Theo Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 18/1.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Trao đổi bên lề Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đánh giá rất cao sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình tham gia soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Hồ sơ dự án luật sửa đổi trình Quốc hội lần này được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng, thận trọng. Các ý kiến tham gia hợp lý của các vị đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan, tổ chức có liên quan, ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước được lắng nghe, tiếp thu đầy đủ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn rất nhiều phương án đưa ra để lựa chọn cho thấy các đại biểu rất lắng nghe ý kiến nhân dân và đặt ra các vấn đề cần trao đổi. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trước đây đã được thống nhất cao giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan trình chính phủ với cơ quan thẩm tra là Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đánh giá, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 này đã tương đối hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn đặt ra, cơ bản khắc phục được những hạn chế của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đại Thắng phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Để hoàn thiện hơn dự án Luật, đại biểu Nguyễn Đại Thắng lưu ý quan tâm đến quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất do Nhà nước cho thuê đất thu tiền hằng năm. Tại khoản 2 Điều 34 dự án Luật quy định "Đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm không thuộc trường hợp sử dụng đất để đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp quy định tại Điều 202 của Luật này thì có quyền, nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 điều này, trừ quyền bán, quyền thế chấp và quyền góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê".
Đại biểu phân tích, quy định đơn vị sự nghiệp công lập khi lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hằng năm thì không được quyền bán, quyền thế chấp tài sản gắn liền với đất là hợp lý và phù hợp với việc bảo toàn đất do Nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng; ngăn chặn được việc tài sản có thể bị phát mại nếu thế chấp. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu có thể xem xét cho đơn vị sự nghiệp công lập được quyền góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê theo hướng quy định chi tiết, điều kiện góp vốn để tạo điều kiện và giảm áp lực về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có quá trình soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý hết sức công phu, kỹ lưỡng, đặc biệt trong quá trình xây dựng dự thảo luật đã có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân.
"Đây là dự luật lớn, đặc biệt quan trọng, có liên hệ mật thiết, ảnh hưởng trực tiếp tới toàn bộ người dân, nội dung dự thảo Luật khắc phục rất nhiều những vấn đề bất cập, vướng mắc đặt ra trong quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013. Xác định đây là luật chi phối các luật khác nên việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nhiều thời gian thảo luận một cách thận trọng, khách quan với sự tham gia đóng góp của nhiều đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học và đặc biệt lấy ý kiến nhân dân là cực kỳ quan trọng và hết sức cần thiết”, đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu tỉnh Đồng Tháp, nội dung góp ý vào dự thảo Luật đã được các cơ quan có trách nhiệm tập hợp, tiếp thu, giải trình hết sức kỹ lưỡng, công phu cho thấy tinh thần cầu thị, quyết tâm của Ban soạn thảo, của Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt ngay từ đầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất của dự án Luật.
Qua thảo luận, các ý kiến đã phân tích, làm rõ những phương án còn quan điểm khác nhau và đã cơ bản thống nhất với những nội dung lớn, trọng tâm của dự thảo Luật. Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở góp ý của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận Kỳ họp bất thường lần thứ 5 tiếp tục tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật đảm bảo chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Các đại biểu Quốc hội đánh giá, tính đến thời điểm này, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có sự hoàn thiện, nâng cao về chất lượng. Cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý đã rất lắng nghe, chắt lọc đầy đủ, thận trọng các ý kiến tham gia hợp lý của các vị đại biểu Quốc hội, của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan, tổ chức có liên quan, ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước. Những vấn đề lớn, vấn đề khó và còn có ý kiến khác nhau được tiếp thu, giải trình rất thận trọng, thỏa đáng.
Nhiều đại biểu bày tỏ tin tưởng và kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 với tỷ lệ đồng thuận, tán thành cao, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, tạo nguồn lực phát triển đất nước...
Trên tinh thần đó, để Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi có hiệu lực sớm đi vào cuộc sống, theo các đại biểu, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần quan tâm triển khai kịp thời việc ban hành các nghị định, văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật; tránh tình trạng để luật phải chờ nghị định. Ngoài ra, công tác phổ biến, tuyên truyền về những điểm mới của Luật Đất đai (sửa đổi); nội dung trọng tâm của Luật tới người dân, doanh nghiệp cũng cần được tăng cường, đổi mới để các đối tượng chịu sự tác động của chính sách nắm vững và thực hiện theo đúng quy định…
Theo Baotintuc.vn
Nguyễn Phi Long
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
Hòa Bình là tỉnh miền núi có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống, chiếm trên 74%, trong đó dân tộc Mường chiếm hơn 64% dân số toàn tỉnh. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong quá trình phát triển đã sáng tạo ra những giá trị văn hoá độc đáo, tạo ra bản sắc riêng, thể hiện trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng, kiến trúc nhà ở, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ, truyện cổ tích, tục ngữ, lễ hội, tri thức dân gian. Hòa Bình cũng là cái nôi của nền "Văn hóa Hòa Bình” - một nền văn hóa cổ đại thời đại đồ đá thuộc giai đoạn tiền sơ sử trong tiến trình phát triển của lịch sử loài người đã xuất hiện và tồn tại ở Việt Nam, là tài sản vô cùng quý báu. Đây không chỉ là niềm tự hào của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình mà còn là niềm tự hào của Việt Nam chúng ta.
Thứ hai, ngày 15/1/2024, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc và bước vào ngày làm việc đầu tiên tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Dự thảo Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng giao thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt khi thuộc một trong 6 trường hợp, trong đó có trường hợp bị rút tiền hàng loạt và có nguy cơ gây mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.
Chiều 15/1, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị triển khai quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ. Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành (BCH) T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dự và trao quyết định. Cùng dự có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh...
Sáng 15/1, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Ngày 15/1, thực hiện quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.