Trong những năm gần đây, với tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, nhiều loại cây trồng mới xuất hiện trên đồng đất xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, thay đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, gai xanh là một trong những cây trồng đang được nhân rộng, kỳ vọng là loại cây xóa đói, giảm nghèo cho người dân nơi đây.



Nông dân xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi thu hoạch cây gai xanh.

Tháng 6/2021, ông Bàn Văn Tường, xóm Thung Dao Bắc là người đầu tiên đưa cây gai xanh về trồng với diện tích trên 2.000m2. Ông Tường cho biết: "Cây gai xanh dễ chăm sóc, khả năng chịu hạn tốt, ưa khí hậu nóng ẩm. Đối với cây trồng mới thường cho thu hoạch sau 4 tháng, các vụ kế tiếp thu hoạch sau khoảng 40 - 50 ngày. Trung bình 1 ha gai xanh cho thu khoảng 2 tấn vỏ khô, giá trị đạt từ 80 - 100 triệu đồng/ha. Trong quá trình trồng, gia đình nhận được sự hỗ trợ về giống, máy tuốt, hướng dẫn về khoa học kỹ thuật của Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình - đơn vị nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con”.

Nhận thấy trồng gai xanh có hiệu quả, hiện trên địa bàn xã Tú Sơn có gần 50 hộ trồng với tổng diện tích trên 30 ha. Gai xanh là cây đa tác dụng, vỏ dùng làm nguyên liệu dệt những loại vải cao cấp, lá dùng làm bánh gai, thức ăn cho gia súc, gia cầm. Lõi cây gai có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy, làm giá để trồng nấm và làm phân bón hữu cơ. Mặt khác, cây gai xanh AP1 là cây lưu gốc, việc đầu tư làm đất, cây giống và công trồng chỉ thực hiện 1 lần nhưng cho thu hoạch trong vòng 8 - 10 năm. Điều quan trọng là toàn bộ vỏ gai khô được HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình thu mua với giá 39 nghìn đồng/kg. "Trước đây, với diện tích trên 2.800m2, gia đình tôi chỉ trồng ngô, sắn nhưng hiệu quả kinh tế không cao, năng suất thấp, vận chuyển khó khăn. Hơn 2 năm nay, trên diện tích đất ấy gia đình tham gia mô hình chuỗi liên kết trồng cây gai xanh. Nhờ được chăm sóc chu đáo, đúng quy trình kỹ thuật, toàn bộ diện tích cây gai xanh đã trồng đều sinh trưởng, phát triển xanh tốt, đồng đều, cho năng suất, thu nhập ổn định, cao gấp 2 - 3 lần so với trồng ngô” - chị Bùi Thị Dụng, xóm Kim Bắc cho biết.

Để mở rộng vùng sản xuất trồng gai xanh, với mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã Tú Sơn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; chủ động phối hợp cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần nông nghiệp An Phước và HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình hỗ trợ bà con về giống, kỹ thuật và hỗ trợ gần 10 máy tuốt vỏ gai luân chuyển cho các hộ sử dụng.

Đồng chí Bạch Công Dương, Chủ tịch UBND xã Tú Sơn cho biết: "Hiện xã chủ yếu phát triển rộng diện tích trồng gai xanh tại Thung Rếch, bởi nơi đây có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp. Để bà con đồng thuận, tham gia nhân rộng mô hình, xã khuyến khích đảng viên làm trước, người thật, việc thật và hiệu quả thật. Lên Thung Rếch giờ đây bao trùm màu xanh bạt ngàn của gai xanh. Từ trồng gai xanh đã góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2023 lên 43,9 triệu đồng, vượt 2,1% kế hoạch, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 15,28%, giảm 4% so với cùng kỳ”.


Ngô Hường

(Trung tâm VH-TT&TT huyện Kim Bôi)


Các tin khác


Vùng cao Đà Bắc tất bật chuẩn bị đào Tết

Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần, thời gian này, người trồng đào trên địa bàn huyện Đà Bắc tất bật chăm sóc để đào nở đúng vụ, kịp khoe sắc trong dịp Tết cổ truyền.

Năm 2023, toàn tỉnh dồn điền, đổi thửa trên 4.600 ha

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, năm 2023, với sự chỉ đạo, đôn đốc của ngành NN&PTNT, các địa phương trong tỉnh tích cực thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới

Xác định công tác dân vận là một trong những yếu tố quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương, thời gian qua, huyện Kim Bôi đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu được việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM chỉ là bước đầu, cần phải giữ vững và tiếp tục phát triển để trở thành NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Thành phố Hòa Bình: Năm 2023 giải quyết việc làm cho gần 4.400 lao động

Năm 2023, các chính sách giảm nghèo được Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt trên cơ sở lồng ghép các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… Nhờ đó góp phần giảm số hộ nghèo của thành phố còn 375 hộ, chiếm tỷ lệ 1,06%, hộ cận nghèo còn 477 hộ, chiếm tỷ lệ 1,35%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục