Sáu tháng đầu năm nay, nền kinh tế của tỉnh Hoà Bình trên đà phục hồi với những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, vẫn có nhiều thách thức đặt ra, đòi hỏi cần tiếp thêm động lực để tăng trưởng mạnh mẽ hơn, phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển kinh tế năm 2024.


Sáu tháng cuối năm 2024, nhiệm vụ quan trọng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra là đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng Trung tâm Y tế huyện Cao Phong.

Những tín hiệu tích cực

Tại TP Hòa Bình, kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm là thương mại - dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (giá thực tế) đạt khoảng 12.983 tỷ đồng, tăng 21,35% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khối doanh nghiệp tăng 21,88%; khối cá thể tăng 20,82%. Cùng với đó, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cũng đạt mức tăng đáng ghi nhận với 18,57%, tương đương khoảng 4.820 tỷ đồng.

Trên phạm vi toàn tỉnh, nền kinh tế có chuyển biến tích cực với những kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh vẫn còn nhiều áp lực lớn, kinh tế từng bước phục hồi và đạt tốc độ tăng trưởng (GRDP) 1,81%. Trong đó, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,21%; dịch vụ tăng 6,48%; thuế sản phẩm tăng 4,73%; riêng ngành công nghiệp - xây dựng giảm 0,34%. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP tiếp tục chuyển biến tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng 40,17%; dịch vụ 35,45%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 19,06%; thuế sản phẩm 4,79%.

Phân tích kết quả của các ngành, lĩnh vực chủ yếu có thể thấy những tín hiệu khả quan minh chứng cho đà phục hồi tích cực của nền kinh tế. Bên cạnh kết quả đáng ghi nhận trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản và xây dựng nông thôn mới, kết quả sản xuất công nghiệp được đánh giá là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Tuy ngành công nghiệp - xây dựng giảm 0,34% nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tăng 3,2% so với cùng kỳ, trong đó có mức tăng đáng ghi nhận của một số ngành, lĩnh vực như: khai khoáng tăng 17,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,3%.

Thêm một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế là sự sôi động của thị trường hàng hóa - dịch vụ, thương mại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng ước đạt 36.150 tỷ đồng, tăng 16,14% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sức mua của nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng khá ấn tượng với mức 26,48%; kim ngạch nhập khẩu tăng 17,61%.

Trên đà tăng trưởng, du lịch cũng là một điểm sáng. Thống kê trong 6 tháng có khoảng 2,6 triệu lượt khách du lịch đến tỉnh, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2.689 tỷ đồng, tăng 29,8%, đạt 58,5% kế hoạch năm.

Đặc biệt, với sự chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm đối với công tác quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước (NSNN) nên kết quả 6 tháng, thu NSNN trên địa bàn đạt trên 3.366 tỷ đồng, bằng 83% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 58% Nghị quyết HĐND tỉnh giao, tăng 78% so với thực hiện cùng kỳ năm 2023. Phân tích nguyên nhân tăng thu NSNN có thể thấy xu hướng phục hồi và duy trì tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực chủ yếu trong nền kinh tế. Điển hình như tín hiệu ấm dần lên của thị trường bất động sản, khởi động của các dự án đầu tư, đóng góp của các doanh nghiệp… Đó là những tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế đang có đà phát triển thuận lợi. Tuy nhiên, để tăng tốc và đạt mức tăng trưởng kế hoạch đề ra rất cần tiếp thêm động lực.

Thêm động lực để tăng tốc

Trở lại với TP Hòa Bình - trung tâm phát triển kinh tế của tỉnh, đồng chí Đỗ Việt Triều, Phó Chủ tịch UBND TP Hòa Bình cho biết: Tuy đạt những kết quả tích cực trong phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm nhưng có nhiều thách thức để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024. Với định hướng phấn đấu xây dựng TP Hòa Bình trở thành đô thị loại II trước năm 2025, UBND thành phố tập trung chỉ đạo đồng bộ các nhóm giải pháp. Trong đó chú trọng nhóm giải pháp phát triển kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng năm 2024 đạt 12%.

Đối với toàn tỉnh, để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm là 9% trong khi tốc độ tăng trưởng 6 tháng là 1,81% thì trong quý III, tỉnh cần tăng trưởng khoảng 17,78%, quý IV khoảng 12%. Đây là thách thức rất lớn, cùng với những khó khăn trong nội tại nền kinh tế đòi hỏi cần thêm những động lực mạnh mẽ để có thể tăng tốc, bứt phá trong các tháng còn lại của năm.

"Trong bối cảnh nền kinh tế của tỉnh rất cần tiếp thêm động lực phát triển thì giải ngân vốn đầu tư công được xác định là động lực vô cùng quan trọng” - đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh. Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đầu tư công là một trong những trụ cột bảo đảm tăng trưởng. Vì thế, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm và các điều kiện nâng cao đời sống cho người lao động.

Trên thực tế, không riêng lĩnh vực đầu tư công, một số động lực tăng trưởng quan trọng đối với nền kinh tế nhưng lại chưa đủ mạnh trong tình hình hiện nay, như: hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp chậm; thu hút đầu tư mới còn khó khăn; nhiều dự án đầu tư chưa đi vào hoạt động; sức sản xuất của doanh nghiệp còn yếu; ngành kinh tế chủ lực như công nghiệp - xây dựng (chiếm tỷ trọng 40,17% cơ cấu nền kinh tế) chưa phục hồi, thậm chí 6 tháng đầu năm còn tăng trưởng âm (giảm 0,34%)…

Chính vì thế, UBND tỉnh đã chỉ đạo 6 tháng cuối năm thực hiện quyết liệt 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp thêm động lực cho phát triển kinh tế. Theo kịch bản thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các tháng cuối năm vừa được UBND tỉnh chỉ đạo Sở KH&ĐT phác thảo, toàn tỉnh đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tăng thu NSNN; tháo gỡ khó khăn thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư; xúc tiến thương mại - dịch vụ và phát triển thị trường... Đó cũng chính là những giải pháp trọng tâm để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại hội nghị lần thứ 16, khóa XVII: Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cùng cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và toàn thể nhân dân tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, thống nhất ý chí và hành động để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong phát triển kinh tế, tổ chức thực hiện đạt mức cao nhất Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 6/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024.

Thu Trang

Các tin khác


Sức lan tỏa của Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

Nguyễn Văn Toàn 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh 

Qua gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH), đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Nguồn vốn "phủ” khắp các thôn, bản trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện cho người nghèo, các đối tượng chính sách nhanh chóng được tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Trao “cần câu” giúp đổi thay cuộc sống

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, hoạt động tín dụng chính sách (TDCS) đã tiếp sức cho hộ nghèo huyện Tân Lạc, góp phần cùng địa phương triển khai hiệu quả hơn các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).

Huyện Lạc Thủy phát triển vùng động lực kinh tế

Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 03/10/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển vùng động lực tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đưa thị trấn Chi Nê cùng 6 xã của huyện Lạc Thủy vào vùng động lực kinh tế của tỉnh. Qua hơn 6 năm thực hiện Nghị quyết, huyện Lạc Thủy đã tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng, các khu, cụm công nghiệp và một số ngành kinh tế trọng điểm. Qua đó góp phần quan trọng phát triển KT - XH của huyện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tạo tiền đề thu hút đầu tư.

Hiệu quả từ ủy thác vốn qua các tổ chức chính trị - xã hội

Những năm qua, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), chương trình ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) đã tạo điều kiện cho hàng nghìn hội viên tiếp cận vốn vay để đầu tư phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững. Qua đó góp phần tích cực trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh.

“Phục vụ tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”

Một ngày giữa tháng 6, ông Bàn Tiến Sự ở xóm Phủ, xã Toàn Sơn (Đà Bắc) đến điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đặt tại trụ sở UBND xã Toàn Sơn để làm thủ tục vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo. Thủ tục nhanh gọn, cán bộ ngân hàng làm việc chuyên nghiệp nên ông không mất nhiều thời gian.

Vốn chính sách giúp hộ nghèo vươn lên

Từ nguồn vốn các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đến được các bản làng xa xôi, đúng đối tượng thụ hưởng đã góp phần quan trọng giúp các hộ vươn lên thoát nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục