Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Yên Thủy trao đổi, động viên các tổ chức, cá nhân ứng dụng hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật trong phát triển sản phẩm nông sản sạch, nhất là cây bưởi trên địa bàn.
Huyện đã cụ thể hóa Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 13/6/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển sản xuất một số sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, giai đoạn 2014 - 2020; Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 26/4/2016 của Tỉnh uỷ Hoà Bình về cải tạo vườn tạp trên địa bàn tỉnh và các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực trồng trọt của tỉnh bằng các nghị quyết, kế hoạch, đề án "về đẩy mạnh việc phát triển hợp tác, liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng cánh đồng mẫu lớn và vận động người dân cải tạo vườn tạp”; "chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với hình thành các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác huyện Yên Thủy giai đoạn 2015 - 2020”; "đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Yên Thủy theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2025".
Từ đó, kết quả sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Thủy giai đoạn 2015 - 2019 duy trì mức tăng trưởng khá, tạo nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đảm bảo an ninh lương thực, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội trên địa bàn. Cùng với đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đạt được nhiều kết quả tích cực. Huyện đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được 1.354,38 ha đất sản xuất nông nghiệp; duy trì và thành lập mới được 22/28 HTX, 35/36 tổ hợp tác nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012; chuyển đổi được 718,78 ha đất trồng lúa và cây màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây rau, cây dược liệu mang lại giá trị kinh tế cao hơn; cải tạo được 657,5 ha vườn tạp chuyển sang trồng cây ăn quả có múi và một số loại cây ăn quả khác. Trong trồng trọt đã dần hình thành và phát triển các vùng chuyên canh, tập trung như: Cà gai leo tại các xã: Đa Phúc, Bảo Hiệu; bí xanh tại các xã: Bảo Hiệu, Đoàn Kết, Lạc Lương, Lạc Hưng, Phú Lai, Hữu Lợi; bưởi tại các xã: Ngọc Lương, Bảo Hiệu, Yên Trị, Đoàn Kết, Yên Lạc và thị trấn Hàng Trạm. Riêng diện tích bưởi tính đến tháng 11/2019, toàn huyện có 610,5 ha với 250,97 ha đang cho thu hoạch. Trong đó, bưởi Diễn chiếm 60% diện tích, còn lại là các giống bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi da xanh và các giống bưởi chín sớm khác…; sản lượng đạt trên 4.500 tấn/năm. Dự kiến đến năm 2020, diện tích cây bưởi trên toàn huyện đạt khoảng 851 ha, sản lượng đạt trên 10.000 tấn.
Sản phẩm bưởi Yên Thuỷ đã được nhiều khách hàng trong và ngoài huyện biết đến, song do sản phẩm chưa có nhãn hiệu và hệ thống nhận diện (QRcod) nên giá trị sản phẩm còn thấp, thị trường tiêu thụ hạn hẹp, chủ yếu phụ thuộc vào tư thương. Từ thực tế đó, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp (CASRAD) triển khai thực hiện dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Bưởi Yên Thủy” cho sản phẩm bưởi quả của huyện, trong đó tập trung xây dựng nhãn hiệu và hệ thống nhận diện sản phẩm. Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp văn bằng chứng nhận nhãn hiệu "Bưởi Yên Thuỷ” tại Quyết định số 76495/QĐ-SHTT, ngày 9/9/2019.
Trong thời điểm chuẩn bị bước sang năm mới 2020, huyện Yên Thủy được nhận nhãn hiệu chứng nhận "Bưởi Yên Thuỷ” cho sản phẩm bưởi quả và trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Bưởi Yên Thuỷ” cho các tập thể, cá nhân đạt tiêu chuẩn sử dụng. Đây là đòn bẩy rất quan trọng giúp sản phẩm bưởi quả và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện đến với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh. Qua đó, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường xúc tiến đầu tư, thương mại và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò, tầm quan trọng trong sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm (VietGAP, hữu cơ...) đối với công tác bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khoẻ người lao động và người tiêu dùng. Cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm trong quản lý, sử dụng, gìn giữ, bảo vệ thương hiệu sản phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Để phát triển bền vững, nâng cao chất lượng và đem lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất đối với cây bưởi nói riêng, cây ăn quả có múi nói chung, trong thời gian tới, đề nghị các địa phương làm tốt việc rà soát quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung, hàng hóa lớn; xác định diện tích của từng loại cây ăn quả theo hướng phát huy tối đa lợi thế đất đai, điều kiện ngoại cảnh; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, xuất khẩu, thâm canh, đào tạo, tập huấn, chỉ dẫn địa lý, tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tham gia các hình thức hợp tác liên kết như: câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã… Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị cây ăn quả có múi, từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ; chú trọng lựa chọn giống sạch bệnh, làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh hại, chăm sóc, nâng cao tỷ lệ diện tích sản xuất, chứng nhận VietGAP; từng bước phát triển công nghiệp chế biến sau thu hoạch để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị gia tăng. Tăng cường các hoạt động xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiếp cận thị trường; thực hiện tốt việc dồn điền, đổi thửa, ưu đãi đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nông nghiệp hình thành và phát triển. Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng cường tập huấn nâng cao năng lực của nông dân, lãnh đạo tổ chức nông dân về kỹ thuật cũng như quản trị cộng đồng. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối thị trường để sản phẩm cây ăn quả có múi, nhất là sản phẩm bưởi Yên Thủy vào được các siêu thị lớn, trung tâm thương mại ở Hà Nội và hướng tới xuất khẩu.
Cấp ủy, chính quyền huyện sẽ tiếp tục kết nối với các nhà đầu tư, mở rộng thị trường để các sản phẩm nông sản sạch của huyện Yên Thủy tiếp tục phát triển và ngày càng vươn xa hơn nữa.