Những năm gần đây, tại tỉnh Hòa Bình, việc thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến. Điều này không chỉ giúp các "nhà băng” tiến gần hơn tới mục tiêu ngân hàng số mà còn tạo nhiều tiện ích cho khách hàng.


Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, hiện nay hầu hết các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố Hòa Bình đã chấp nhận việc thanh toán không dùng tiền mặt.  Ảnh chụp tại cửa hàng Bảo Anh, khu đô thị Bắc Trần Hưng Đạo, thành phố Hòa Bình. 

Thanh toán không dùng tiền mặt là hình thức sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số, như: ví điện tử, mobile banking, internet banking, mã QR... hoặc thanh toán gián tiếp thông qua các tổ chức tín dụng thay cho việc người mua và người bán trực tiếp trao đổi tiền mặt với nhau như thông lệ truyền thống.

Thanh toán không dùng tiền mặt giúp hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình mua bán hàng hóa và dịch vụ.

Thành phố Hòa Bình là một trong những địa phương đạt kết quả nổi bật trong quá trình chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục, trong đó có thanh toán không dùng tiền mặt hoạt động thu - chi. Theo đồng chí Vũ Thị Liên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, thời gian qua, ngành đã linh hoạt triển khai các giải pháp để triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong các hoạt động thu - chi tại các nhà trường và nhận được sự đồng tình cao của các bậc phụ huynh. Đến nay, 100% trường học trên địa bàn đã thực hiện một số khoản thu nộp trực tuyến, thông qua số tài khoản ngân hàng do nhà trường cung cấp. Việc làm này không chỉ giúp phụ huynh tiết kiệm thời gian, tạo thuận lợi trong giao dịch mà còn giúp các nhà trường dễ dàng quản lý tài chính. 

Trong lĩnh vực y tế, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Theo đại diện lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu năm đến nay đã có hàng nghìn lượt bệnh nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Hình thức thanh toán hiện đại này giúp bệnh nhân giảm chờ đợi và giảm nhân lực thực hiện công tác thanh toán cho bệnh viện. Hiện nay, một số bệnh viện lớn đã thực hiện liên kết ngân hàng, mã hóa thông tin bệnh nhân và số tiền viện phí trên phần mềm để tạo thuận lợi cho người bệnh trong quá trình thanh toán viện phí. Trong xu hướng chung, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã nghiên cứu, căn cứ tình hình thực tế sẽ triển khai vào thời điểm thích hợp. 

Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu của nền kinh tế hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân, doanh nghiệp và xã hội. Loại hình thanh toán hiện đại này tại Hòa Bình những năm gần đây phát triển nhờ sự mở rộng của dịch vụ ngân hàng số. Thực tiễn cho thấy, bên cạnh chi tiêu mua sắm hàng hóa, khách hàng cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp đã "chuộng" hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đối với các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội.

Hiện nay, hệ thống ngân hàng tỉnh Hòa Bình đang hướng khách hàng vào kênh thanh toán hiện đại, góp phần thực hiện mục tiêu số hóa ngành ngân hàng. Theo đó, bên cạnh việc đầu tư hạ tầng công nghệ mang tính cạnh tranh, tạo ra sự tiện ích trong các phần mềm thì các tổ chức tín dụng còn áp dụng các chính sách ưu đãi nhằm kích cầu khách hàng sử dụng dịch vụ.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, của tỉnh, trong đó, tiếp tục thực hiện đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Nhờ đó, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội.

Tính đến nay, toàn tỉnh có gần 661 nghìn người, tương đương trên 75% dân số có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác; tổng số máy ATM đang hoạt động là 73; tổng số máy chấp nhận thẻ thanh toán (POS) là 492 máy. Tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện qua ngân hàng đạt trên 75%, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền nước qua ngân hàng và các đơn vị thu hộ hơn 58,6%. 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thiết lập hệ thống thu không dùng tiền mặt, tuy nhiên việc thu học phí và các khoản thu không dùng tiền mặt mới chỉ đạt 21,2%...

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho biết, ngành tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn nâng cao chất lượng phục vụ và vận hành có hiệu quả hệ thống thiết bị thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong việc chấp hành quy định của pháp luật, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về quy trình, thủ tục, đảm bảo an toàn hệ thống, nhất là thanh toán điện tử và thanh toán thẻ; nâng cấp cơ sở hạ tầng, chất lượng thiết bị và vận hành hiệu quả hệ thống thiết bị phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt… Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh sẽ phối hợp cùng các cơ quan báo chí trên địa bàn cập nhật thường xuyên biện pháp nhận biết rủi ro, cách phòng tránh và xử lý khi bị lợi dụng trong hoạt động thanh toàn không dùng tiền mặt…


Minh Vũ

Các tin khác


Trao văn bằng bảo hộ và chứng nhận nhãn hiệu Gà đen Pà Cò - Hang Kia cho huyện Mai Châu

Ngày 7/6, tại xã Pà Cò, UBND huyện Mai Châu tổ chức lễ công bố, trao văn bằng bảo hộ và chứng nhận nhãn hiệu "Gà đen Pà Cò - Hang Kia” cho sản phẩm gà của huyện Mai Châu.

Trao quyết định quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cơm lam Mường Động”

Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp UBND huyện Kim Bôi vừa tổ chức Hội nghị công bố và trao quyết định quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận "Cơm lam Mường Động" dùng cho sản phẩm Cơm lam của huyện Kim Bôi.

Ngăn chặn “kẻ thù” của nghề nuôi lợn: Bài 2 - An toàn sinh học, "lá chắn” trước dịch bệnh

Đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi là "lá chắn” quan trọng nhất để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xâm nhiễm. Còn khi đã bùng phát dịch thì sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, cũng như ý thức chống dịch của người chăn nuôi là giải pháp căn cơ để khống chế, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Khởi sắc xã vùng cao Độc Lập

Độc Lập là xã đặc biệt khó khăn của TP Hòa Bình, trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2015, thu nhập bình quân của người dân mới đạt 12 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 22%. Tuy nhiên, đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đã tăng lên 42 triệu đồng; dự kiến 6 tháng đầu năm 2024 đạt 25 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 5%, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt.

Giá xăng giảm tiếp hơn 600 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 6/6.

Kiểm tra tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện Mai Châu

Ngày 6/6, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) tại huyện Mai Châu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục