Trước thềm Xuân Giáp Thìn 2024, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đón niềm vui lớn, đó là được đón nhận Quyết định số 1648/QĐ-TTg, ngày 20/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh (QHT) Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với mục tiêu tổng quát, các đột phá chiến lược được đề ra một cách cụ thể, chi tiết, có thể nói, QHT Hòa Bình như "bản thiết kế" toàn diện, tổng quan, thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới, tạo động lực để bứt phá phát triển.



Đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh.

Tư duy đột phá và tầm nhìn dài hạn

Ngày 22/1/2024, Hội nghị công bố QHT Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã thành công tốt đẹp. Thông qua hội nghị, những nội dung, giá trị cốt lõi của Quy hoạch đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong tỉnh lĩnh hội, thống nhất cao về nhận thức, hành động để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung quy hoạch.

Dự lễ công bố, trao quyết định phê duyệt QHT Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhận định: QHT được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh; cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và quy hoạch chung cả nước; thể hiện khát vọng của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hoà Bình trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá, có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm dẫn đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc.

QHT Hòa Bình với 7 quan điểm phát triển, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 5 khâu đột phá và 4 trụ cột phát triển, đã thể hiện rõ mục tiêu, quan điểm cũng như phương hướng phát triển tổng thể đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, Hòa Bình đạt trình độ phát triển khá, có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm dẫn đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc, có nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, năng lực cạnh tranh của tỉnh thuộc tốp khá của cả nước. Kinh tế phát triển với công nghiệp là động lực, du lịch là mũi nhọn, nông nghiệp sản xuất hàng hóa, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là nền tảng, gắn kết với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và hệ thống đô thị xanh, thông minh. Tài nguyên thiên nhiên, môi trường được quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện, các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được giữ gìn và phát huy. Chủ động tham gia hội nhập quốc tế và kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của đất nước; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: QHT được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển các quan điểm của tỉnh qua các thời kỳ, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Để hoàn thành các mục tiêu, Quy hoạch xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó tập trung tạo dựng và phát triển các ngành sản phẩm động lực; phát triển vùng kinh tế động lực của tỉnh; giải quyết tốt mối liên kết kinh tế, đảm bảo tốt vai trò là trung tâm kết nối giữa Hà Nội với vùng Tây Bắc; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển hệ thống doanh nghiệp đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng; phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với các nhiệm vụ trọng tâm, quy hoạch đề ra 5 đột phá phát triển. Theo đó, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân tộc Mường và nền Văn hóa Hòa Bình; Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ; Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; Tập trung thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đặc biệt, quy hoạch đã xác định cụ thể 4 ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng là công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và phát triển nhà ở vệ tinh; 3 không gian phát triển công nghiệp gồm: công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp mới và công nghiệp mang tính địa phương; 3 không gian phát triển dịch vụ gồm: phát triển du lịch theo 5 chủ đề, du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, vùng phát triển sân gôn; 4 không gian phát triển nông nghiệp; 2 hành lang phát triển kinh tế gồm: hành lang phát triển kinh tế Đông - Tây dọc theo Quốc lộ 6 và hành lang phát triển kinh tế phía Đông dọc theo đường Hồ Chí Minh; phát triển 13 đô thị giai đoạn 2021 - 2025 và 17 đô thị giai đoạn 2025 - 2030.

Có mặt tại Hội nghị công bố QHT, đồng chí Nguyễn Mạnh Lam, Phó Vụ trưởng vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phấn khởi cho biết: Quy hoạch của tỉnh Hòa Bình đã cho thấy nhiều điểm mới, vừa phát huy được tiềm năng, lợi thế như việc coi bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ là 1 trong 5 khâu đột phá cho thấy một định hướng đúng đắn để Hòa Bình giữ vai trò trung tâm kết nối vùng và khát vọng vươn lên bứt phá của tỉnh. Sau bản quy hoạch này sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới, nhiều động lực mới và nhiều dự án mới để phát triển tỉnh xứng tầm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh cũng như Nghị quyết của T.Ư Đảng.

"Tuân thủ - Linh hoạt - Đồng bộ và Thấu hiểu"

Đó là những từ khóa mà Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dành cho tỉnh Hòa Bình để triển khai thực hiện QHT. Theo Phó Thủ tướng, tính chất quan trọng nhất của Quy hoạch là chỉ ra được định hướng, giải pháp để thực hiện các mục tiêu, vì vậy rất cần phải có sự tuân thủ Quy hoạch. Linh hoạt - thể hiện trong việc tổ chức thực hiện để đảm bảo đạt được mục tiêu trong định hướng đã đề ra. Đồng bộ - QHT phải đồng bộ với các quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành, nếu không có một hệ thống quy hoạch các cấp đồng bộ thì tỉnh không đủ điều kiện pháp lý làm tốt bất cứ điều gì. Thấu hiểu - lãnh đạo và những người trực tiếp thực hiện và quan trọng nhất là người dân cùng tham gia vào xây dựng quy hoạch phân khu để kịp thời phát hiện những bất hợp lý để điều chỉnh và đặc biệt có sự đồng hành, chia sẻ của người dân để tham gia vào công cuộc phát triển của địa phương.


Một góc Đô thị thành phố Hòa Bình hôm nay.

Tiếp thu quan điểm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ khẩn trương xây dựng hoàn thành kế hoạch thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định; trong đó lưu ý xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; lộ trình, tiến độ triển khai và nguồn lực thực hiện. Tiếp tục chủ động rà soát, nghiên cứu đề xuất ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách cụ thể hóa Quy hoạch, nhằm phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, khắc phục được những "điểm nghẽn", khơi thông nguồn lực, tạo ra cơ hội, động lực và không gian phát triển mới trong giai đoạn tới. Quan tâm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực phát triển, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án kết cấu hạ tầng có tính lan tỏa, kết nối liên vùng.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng khẳng định, với tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, sự năng động, sáng tạo và khát vọng vươn lên, phát triển, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình với quyết tâm cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ QHT đã đặt ra.


Đinh Hoà


Các tin khác


Xuân Mường Thàng

Giáp Tết, ở khắp các vườn cam tại huyện Cao Phong không khí nhộn nhịp hơn ngày thường không chỉ bởi tư thương đến thu mua mà các nhà vườn còn rộng cửa đón khách đến tham quan, trải nghiệm, thưởng thức và mua cam. Tiếng cười giòn tan như xua đi giá lạnh, hứa hẹn một mùa Xuân đủ đầy. Với sức sống căng tràn, mùa Xuân trên quê hương Mường Thàng được "vẽ” nên bởi nhiều gam màu tươi sáng hơn.

Nuôi cá “khủng” trên công trình thế kỷ

Hồ Hoà Bình không chỉ nổi tiếng vì cảnh sắc sông núi hữu tình, mà nơi đây còn bảo tồn hàng trăm loài cá, tôm quý. Nếu dưới lòng hồ được đồn đoán đang có nhiều "thuỷ quái” với kích thước to lớn thì ở trên mặt nước nghề nuôi cá lồng phát triển hàng chục năm qua cũng đã cho ra đời những con cá có kích thước "khủng”.

Nông sản đặc trưng "vượt sóng” xuất ngoại

Năm qua, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, với "cú huých” từ sự ổn định tương đối trong năm 2022, cùng những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nông sản xứ Mường tiếp tục có thêm cơ hội vươn tới những thị trường mới, đặc biệt là những thị trường xuất khẩu khó tính.

Đồng lòng, quyết tâm, nỗ lực vượt khó hoàn thành thắng lợi các mục tiêu năm 2024

LTS: Năm 2023 khép lại với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sức mạnh đoàn kết, sự năng động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, KT-XH của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trước thềm Xuân mới 2024, đồng chí BÙI VĂN KHÁNH, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã dành cho phóng viên Báo Hòa Bình cuộc phỏng vấn, chia sẻ về những nỗ lực, thành công; đồng thời nhận định về cơ hội, thách thức và quyết tâm của tỉnh trong năm mới để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Ấp ủ xây dựng thương hiệu “lợn rừng Hòa Bình”

Ấp ủ xây dựng trang trại với những sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương, gia đình anh Bùi Thanh Minh ở xóm Trung Hoa, xã Phú Lai (Yên Thủy) thành công với mô hình chăn nuôi lợn rừng. Việc xây dựng thương hiệu "lợn rừng Hòa Bình” trên các trang mạng xã hội Facebook, TikTok, Youtube… đã giúp sản phẩm vươn xa, khẳng định chất lượng ở thị trường trong tỉnh và các địa phương lân cận.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục