(HBĐT) - Trở lại Mường Pa - một tên gọi khác của vùng các xã Xăm Khòe, Bao La (Mai Châu), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước "bức tranh" kinh tế nông nghiệp trên đà khởi sắc. Như lời đồng chí Hà Thanh Hoàn, Bí thư Đảng ủy xã Bao La thì nông nghiệp vùng Mường Pa đang có sự chuyển dịch tích cực, hộ sản xuất đã tiếp cận tư duy và cách làm mới. Điều này có được với sự can thiệp hỗ trợ của tổ chức Good neingbors (GNI) tại Việt Nam.


Cán bộ của tổ chức GNI Mai Châu hướng dẫn người dân xóm Báo, xã Bao La làm nông nghiệp sạch.

Một trong những hoạt động tác động đến kinh tế nông nghiệp của Mường Pa là hỗ trợ phát triển sinh kế trong khuôn khổ Dự án "hỗ trợ phát triển nông thôn tại huyện Mai Châu giai đoạn 2 (2015 - 2019)" do tổ chức GNI thực hiện.

Trước đây, tại các chân ruộng ở xóm Báo, xã Bao La, người dân chỉ trồng một loại cây trồng, đó là lúa nước. Khi có sự can thiệp của tổ chức GNI, những chân ruộng trồng cây màu cho giá trị kinh tế cao đã xuất hiện. Ông Hà Văn Thủy, Trưởng xóm Báo cũng là người tiên phong làm nông nghiệp sạch ở địa phương cho biết: Hồi đầu, tôi trồng thử nghiệm 200 m2 tía tô, khoảng 400 m2 dưa lê Hàn Quốc ở vụ đông. Kết quả mang lại vượt xa mong muốn bởi thu nhập đạt được cao hơn trồng lúa 5 - 6 lần. Ở vụ 2, tôi mở rộng diện tích trồng trọt, đồng thời tập trung chuyển đổi mạnh sang trồng các loại rau, quả sạch khác với phương châm mùa nào, thức nấy cung ứng cho thị trường như bí đao, bí đỏ, dưa chuột. Phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xóm nhờ vậy phát triển mạnh mẽ hơn. Có những hộ trồng tía tô, dưa lê Hàn Quốc cho thu nhập vài chục triệu đồng/vụ. Diện tích chuyển đổi của cả xóm hiện đạt 5 ha trong tổng diện tích đất trồng trọt 14 ha.

Với sự hỗ trợ của tổ chức này, HTX chăn nuôi lợn bản địa Mường Pa được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 8/2018 với 10 hộ thành viên xã Bao La và Xăm Khòe. Ông Hà Thế Nhiên, Giám đốc HTX cho biết: Cán bộ của GNI đã phối hợp với các chuyên gia, cơ quan chăn nuôi và thú y cấp tỉnh, huyện, xã tập huấn kỹ thuật cho bà con. Trong triển khai, cán bộ Dự án đồng thời giám sát hoạt động, tận tình hướng dẫn để hộ thực hiện đúng quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhờ vậy, đàn lợn phát triển khỏe mạnh, xuất bán ra thị trường đúng chu kỳ 8 tháng/lứa với giá cao, mang về nguồn thu ổn định. Mới đây, HTX còn được hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tại xóm Báo, xã Bao La. Với việc hoàn thiện quy trình sản xuất chăn nuôi an toàn, đảm bảo yếu tố vệ sinh môi trường, Dự án đã giúp huyện Mai Châu xây dựng thành công chuỗi cung cấp thịt lợn an toàn.

Trên địa bàn 2 xã Xăm Khòe, Bao La đã có 8 nhóm sinh kế đang hoạt động. Ngoài chuyển giao kỹ thuật trực tiếp, các nhóm còn được tập huấn xây dựng phương án kinh doanh, tổ chức thăm quan mô hình, tập huấn kiến thức ATTP. Bên cạnh đó, hỗ trợ vốn vay quay vòng với tổng số vốn gần 2,1 tỷ đồng nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất. Để phục vụ nhân rộng các mô hình nông nghiệp an toàn, GNI xây 2 mương nội đồng có tổng chiều dài 700 m, kích thước 40 cm x 35 cm, 1 bai dâng nước cung cấp nước tưới cho 13 ha đất ruộng với tổng kinh phí hoạt động trên 166 triệu đồng.

Tạo sinh kế bền vững cũng là kết quả đầu ra mong đợi từ Dự án "hỗ trợ phát triển nông thôn tại huyện Mai Châu giai đoạn 2 (2015 - 2019)". Trong 119 hộ nghèo, cận nghèo tham gia các nhóm sinh kế, trên 84% hộ xác nhận hài lòng khi nhận được sự hỗ trợ về sinh kế, 9,6% hộ đánh giá bình thường, 1,7% hộ không hài lòng vì cho rằng nên tăng thời hạn trả vốn cho phù hợp với chu kỳ sản xuất cũng như tăng số vốn vay cho các hộ thành viên.

Ngoài 119 hộ thuộc 8 nhóm sinh kế còn có thêm 11 hộ gia đình khác tham gia liên kết sản xuất thuộc nhóm sinh kế trồng rau, củ, quả an toàn. Kết quả khảo sát thu nhập bình quân đầu người của các thành viên nhóm sinh kế tăng cao qua các năm, đạt 9,5 triệu đồng (năm 2016), 14,6 triệu đồng (năm 2017), 22,2 triệu đồng (năm 2018), 25 triệu đồng (năm 2019). Theo đánh giá của cộng đồng về tính bền vững trong hoạt động hỗ trợ sinh kế của GNI, không chỉ giúp hộ nghèo, cận nghèo giải quyết khó khăn về vốn sản xuất, Dự án còn hướng dẫn cách thức sản xuất, giúp hộ gia đình phát triển kinh tế lâu dài.

Đồng chí Nguyễn Quang Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện ghi nhận sự hỗ trợ của tổ chức GNI phù hợp với định hướng của địa phương về phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là hiệu quả của việc thay đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống dưa lê và tía tô Hàn Quốc tạo ra những sản phẩm có giá trị thu nhập, cải thiện sinh kế của hộ nghèo, cận nghèo. Hoạt động tập huấn kỹ thuật sản xuất phù hợp với tình hình thực tế và trình độ, giúp nông dân chủ động hơn trong sản xuất, biết phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu.

Bùi Minh


Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục