Sau 10 năm thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Yên Bái, nguồn vốn này đã thực sự trở thành "điểm tựa" giúp hàng chục nghìn hộ nghèo, hộ chính sách ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần không nhỏ vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng thành công nông thôn mới ở nhiều địa phương.


Hộ gia đình bà Hoàng Thị Ngọc, dân tộc Tày, thôn Đồng Ké, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình thoát nghèo nhờ vay vốn nuôi gia cầm. 

Tạo động lực, khơi dậy tinh thần thoát nghèo

Mười năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái đã triển khai 18 chương trình tín dụng để cho hơn 224.300 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn, với tổng dư nợ gần 9.000 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi đã phủ đến 100% các thôn, bản trên toàn tỉnh, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo của Yên Bái hằng năm từ 4-5%, đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Yên Bái giảm còn 3,76% năm 2023, nâng tổng số 117/150 xã của Yên Bái đạt chuẩn nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Ngô Hạnh Phúc cho rằng, đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Yên Bái, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã thực sự trở thành "điểm tựa” vững chắc, thiết thực giúp các hộ nghèo, hộ chính sách đầu tư cho sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời, tạo cơ hội, động lực cho người nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thay đổi nhận thức, tự lực vươn lên thoát nghèo, xóa dần tính trông chờ, ỷ lại của người dân vùng cao vào trợ cấp của Nhà nước.

Là huyện vùng cao khó khăn nhất tỉnh Yên Bái, huyện Mù Cang Chải có 91% dân số là đồng bào Mông, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn trên 36%. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế hộ gia đình và đời sống xã hội của người dân nơi đây. Toàn huyện luôn có trên 18 nghìn hộ nghèo, cận nghèo và 1.400 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, duy trì tồng dư nợ trên 420 tỷ đồng.

Ông Thào A Phổng, dân tộc Mông, ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt chia sẻ, được tiếp cận và vay vốn tín dụng ưu đãi từ năm 2010 đến nay gia đình ông đã được vay qua 4 chương trình, tổng số vốn vay đã trả gần 300 triệu đồng. Từ một gia đình hộ nghèo, vươn lên cận nghèo năm 2020, đến nay, gia đình ông là hộ khá giả trong bản. Hành trình thoát nghèo của gia đình ông Phổng bắt nguồn từ những đồng vốn chính sách, hiện gia đình ông Phổng có cơ ngơi khang trang cùng vườn hồng trên 1.000 gốc, đàn lợn rừng hơn trăm con, mỗi năm trừ chi phí, thu lãi từ 250 đến 300 triệu đồng.

Cũng như nhiều xã miền núi thuần nông của huyện Yên Bình, xã Tân Nguyên có gần 90% dân số là đồng bào dân tộc Tày, có quỹ đất lớn nhưng kinh tế còn chậm phát triển. Từ nhiều năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được triển khai sâu rộng, hàng trăm hộ dân nơi đây đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Với 11 chương trình cho vay ưu đãi, hiện tổng dư nợ toàn xã gần 40 tỷ đồng.

Chị Hoàng Thị Ngọc, dân tộc Tày, thuộc diện hộ nghèo ở thôn Đồng Ké, xã Tân Nguyên cho biết, năm 2022 được vay vốn ưu đãi 100 triệu đồng và tham gia lớp tập huấn chăn nuôi gia cầm, gia đình chị Ngọc mạnh dạn mở trại chăn nuôi gà thịt dưới tán rừng. Nhờ lao động cần cù và nghị lực vươn lên thoát nghèo, đến nay, gia đình chị Ngọc luôn duy trì đàn gà hơn 12.000 con. Mỗi năm xuất bán từ 18 đến 20 tấn gà thịt, trừ chi phí thu lãi từ 400 đến 500 triệu đồng. Dự kiến, trong năm nay gia đình chị Ngọc sẽ thoát nghèo, trở thành hộ có thu nhập khá của xã Tân Nguyên.

Giải ngân chặt chẽ, bảo toàn nguồn vốn


Tín dụng chính sách xã hội giúp người dân xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình thoát nghèo nhờ đầu tư trồng và chế biến gỗ rừng trồng. 

Để nguồn vốn tín dụng phát huy hiệu quả theo từng chương trình cho vay, đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng vốn đúng mục đích, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội, bảo toàn và duy trì được nguồn vốn, hạn chế thấp nhất nợ xấu, tránh thất thoát nguồn vốn là thách thức không nhỏ đối với cán bộ và hệ thống ngân hàng chính sách trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Ông Trịnh Trọng Hoài, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Bình cho biết, với phương thức tín dụng ủy thác việc cho vay thông qua 4 tổ chức chính trị- xã hội (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh) thực sự công khai minh bạch, có sự giám sát của chính quyền và cán bộ ngân hàng. Cùng với công tác phối hợp rất chặt chẽ, từ khâu rà soát đối tượng cho vay, thẩm định dự án, giải ngân và thu hồi vồn đều có sự tham gia của các bên liên quan từ cơ sở.

Để nguồn vốn được lan tỏa, tiếp cận đến từng hộ dân, các tổ chức chính trị - xã hội trong xã đều xây dựng mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn đến các thôn, bản. Đồng thời, nhờ thực hiện tốt quy trình giao dịch, đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua 4 hội, đoàn thể trên toàn địa bàn huyện Yên Bình đạt hơn 735 tỷ đồng, thông qua 328 tổ tiết kiệm và vay vốn cho vay hơn 13.000 hộ dân. Kết quả, chưa để xảy ra trường hợp nào mất khả năng trả nợ, hao hụt nguồn vốn.

Với phương châm hoạt động "Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái luôn đồng hành, mang nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với các đối tượng chính sách. Toàn tỉnh đã xây dựng được mạng lưới 2.322 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại 100% các thôn, bản. Trong đó, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện đều có sự tham gia của Chủ tịch UBND các xã, thị trấn.

Từ kinh nghiệm và cách làm thực tế ở cơ sở, ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình cho rằng, các tổ vay vốn tại thôn, bản phải thực hiện tốt từ khâu lựa chọn, bình bầu đối tượng cho vay; tư vấn, thẩm định và hướng dẫn người vay tổ chức thực hiện hiệu quả dự án đầu tư; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc trả gốc và lãi theo cam kết; kịp thời phát hiện và đề xuất những biện pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn tồn tại từ cơ sở.

Để sử dụng nguồn vốn chính sách hiệu quả hơn trong thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái cho biết, sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, chỉnh sửa cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tế; nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ làm công tác tín dụng tại cơ sở; đa dạng kênh dẫn vốn và nâng hạn mức tín dụng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế hộ gia đình, nhất là hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.



Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Khởi sắc xã vùng cao Độc Lập

Độc Lập là xã đặc biệt khó khăn của TP Hòa Bình, trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2015, thu nhập bình quân của người dân mới đạt 12 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 22%. Tuy nhiên, đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đã tăng lên 42 triệu đồng; dự kiến 6 tháng đầu năm 2024 đạt 25 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 5%, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt.

Giá xăng giảm tiếp hơn 600 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 6/6.

Kiểm tra tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện Mai Châu

Ngày 6/6, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) tại huyện Mai Châu.

Khai trương cửa hàng nông sản, thực phẩm an toàn huyện Tân Lạc

Ngày 6/6, Hội Nông dân huyện Tân Lạc phối hợp Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức khai trương cửa hàng nông sản, thực phẩm an toàn huyện Tân Lạc.

Xã Ngổ Luông: Dồn sức thực hiện các tiêu chí chưa đạt trong xây dựng nông thôn mới

Tính đến cuối tháng 5/2024, huyện Tân Lạc có 10/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Trong 5 xã chưa đạt chuẩn, Ngổ Luông được xác định là địa phương sẽ về đích vào cuối năm nay. Trước những áp lực về thời gian lẫn khối lượng công việc cần hoàn thành từ nay đến cuối năm, xã đang dồn sức để thực hiện các tiêu chí chưa đạt, phấn đấu về đích theo đúng lộ trình đề ra.

Ngăn chặn “kẻ thù” của nghề nuôi lợn

Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) được xem là một trong những "kẻ thù” lớn nhất của người chăn nuôi, bởi lây lan nhanh, khi lợn mắc bệnh thì tỷ lệ chết gần như 100%. Những năm qua, dịch bệnh đã gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi, hiện đang bùng phát với những diễn biến phức tạp. Vậy, cần làm gì để ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này xâm nhiễm? 
Bài 1 - Dịch tả lợn châu Phi "rình rập” nghề nuôi lợn

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục