Nguyễn Phi Long 
Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy


Đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trao bằng chứng nhận 2 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Tri thức lịch tre và Lễ hội Khai hạ của người Mường cho tỉnh Hòa Bình.

Hòa Bình là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trên địa bàn tỉnh có 6 dân tộc chính là: Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông, trong đó dân tộc Mường chiếm hơn 63% dân số. Mỗi dân tộc có những bản sắc riêng biệt, trong đời sống còn lưu giữ được những nét cơ bản về phong tục, tập quán tín ngưỡng. Di sản văn hoá (DSVH) của đồng bào các dân tộc ở tỉnh ta được lưu giữ khá đa dạng, phong phú như: Văn học nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết, tri thức dân gian, trang phục, kiến trúc nhà ở..., điều đó đã tạo nên sự đa dạng về văn hóa. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa thời đại đồ đá nổi tiếng, đó là nền "Văn hóa Hòa Bình”. Tỉnh ta hiện còn lưu giữ hàng trăm chiếc trống đồng, hàng ngàn chiếc chiêng quý giá, là nơi sản sinh sử thi "Đẻ đất, đẻ nước”, là nơi diễn ra các lễ hội rộn rã tiếng chiêng, tưng bừng trong lời ca, điệu múa, là nơi ấm tình người trong những thuần phong mỹ tục vẫn còn đậm nét văn hóa của người Việt Mường cổ.


Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được tái hiện trên sân khấu của sự kiện Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường năm 2022.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, trên tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh ta đang nỗ lực phát triển toàn diện trên các lĩnh vực KT-XH, đạt được những thành tựu quan trọng. Riêng trong lĩnh vực văn hoá, hiện tỉnh có tổng số 786 DSVH phi vật thể; trong đó: tiếng nói, chữ viết 10, ngữ văn dân gian 154, nghệ thuật trình diễn dân gian 171, tập quán xã hội 113, nghề thủ công truyền thống 26, tri thức dân gian 268. DSVH vật thể tại Bảo tàng tỉnh lưu giữ trên 18.000 hiện vật; có 102 di tích được xếp hạng; hơn 100 di tích nằm trong danh mục bảo vệ đã được kiểm kê. Nhiều giá trị văn hóa đặc sắc được quan tâm khôi phục, phát triển, đặc biệt là lễ hội truyền thống, hàng năm tỉnh bảo tồn, tổ chức thường niên hơn 63 lễ hội các cấp thuộc các huyện, thành phố, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân, đây cũng chính là tiềm năng lớn để khai thác, phát huy phục vụ phát triển KT-XH, nhất là trong lĩnh vực du lịch.

Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ 2, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh hun đúc nên phẩm chất, cốt cách con người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước”; trên tinh thần đó, tỉnh Hòa Bình với 4 DSVH phi vật thể được công nhận cấp Quốc gia, chủ yếu là văn hóa dân tộc Mường, tỉnh ta tự hào là một trong những tỉnh có đóng góp quan trọng vào kho tàng văn hoá của dân tộc.

"Lễ hội Khai hạ (LHKH) của người Mường ở tỉnh Hoà Bình” hay còn gọi là lễ hội "Khuống mùa” là Di sản thứ tư của tỉnh Hoà Bình được Bộ VH-TT&DL trao bằng công nhận là DSVH phi vật thể Quốc gia, điều này thể hiện sự trân trọng và ghi nhận của Nhà nước đối với những cống hiến, đóng góp to lớn của Nhân dân 4 vùng Mường lớn của tỉnh: Bi, Vang, Thàng, Động xưa (thuộc các huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong, Kim Bôi ngày nay) đã gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của DSVH phi vật thể này. Đây là niềm tự hào của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình, của người dân bốn Mường: Bi, Vang, Thàng, Động; góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng DSVH phi vật thể của tỉnh nhà.

LHKH của người Mường ở tỉnh Hòa Bình là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất có từ rất lâu đời và đã trở thành nét sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng không thể thiếu trong mỗi dịp Tết, đến xuân về của người Mường Hòa Bình, đặc biệt là ở 4 vùng Mường lớn của tỉnh. Trải qua năm tháng thăng trầm của các thời kỳ lịch sử, LHKH luôn có mặt trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng và trở thành một loại hình văn hóa đặc sắc, độc đáo và tiêu biểu của người Mường Hoà Bình, như một minh chứng cho sức mạnh trường tồn của tinh thần và bản sắc dân tộc, bởi nó được bắt nguồn từ chính cuộc sống lao động sản xuất, trong tình yêu của đồng bào và cũng bởi chính họ là chủ thể sáng tạo ra, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Với những giá trị độc đáo, LHKH đã góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí, khát vọng vươn lên, xây đắp cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào Mường. Lễ hội gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ cùng ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập Mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, những điều tốt đẹp đến với người dân, bản Mường.

Việc công nhận "LHKH của người Mường ở tỉnh Hoà Bình” chính là "thương hiệu” của tỉnh mà cả nước dành cho chúng ta, qua đó góp phần giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về những DSVH đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, góp phần làm tăng thêm sức hấp dẫn, cuốn hút đối với du khách. Việc khẳng định, tôn vinh giá trị của di sản LHKH giúp đồng bào dân tộc Mường và cộng đồng các dân tộc của tỉnh nhận thức một cách đầy đủ hơn về giá trị DSVH phi vật thể của dân tộc để từ đó có những hành động thiết thực và hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị của di sản gắn với phát triển ngành kinh tế du lịch tỉnh nhà.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân, bằng tài năng, nỗ lực đã sáng tạo, bồi đắp và trao truyền cho con cháu tài sản quý báu này để hôm nay được vinh danh, ghi nhận và trường tồn cùng với những bước phát triển của đất nước, của tỉnh. Tôi ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy, chính quyền, ngành VH-TT&DL, cơ quan chuyên môn và Nhân dân các huyện có di sản, đặc biệt là các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hoá đã chung sức, đồng lòng thực hành, truyền dạy, bảo tồn, phát huy DSVH quý giá và độc đáo này để di sản ngày càng có sức sống bền vững, lan tỏa sâu rộng như ngày hôm nay. Điều vui mừng là các địa phương có lễ hội đều đã đưa vào Nghị quyết của nhiệm kỳ này và có nhiều hành động thiết thực trong việc tuyên truyền, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của LHKH.

LHKH của người Mường là DSVH phi vật thể quan trọng của tỉnh Hoà Bình, đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh ta trách nhiệm to lớn, đó là phải tiếp tục bảo vệ, phát huy hơn nữa giá trị của di sản vô giá này; là trách nhiệm đối với các bậc tiền nhân, với tổ tiên, cộng đồng xã hội và với dân tộc, non sông đất nước Việt Nam ta.

Trong thời gian tới, tôi đề nghị: Các cấp ủy, chính quyền, ngành VH-TT&DL, cơ quan chuyên môn, đặc biệt là Nhân dân các huyện có di sản, các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hoá cần tiếp tục nỗ lực phát huy vai trò và trách nhiệm của cộng đồng người Mường - những chủ thể của di sản và là người thực hành, trao truyền loại hình di sản đặc sắc này, xứng tầm với một vùng đất giàu truyền thống văn hóa; giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế về mảnh đất, con người, bản sắc văn hóa Hoà Bình. Các địa phương sở hữu di sản cần quan tâm xây dựng các chương trình quảng bá, tuyên truyền sâu rộng, sáng tạo, hiệu quả để thúc đẩy sự gắn bó, đoàn kết xã hội, khuyến khích ý thức về bản sắc và trách nhiệm của người dân địa phương trong việc lan tỏa và thực hành sinh hoạt tại cộng đồng. Quan tâm tạo điều kiện thuận lợi đến các nghệ nhân trong việc truyền dạy các giá trị di sản trong cộng đồng; tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho việc sưu tầm, lưu giữ, xuất bản tư liệu cổ có liên quan đến các loại hình di sản nói chung, chú ý đến tính đa dạng trong tổng thể của di sản ở mỗi địa phương trong quá trình bảo tồn và phát triển; không để tình trạng lợi dụng các hoạt động lễ hội, làm biến tướng để trục lợi, làm xấu đi hình ảnh đẹp đẽ, cổ truyền của lễ hội truyền thống. Các sở, ngành và các địa phương có liên quan với tất cả tình cảm và trách nhiệm tiếp tục cùng chung tay phối hợp, nghiên cứu, phát triển LHKH của người Mường ở tỉnh ta ngày càng đặc sắc, luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào người Mường nói riêng và của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung; thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước, trở thành thương hiệu của tỉnh Hòa Bình ta. UBND tỉnh tham mưu, đề xuất trình HĐND tỉnh xem xét ban hành cơ chế, chính sách lưu giữ, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa đặc thù của tỉnh.

Chúc LHKH dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình của chúng ta sẽ mãi là niềm tự hào của nền "Văn hóa Hoà Bình”, đóng góp, làm giàu có thêm kho tàng văn hóa Việt Nam. Chúng ta mong rằng DSVH phi vật thể được công nhận hôm nay, cùng hệ thống DSVH vật thể, phi vật thể phong phú của tỉnh ta sẽ tiếp tục được các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh giữ gìn, bồi đắp, trở thành động lực và nguồn lực quan trọng để phát triển KT-XH, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh trong xây dựng và phát triển của tỉnh ta.

Một mùa xuân mới đã về trên khắp mọi nẻo đường của quê hương, đất nước, mang theo biết bao tin yêu, khát vọng về một năm mới hạnh phúc, an lành, với nhiều thành tựu mới. Dẫu còn đó không ít những khó khăn, trở ngại, song chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh ta sẽ đoàn kết một lòng, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, tạo tiền đề vững chắc để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Nhân dịp đầu xuân năm mới, trong không khí cả nước đang hân hoan vui Xuân Quý Mão 2023, xin kính chúc toàn thể Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng.

Năm mới giành nhiều thắng lợi mới !


Các tin khác


Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Chiều 17/4, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) các dự án trọng điểm của tỉnh chủ trì hội nghị chuyên đề BCĐ về tình hình triển khai dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+00 - Km53+00 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình). Dự hội nghị có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí thành viên BCĐ các dự án trọng điểm tỉnh; đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan.

Thủ tướng dự gặp mặt, tri ân những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Sáng 17/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Giám đốc điều hành Tập đoàn Apple Tim Cook

Sáng 16/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Giám đốc điều hành Tập đoàn Apple (Hoa Kỳ) Tim Cook đang thăm, làm việc tại Việt Nam.

Ban Tổ chức Trung ương lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp

Ngày 16/4, Ban Tổ chức T.Ư tổ chức hội nghị trực tuyến với 32 tỉnh, thành phố lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và các đại biểu.

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

Tiếp nối thành công 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề "Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”.

Khai mạc phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chiều 15/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chính thức khai mạc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục