Tỉnh Hòa Bình hiện có 158 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó sản phẩm nhóm thực phẩm có 114 sản phẩm. Thủy sản đóng góp 5 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao. Những sản phẩm này từng bước khẳng định chất lượng, uy tín với người tiêu dùng, tạo xu thế phát triển kinh tế mới cho nông dân, doanh nghiệp ở các vùng nông thôn trong tỉnh.
Những năm qua, bên cạnh ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nghề nuôi cá lồng bền vững, xây dựng thành công nhãn hiệu "Cá Sông Đà - Hòa Bình” và "Tôm Sông Đà - Hòa Bình”, tỉnh còn đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm OCOP thủy sản, đem lại hiệu quả thiết thực trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Tận dụng lợi thế có 5 xóm giáp hồ thủy điện Hòa Bình, từ lâu, nghề cá đã phát triển ở xã Tiền Phong (Đà Bắc). Tuy nhiên, do khó khăn về đầu ra, chưa tiếp cận được các ứng dụng khoa học kỹ thuật, nên nghề nuôi cá phát triển manh mún, chưa thể trở thành nghề chính đem lại thu nhập cao cho người dân.
Đầu năm 2023, Hợp tác xã Đà Giang Eco được thành lập, đồng thời thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ cá với các hộ nuôi cá lồng ở xã Tiền Phong. Từ đó đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Cũng trong năm này, sản phẩm cá trắm đen sông Đà, cá lăng đen sông Đà, cá ngạnh sông Đà được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao càng thúc đẩy nghề nuôi cá lồng nơi đây phát triển.
Đến thăm cơ sở sản xuất của Đà Giang Eco, không khí lao động rất nhộn nhịp. Mỗi người một công đoạn phơi cá, hấp cá, đóng gói sản phẩm... Theo ông Xa Ngọc Hưng, Giám đốc hợp tác xã thì Đà Giang Eco đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để tạo ra các sản phẩm OCOP chất lượng mang hương vị đặc trưng, bản sắc riêng biệt của cá sông Đà - Hòa Bình. "Việc được công nhận sản phẩm OCOP giúp chúng tôi thuận lợi hơn trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân và quan trọng nhất là tạo hướng đi bền vững cho thủy sản địa phương”- Ông Hưng khẳng định.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, bao gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh. Sản phẩm sơ chế, chế biến chủ yếu là cá phi lê, chả cá, ruốc cá, cá kho, cá nướng, cá khô, tôm khô, cá tươi, tôm tươi, cá đóng gói đông lạnh... Có 5 sản phẩm thủy sản chế biến (cá phi lê, ruốc cá) được chứng nhận OCOP 4 sao. Theo ngành nông nghiệp, sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng theo bộ tiêu chí quốc gia về đánh giá, phân hạng dựa trên nhiều khía cạnh khác nhau như chất lượng, giá trị cộng đồng, giá trị văn hóa, năng lực sản xuất và thương mại của chủ thể. Đồng thời, kết quả phân hạng sản phẩm OCOP còn xác định các cơ hội phát triển sản phẩm, khả năng tham gia và thụ hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. "Chính vì vậy, hiện nay, ngành chú trọng triển khai thử nghiệm các mô hình nuôi cá lồng bè theo tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản có chứng nhận VietGAP, xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP để nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm. Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến, thị trường. Ngoài ra, khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo hướng tập trung, quy mô lớn gắn với áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng", đồng chí Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản cho biết.
Tính đến tháng 10/2024, toàn tỉnh có 4.987 lồng cá. Sản lượng nuôi trồng năm nay ước đạt 10 nghìn tấn, giá trị kinh tế dự kiến đạt 600 tỷ đồng. Có 14 cơ sở nuôi cá lồng được chứng nhận VietGAP với quy mô 1.067 lồng, sản lượng khoảng 2,1 tấn sản phẩm.
Tuy nhiên, cũng theo số liệu từ Chi cục thủy sản, hằng năm, sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản của tỉnh trung bình đạt khoảng 850 tấn, chiếm 11,33% sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác trên hồ Hòa Bình. Thực tế đó cho thấy, vẫn cần những giải pháp căn cơ để phát triển bền vững nghề cá cũng như sản phẩm OCOP từ thủy sản.
Minh Vũ