Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến ngày 30/11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022, thấp hơn so cùng kỳ các năm và cách khá xa so với mục tiêu tăng 14-15% của cả năm. Dù toàn ngành đã nỗ lực tìm mọi giải pháp khơi thông, song bài toán tăng trưởng tín dụng vẫn còn khá gian nan khi ngân hàng thì "thừa” tiền, nhưng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế yếu.


Khách hàng giao dịch tại chi nhánh ngân hàng VietinBank.

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là kết thúc năm 2023. Đây cũng là cao điểm để doanh nghiệp chuẩn bị các đơn hàng cho năm tới. Nhu cầu vốn của doanh nghiệp và thị trường được nhìn nhận đang tăng trở lại do yếu tố mùa vụ. Các ngân hàng cũng kỳ vọng tín dụng sẽ "bứt tốc” trong giai đoạn này.

Lãi suất giảm sâu

Từ tháng 11/2023, các ngân hàng thương mại liên tục giảm mạnh lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Đáng kể, có các ngân hàng VietBank, Dong A Bank, VIB, NCB, Techcombank, OCB, Bac A Bank, Sacombank, BaoVietBank, BVBank là những ngân hàng đã giảm lãi suất hai lần trong vòng một tháng.

Trong nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, Vietcombank đang có mức lãi suất tiền gửi thấp nhất, với mức lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ còn 4,8%/năm, áp dụng từ ngày 30/11. Ba ngân hàng còn lại là BIDV, VietinBank và Agribank lãi suất cao nhất cho kỳ hạn trên 12 tháng là 5,3%/năm. Còn ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất gửi tiết kiệm cũng giảm nhanh, một số ngân hàng như ACB, ABBANK mức lãi suất chỉ còn 4,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Lãi suất cho vay cũng được các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm nhanh. Là khách hàng có khoản vay 300 triệu đồng mua ô-tô tại Ngân hàng TPBank, anh Mạnh Hùng chia sẻ, thời gian gần đây ngân hàng đã nhiều lần điều chỉnh lãi suất áp dụng cho khoản vay của anh theo xu hướng giảm. Cụ thể, lãi suất áp dụng từ ngày 16/9 là 13,9%/năm; sau ba tháng được điều chỉnh lãi suất từ ngày 19/9 là 12,25%/năm. "Mức lãi vay này đã giảm nhiều so với hơn 14% hồi đầu năm, nhưng tôi mong muốn sẽ tiếp tục được giảm hơn nữa”, anh Hùng cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng ban Chính sách tín dụng Agribank: Xác định ngân hàng luôn đồng hành cùng khách hàng, từ đầu năm đến nay, Agribank đã 7 lần giảm lãi suất cho vay. Theo đó, sàn lãi suất cho vay ngắn hạn giảm 1,3-4%/năm, tùy từng lĩnh vực. Sàn lãi suất cho vay trung dài hạn giảm 0,3-1,5%/năm. "Lãi suất cho vay của Agribank hiện tại thuộc nhóm thấp trên thị trường, bằng mức trước thời điểm dịch Covid-19 diễn ra. Chưa có lúc nào mà lãi suất cho vay lại thấp như lúc này, không chỉ chúng tôi mà các ngân hàng thương mại đều vào cuộc đồng hành”, ông Nguyễn Văn Bách cho hay.

Cùng với giảm lãi suất, đại diện lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cũng cho biết, từ nay đến cuối năm, để kích thích tăng trưởng, trong ngắn hạn, các ngân hàng sẽ tập trung khai thác tính chất mùa vụ, dịp Tết khi nhu cầu vốn tăng cao. Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank cho biết, nhu cầu đơn đặt hàng đã được mở rộng và có xu hướng xuất khẩu tiếp tục tăng thời gian tới, khách hàng sẽ cần vốn. Cùng với hàng loạt chỉ đạo, chính sách của Chính phủ về tăng trưởng kinh tế, nhu cầu vốn cũng sẽ tăng.

"Đặc biệt, lãi suất hiện ở mức thấp, khách hàng có thể chấp nhận được và giá vốn như vậy có thể đáp ứng được hiệu quả kinh doanh, nên tín dụng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới”, ông Nam cho hay. Trong khi đó, theo đánh giá của Tổng Giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ đang dần trở lại; tuy nhiên cầu vốn cho vay mua nhà vẫn còn thấp, bởi thị trường bất động sản còn trầm lắng và giao dịch trên thị trường chưa sôi động,...

Khơi thông dòng vốn

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành, việc hạ lãi suất điều hành trong bối cảnh hiện nay là rất khó, nhưng lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại có thể giảm thêm để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn. "Việc hạ lãi suất điều hành sẽ gặp khó khăn bởi áp lực tỷ giá. Chúng ta không thể để VND mất giá, bởi nếu tình trạng này xảy ra, không chỉ là dòng tiền mà bản thân doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Chúng ta sẽ phải chấp nhận VND mất giá song chỉ ở mức độ nhất định, không thể để mất giá quá lớn”, Tiến sĩ Võ Trí Thành nhận định.

Cũng theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, hiện tín dụng tăng trưởng vẫn thấp so với mục tiêu, do doanh nghiệp đang khó khăn trong khâu tìm đầu ra cho sản phẩm, cộng thêm với tiêu chuẩn của người đi vay khó đáp ứng được so với yêu cầu của các ngân hàng thương mại. Do đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục được hỗ trợ bằng nhiều phía từ giảm thuế giá trị gia tăng, kích cầu thị trường, tăng giải ngân đầu tư công, thu hút đầu tư vốn từ nước ngoài,…

Bên cạnh đó, dù tích cực triển khai nhưng trên thực tế phát sinh nhiều yếu tố khiến tăng trưởng tín dụng và kết quả thực hiện các chương trình hỗ trợ lãi suất tại các ngân hàng thương mại chưa đạt như kỳ vọng. Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng nhìn nhận, các khách hàng doanh nghiệp lớn tại nhiều lĩnh vực hạn chế mở rộng quy mô, hoạt động giảm hiệu quả.

"Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều hoạt động cầm chừng do sụt giảm đơn hàng, lượng hàng tồn kho lớn, các ngành sản xuất như nông nghiệp chế biến chế tạo, khai khoáng,… tín dụng đều tăng trưởng hạn chế. Nhiều khách hàng còn hạn mức tại Agribank nhưng không có nhu cầu nhận nợ, phản ánh tình hình khó khăn chung của nền kinh tế vẫn đang tác động mạnh mẽ đến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, người dân”, ông Vượng cho biết.

Để thúc đẩy tín dụng tăng trưởng, ông Phạm Toàn Vượng cho rằng, ngoài các giải pháp, chính sách từ ngành ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ chính sách của các bộ, ngành, địa phương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; kích thích tổng cầu; đẩy mạnh việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án đầu tư; đồng thời tăng cường minh bạch hóa tài chính doanh nghiệp để ngân hàng có cơ sở tiếp cận, thẩm định, cấp tín dụng đối với khách hàng tốt, các dự án khả thi, đầy đủ pháp lý.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đến tháng 7/2023, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với tổng mức tăng trưởng 14,5% (sát với chỉ tiêu định hướng đề ra cho năm 2023). Tuy nhiên theo nhà điều hành, 11 tháng qua cho thấy tăng trưởng kinh tế còn gặp khó khăn, sức hấp thụ vốn và cầu tín dụng của nền kinh tế còn yếu nên đến ngày 30/11, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 9,15%.

Đáng lưu ý, mức tăng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng không đồng đều, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng khá cao, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm. Do đó, để kịp thời linh hoạt điều hành, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ nhu cầu vốn cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động linh hoạt điều hòa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong toàn hệ thống từ tổ chức tín dụng không sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sang các tổ chức tín dụng cần được tiếp tục mở rộng tăng trưởng tín dụng; tiếp tục điều hành để tăng trưởng tín dụng năm 2023 không vượt quá chỉ tiêu định hướng đầu năm song vẫn bảo đảm dư địa đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

"Việc bổ sung hạn mức là sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước mà các tổ chức tín dụng không cần thiết phải đề nghị hoặc xin bổ sung”, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh. Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng; nghiên cứu việc công bố lãi suất cho vay bình quân của các tổ chức tín dụng để khách hàng lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để tiếp cận vay vốn.

Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng đề xuất cần triển khai đồng bộ các giải pháp mới đạt hiệu quả. Cụ thể, cần kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; khai thác thị trường nội địa; cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính; có các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp; xử lý các vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.


Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo sức bật cho phát triển

Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, hợp tác xã Xuân Giáp Thìn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh khẳng định: "Với phương châm chính quyền đồng hành cùng DN, Hòa Bình luôn xác định thành công của DN cũng là thành công của tỉnh; khó khăn, vướng mắc của các DN là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp”. Phương châm đó được thực hiện xuyên suốt, hiệu quả, tạo nên dấu ấn trong quá trình phát triển của tỉnh và cộng đồng DN trong tỉnh.

Huyện Yên Thủy lan tỏa phong trào xây dựng vườn mẫu

Với sự hỗ trợ của huyện và sự vào cuộc của các phòng, ban, ngành, người dân…, thời gian qua, huyện Yên Thủy đã triển khai có hiệu quả Đề án hỗ trợ xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và vườn mẫu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Yên Thủy, giai đoạn 2021 - 2025. Huyện tích cực vận động, hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, hình thành những mô hình vườn mẫu cho hiệu quả kinh tế cao.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Đất thức Kim Bôi

Chúng tôi cảm nhận rõ nét sự thay đổi trong tư duy, nhận thức, cách làm, trong diện mạo vùng đất Kim Bôi thời điểm cán bộ và nhân dân nỗ lực thi đua lập thành tích chào mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày Quốc tế Lao động. Cấp ủy, chính quyền đổi mới và nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, tập trung chỉ đạo những nhiệm vụ chính trị, trọng tâm đột phá. Kim Bôi đã định hình được hướng phát triển, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ các dự án đầu tư vào lĩnh vực đô thị, du lịch, dịch vụ, khai thác tiềm năng nguồn nước khoáng, cảnh quan thiên nhiên.

Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục