không xa, quê hương Hòa Bình sẽ ghi dấu ấn đậm nét trên con đường phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng niềm tin, sự mong chờ của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh.