(HBĐT) - Thời gian qua, Công ty Điện lực Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt (TTTĐKDTM). Điều này không chỉ giúp ngành điện tối ưu hóa nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, minh bạch hóa các giao dịch mà còn đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng sử dụng điện.


Công nhân Điện lực thành phố Hòa Bình hướng dẫn khách hàng sử dụng hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.

Trước đây, gia đình bà Đoàn Thị Vũ, tổ 14, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) gặp không ít bất tiện  khi thanh toán tiền điện theo hình thức truyền thống. Tuy nhiên, kể từ khi ngành điện triển khai các hình thức TTTĐ KDTM, gia đình bà Vũ đã lựa chọn thanh toán qua mạng internet. Mới đầu, thao tác còn chưa quen, bà Vũ đã được công nhân Điện lực TP Hòa Bình đến tận nhà hướng dẫn. Đến nay, sau khi nhận được thông báo của Điện lực về số tiền điện cần thanh toán, bà Vũ có thể sử dụng điện thoại để thanh toán tiền điện thông qua dịch vụ internet banking của ngân hàng. "Đây là dịch vụ rất tiện ích vì mình không phải đến chỗ đông người, nhất là trong những thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Bởi chỉ cần điện thoại có kết nối mạng internet là có thể thanh toán tiền điện được” - bà Vũ chia sẻ. 

Cùng tổ dân phố với gia đình bà Vũ, những năm qua, gia đình ông Hoàng Trọng Nam cũng không còn nỗi lo đóng tiền điện bị muộn, chậm vì đã ủy thác việc này cho ngân hàng. Ông Nam cho biết, từ khi Điện lực thành phố triển khai các hình thức thu tiền điện không dùng tiền mặt, nhân viên của Điện lực đã đến tuyên truyền, hướng dẫn người dân một    số hình thức thanh toán. Gia đình ông đã lựa chọn dịch vụ thanh toán tiền điện ủy thác qua ngân hàng. Mỗi lần ngành điện chốt số có tin nhắn thông báo đến điện thoại, sau đó ngân hàng thực hiện trả tiền điện tự động, gia đình ông không phải đến quầy nộp tiền như trước. 

Được biết, Điện lực TP Hòa Bình là đơn vị có số lượng khách hàng sử dụng các hình thức TTTĐKDTM cao nhất tỉnh. Đến hết tháng 7/2022, tỷ lệ khách hàng sử dụng các hình thức TTTĐKDTM trên địa bàn thành phố đạt 99,38%. Đồng   chí Phạm Thanh Tân, Phó Giám đốc Điện lực TP Hòa Bình cho biết: Hiện đơn vị tích cực phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông để đưa mobile banking đến với khách hàng ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Mục tiêu đến năm 2023, 100% khách hàng sẽ chuyển sang TTTĐKDTM.

Có thể thấy, TTTĐKDTM đem lại rất nhiều tiện lợi cho khách hàng và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Đồng chí Nguyễn Ngọc Bình, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hòa Bình cho biết: Hiện nay, công ty đã ký kết hợp tác triển khai thu hộ tiền điện với 6 ngân hàng, 8 tổ chức trung gian thanh toán và tiếp nhận yêu cầu khách hàng thanh toán qua Cổng Dịch vụ công quốc gia (từ tháng 12/2019); websie/app chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Ngoài ra, từ tháng 9/2021, công ty thỏa thuận hợp tác với Agribank chi nhánh Hòa Bình thực hiện thanh toán tiền điện thấu chi qua tài khoản; từ tháng 5/2022, hợp tác với 2 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông là VNPT và Viettel triển khai dịch vụ mobile money.

Để triển khai các dịch vụ này, công ty và các đối tác đã đẩy mạnh tuyên truyền qua báo, đài địa phương và làm việc trực tiếp với các thôn, xã để hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng mở tài khoản, thực hiện thanh toán tiền điện hàng tháng. Đến hết tháng 7/2022, tỷ lệ khách hàng TTTĐKDTM trên địa bàn toàn tỉnh đạt 64,53%, Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, công ty vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đó, thói quen sử dụng tiền mặt của khách hàng là rào cản. Để nâng cao tỷ lệ khách hàng sử dụng các hình thức TTTĐKDTM, ngành điện mong muốn sự chỉ đạo, hỗ trợ hơn nữa của các cấp chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương.

Viết Đào

Các tin khác


Mở rộng thị trường mặt hàng xuất khẩu

(HBĐT) - Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, một số thị trường xuất khẩu của tỉnh không còn tình trạng "đóng băng” và gần như đã trở về trạng thái bình thường. Qua đó hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) có sự chuyển động tích cực, tạo đà thiết lập dấu mốc mới trong năm 2022, nhất là việc mở rộng thị trường và mặt hàng xuất khẩu.

Phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững

(HBĐT) - Hiệu quả từ các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung của tỉnh đã được khẳng định. Chất lượng nông sản cũng như hiệu quả kinh tế đều tăng. Từ những vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tạo cho tỉnh bản đồ nông sản phong phú, đa dạng, mang đặc trưng riêng của từng địa phương.

Chuyển mình mạnh mẽ vùng cửa ngõ Thủ đô

(HBĐT) - Huyện Lương Sơn có vị trí thuận lợi, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, có các tuyến đường quan trọng như đường Hồ Chí Minh, QL6, QL21 chạy qua. Thời gian qua, Lương Sơn từng bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành địa bàn trọng điểm về phát triển kinh tế, thu hút đầu tư của tỉnh.

Phát sinh nhiều rào cản "làm khó" môi trường kinh doanh

Cộng đồng doanh nghiệp đang gặp nhiều rào cản trước tình trạng cơ quan quản lý muốn khôi phục lại các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, hoặc ban hành mới các chính sách, trong đó "cài cắm" những quy định bất hợp lý, gây khó khăn trong hoạt động… Nản lòng hơn nữa là sự thờ ơ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức.

Nông sản Việt thích ứng tiêu chuẩn xuất khẩu mới

Từ đầu năm 2022, Trung Quốc chính thức thực hiện các yêu cầu, quy định mới đối với doanh nghiệp và các mặt hàng nông sản xuất khẩu vào thị trường này. Để không bỏ lỡ thị trường lớn bậc nhất thế giới, nhiều ngành hàng sản xuất và chế biến nông sản, thực phẩm trong nước đang có bước chuyển mình mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng, giữ vững và mở rộng thị phần xuất khẩu.

Xây dựng, phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân

(HBĐT) - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hóa và hội nhập quốc tế, đội ngũ doanh nhân tỉnh không ngừng phát triển về số lượng, chất lượng, lũy kế đến ngày 31/12/2021, toàn tỉnh có 3.860 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 55.139 tỷ đồng; gần 850 chi nhánh, văn phòng đại diện hoạt động trên địa bàn; trong đó có 2.990 doanh nghiệp đang hoạt động (chiếm khoảng 77,5%), 870 doanh nghiệp gặp khó khăn, tạm ngừng, chờ giải thể.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục