(HBĐT) - Phía Bắc huyện Lạc Thủy được xác định là vùng động lực kinh tế của tỉnh. Do vậy, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp (CCN) được cấp ủy, chính quyền huyện chú trọng thực hiện. Từ đó, các CCN từng bước được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hút nhà đầu tư (NĐT) xây dựng nhà máy hoạt động.
Trên địa bàn huyện có 5 CCN với tổng diện tích gần 180 ha. Trong đó, 3 CCN đã đi vào hoạt động, thu hút 16 doanh nghiệp đầu tư với diện tích thuê đất hơn 50 ha, tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng; tỷ lệ lấp đầy các CCN đạt gần 50%. Qua rà soát, đánh giá tính hiệu quả của các CCN, Trung tâm Phát triển quỹ đất và CCN huyện phối hợp các ngành tham mưu UBND huyện đề xuất UBND tỉnh thành lập lại các CCN gồm: CCN Thanh Nông, CCN Phú Thành II, CCN Đồng Tâm; điều chỉnh ra khỏi quy hoạch các CCN trên địa bàn 2 CCN An Bình và Phú Thành; điều chỉnh mở rộng CCN Đồng Tâm với diện tích sau điều chỉnh gần 74 ha. Đồng thời, đề xuất bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đối với 2 CCN là môi trường công nghệ cao Hòa Bình và Đồng Tâm II.
Đồng chí Trần Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và CCN huyện Lạc Thủy cho biết: "Đến nay, các doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thiện thủ tục, một số doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, từng bước ổn định và có những đóng góp nhất định cho ngân sách Nhà nước, thu hút lao động đến làm việc. Để hướng tới sự phát triển bền vững hơn cần sự phối hợp, quan tâm tạo điều kiện của các cấp, các ngành, đặc biệt từ ngân sách T.Ư hỗ trợ đầu tư hạ tầng công nghiệp, nhất là đối với hệ thống xử lý rác thải”.
Các CCN trên địa bàn huyện đã thu hút được 3 NĐT hạ tầng và 17 NĐT thứ cấp. Trong đó, 3 NĐT hạ tầng có 2 đơn vị được phê duyệt chủ đầu tư hạ tầng CCN Đồng Tâm và CCN môi trường công nghệ cao Hòa Bình với tổng diện tích hơn 130 ha, tổng mức đầu tư đăng ký gần 1.300 tỷ đồng; 17 NĐT thứ cấp với tổng diện tích thực hiện dự án hơn 50 ha, tổng mức đầu tư đăng ký hơn 1.200 tỷ đồng. Trong GPMB, Trung tâm Phát triển quỹ đất và CCN huyện đã triển khai thực hiện giúp các NĐT được thuận lợi, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu. Từ "thảm đỏ” chính quyền địa phương tạo điều kiện đã giúp nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực về nhiều mặt, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Đề, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Kim Bôi thuộc CCN Thanh Nông chia sẻ: "Công ty đang sử dụng khoảng 100 lao động địa phương, đảm bảo tốt về các chế độ được hưởng theo quy định. Trong quá trình hoạt động, đơn vị được tạo điều kiện thuận lợi từ chính quyền các cấp về cơ chế, chính sách, mặt bằng, góp phần đem lại hiệu quả trong kinh doanh”.
Để tăng cường thu hút doanh nghiệp vào CCN, huyện tiếp tục tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, tích cực hỗ trợ NĐT ngay ở giai đoạn đầu thực hiện dự án. Mặt khác, huyện tập trung huy động mọi nguồn lực để GPMB, xây dựng đường giao thông đến điểm xây dựng CCN, hỗ trợ NĐT thực hiện nhanh chóng các thủ tục hành chính liên quan... Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc tiến độ, chất lượng đầu tư, việc chấp hành quy hoạch xây dựng, phòng chống cháy nổ, vệ sinh công trường, an toàn lao động và hoạt động khác của các doanh nghiệp trong CCN. Phối hợp đơn vị liên quan tổ chức đào tạo nguồn nhân lực và giới thiệu việc làm cho các doanh nghiệp.
Đồng chí Hoàng Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Thời gian tới, huyện tập trung giúp các NĐT thứ cấp thủ tục về đất đai, đầu tư nhằm sớm hoàn thiện, đi vào sản xuất kinh doanh. Đối với các CCN đang tiến hành GPMB và đầu tư hạ tầng, UBND huyện tiếp tục giao cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tham mưu thực hiện nhanh chóng, kịp thời có mặt bằng "sạch” để thu hút nhiều hơn nữa các NĐT thứ cấp vào hoạt động, từng bước nâng tầm các CCN trên địa bàn”.
Gia Khánh