Đà Bắc là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, giao thông cách trở đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai tín dụng chính sách. Song với sự tận tậm, trách nhiệm của mạng lưới trên 200 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã được truyền tải kịp thời đến người dân trên địa bàn .


Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đà Bắc tuyên truyền về tín dụng chính sách cho thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn và người dân xóm Khem, xã Đoàn Kết.

Những năm qua, vốn chính sách có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo của xóm Khem, xã Đoàn Kết. Ông Xa Văn Hứng là người đã gắn bó với tín dụng chính sách nhiều năm. Ông Hứng chia sẻ: Là địa bàn miền núi, thời tiết diễn biến phức tạp, rồi tác động của hạn hán kéo dài làm các mặt hàng sản xuất ra tiêu thụ chậm, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của bà con. Có những thời điểm bà con gặp không ít khó khăn trong việc trả lãi, trả nợ cho NHCSXH. Ban quản lý tổ đã tích cực động viên, tuyên truyền, giải thích nên trong nhiều năm, tổ TK&VV xóm Khem hoàn thành tốt các chỉ tiêu thu lãi, tiền gửi tiết kiệm được giao. Hiện tổ quản lý 58 tổ viên, dư nợ 2,8 tỷ đồng, số dư tiền gửi tiết kiệm 35 triệu đồng, không có nợ quá hạn và lãi tồn đọng.

"Vốn vay NHCSXH có những ưu đãi về lãi suất, thời gian cho vay, đặc biệt là sự hướng dẫn sử dụng vốn, kiểm tra, giám sát của tổ chức nhận ủy thác và ban quản lý tổ. Do đó các thành viên trong tổ đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Thông qua vốn chính sách nhiều gia đình vươn lên thành hộ khá. Tiêu biểu như hộ ông Lò Văn Sướng, vay chương trình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 50 triệu đồng và 20 triệu đồng vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Đến nay, gia đình ông Sướng có đàn bò 12 con, gần 2 ha trồng rừng sản xuất, xây được nhà kiên cố. Hay hộ ông Lò Văn Liên, từ 50 triệu đồng vốn vay hộ nghèo đến nay có đàn bò 4 con, trâu 2 con và 1 ha trồng cây bồ đề”, ông Hứng cho biết.

Tổ TK&VV xóm Ké, xã Hiền Lương được thành lập năm 2005 với 13 thành viên vay vốn ban đầu. Đến nay, tổ có 48 thành viên, thực hiện cho vay 8 chương trình tín dụng với dư nợ gần 3 tỷ đồng, số dư tiền gửi tiết kiệm qua tổ 46 triệu đồng. Những năm qua, đây cũng là một trong những tổ TK&VV tiêu biểu trong thực hiện công tác tín dụng, với chất lượng tín dụng cao, nhiều hộ sử dụng vốn hiệu quả. Kết quả đó có vai trò quan trọng của ông Đinh Hải Luyến, tổ trưởng tổ TK&VV. Ông Luyến chia sẻ: Với nhiệm vụ là tổ trưởng tổ TK&VV, tôi luôn cố gắng tiếp thu và học tập về nghiệp vụ thông qua các buổi tập huấn của ngân hàng. Đồng thời sát sao trong điều hành hoạt động của tổ, họp tổ định kỳ, đột xuất khi có nguồn vốn mới phân bổ về tổ để bình xét cho vay công khai, dân chủ, đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định. Sau khi họp bình xét cho vay, ban quản lý tổ trực tiếp hướng dẫn tổ viên viết giấy đề nghị vay vốn, làm thủ tục hồ sơ vay vốn gửi ngân hàng đúng thời gian quy định.

Tổ TK&VV được ví như "cánh tay nối dài”, nhịp cầu của NHCSXH huyện Đà Bắc trong thực hiện công tác tín dụng chính sách. Đồng chí Nguyễn Bình Nam, Giám đốc NHCSXH huyện Đà Bắc cho biết: Những năm qua, đơn vị luôn quan tâm đến việc củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới tổ TK&VV trên địa bàn. Đến ngày 31/12/2023, toàn huyện có 10.364 tổ viên hoạt động tại 244 tổ TK&VV, bình quân mỗi xã, thị trấn có 14 tổ, dư nợ bình quân trên 2,2 tỷ đồng/tổ. Hàng tháng, bình quân số tổ viên tham gia tiền gửi tiết kiệm đạt trên 80% tổng số hộ vay vốn. Năm 2023, toàn huyện có gần 98% tổ TK&VV không có nợ quá hạn, 99,18% tổ xếp loại tốt, không có tổ trung bình, yếu kém. Thông qua các tổ TK&VV, vốn chính sách được truyền tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, tạo nguồn lực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.


Viết Đào


Các tin khác


Ngành Nông nghiệp nỗ lực bứt phá, khẳng định vai trò trụ đỡ nền kinh tế

Năm 2023, ngành NN&PTNT tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, đồng hành cùng nông dân trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết tiêu thụ, chế biến nông sản. Đồng thời, ngành tiếp tục bứt phá, tập trung nâng cao giá trị sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững, khẳng định vai trò là ngành trụ đỡ của nền kinh tế.

Nông dân huyện Tân Lạc chuẩn bị vụ bưởi Tết

Những ngày này, nông dân trồng bưởi ở huyện Tân Lạc tất bật chuẩn bị thu hoạch, đưa ra thị trường những quả bưởi đẹp mã, chất lượng, phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất

Dẫn đầu trong top 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất là TP Hồ Chí Minh với 12.398 dự án, có tổng vốn đăng ký 57,632 tỷ USD.

Kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ

Các chuyên gia quốc tế nhận định kinh tế Việt Nam năm 2024 vẫn duy trì được động lực tăng trưởng, nhờ những chính sách điều hành kịp thời và hợp lý.

Nguồn nông sản dồi dào dịp Tết

Thời điểm này, nông dân cả nước đang tích cực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và chăm sóc rau màu…, phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán 2024. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn trên thị trường dồi dào, đa dạng về chủng loại.

Điểm tựa vững chắc của nhà nông

Với cách quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các cấp Hội Nông dân (HND) và hội viên, những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã trở thành một trong những nguồn tín dụng giúp nông dân phát triển sản xuất - kinh doanh (SXKD), đem lại hiệu quả thiết thực, trở thành điểm tựa vững chắc góp phần giảm nghèo, phát triển KT-XH ở các địa phương. Từ nguồn vốn vay này, nhiều hội viên nông dân (HVND) đã giải quyết được khó khăn, từng bước nâng cao quy mô sản xuất, phát triển ngành nghề và các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục