(HBĐT) - Với những ai đã phải lòng cảnh sắc của xã Ba Khan thơ mộng, hẳn sẽ dành những mỹ từ cho một kiệt tác thiên nhiên khác của huyện vùng cao Mai Châu, đó là thác Gò Lào, thuộc địa phận xóm Gò Lào, xã Phúc Sạn. Bất kể mùa nào trong năm, những dòng nước tươi mát trên con thác này vẫn uốn lượn “mái tóc” trắng xóa giữa trùng điệp rừng luồng xanh ngút ngàn.

Vẻ đẹp hoang sơ của thác Gò Lào đã thu hút đông đảo bạn trẻ đến tham quan, chụp ảnh.

 

Từ QL 6, chúng tôi rẽ phải ở chân dốc Đá Trắng, thuộc địa phận xã Phú Cường (Tân Lạc) rồi cứ thế theo con đường nhựa liên huyện mới được nâng cấp, đi khoảng hơn 20 km là tới thác Gò Lào. Hành trình khám phá thác Gò Lào của chúng tôi bị chậm lại bất đắc dĩ. Bởi lẽ, cung đường này có quá nhiều thứ khiến ta phải dừng chân ngắm nhìn và tận hưởng. Đó là những mái nhà sàn ẩn, hiện trong làn sương mờ đục. Mùa đông, sương mù như ôm trọn đất và người, tạo cho mảnh đất này sự an nhiên đến lạ. Việc ngăn dòng Đà để xây dựng công trình thế kỷ cũng vô tình tạo cho Ba Khan một vùng hồ rộng mênh mông, xen giữa là những hòn đảo nhỏ, nhiều người mê mẩn ngắm nhìn mà ví von rằng: Ba Khan đích thị là một Hạ Long trên cạn. Điều này đã lý giải vì sao, gần đây, cung đường này được nhiều người lựa chọn là điểm mở đầu cho hành trình khám phá miền Tây Bắc.

 

  Từ Ba Khan đi qua xóm Suối Lốn (xã Tân Mai), xa xa bên kia núi, thác Gò Lào hiện ra với dòng nước trắng xóa đang “nhảy” xuống từ độ cao trên 20 mét. Chúng tôi gửi xe ở một nhà dân trong xóm và bắt đầu hành trình khám phá kiệt tác thiên nhiên này. Con đường mòn dẫn xuống chân thác khá dốc, được bà con tạo những bậc thang nhỏ. Nếu con đường được bào nhẵn bởi những dấu chân của du khách thì dưới chân thác, những tảng đá cũng được những dòng nước mát lạnh gọt dũa. Càng vào gần chân thác, làn hơi nước bốc lên càng dày đặc. Đang trong giai đoạn mùa khô, thế nhưng lượng nước chảy ở thác Gò Lào vẫn khá lớn. Dòng thác phân thành 3 dòng chảy trên vách đá dựng đứng. Ba dòng nước này được phân biệt bởi khoảng rong rêu xanh mướt, bám chặt vào vách đá.

 

Theo chia sẻ của người dân xóm Gò Lào, kiệt tác thiên nhiên này là kết quả của cuộc “hôn nhân” giữa 2 con suối Thung Cang và Phiêng Xa. Vào mùa mưa, lượng nước từ 2 con suối chảy lớn hơn nhiều nên thác Gò Lào ngày đêm như gầm gừ, du khách chỉ có thể ngắm nhìn từ xa. Vào mùa khô, thác chiều lòng người hơn, ai cũng có thể vào chân thác tắm, thậm chí ngồi trò chuyện với nhau trên những tảng đá được bào nhẵn.

 

“Tôi đã nghe mọi người giới thiệu về thác nước này, quả thực rất tuyệt. Đây là một trong những thác nước đẹp nhất mà em từng được khám phá. Thác khá cao, dòng nước mát lạnh và tọa giữa núi non trùng điệp. Chắc chắn tôi sẽ quay trở lại và giới thiệu cho bạn bè mình cùng biết về cung đường rất đáng để khám phá này”, Bùi Thị Duyên, sinh viên năm cuối của trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ.

 

Đẹp và ấn tượng là vậy, thế nhưng, Gò Lào vẫn chỉ là điểm đến để chơi chứ chưa mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân nơi đây. Gia đình chị Khà Thị Lâm nằm gần thác nên là điểm được du khách gửi xe và đồ đạc. Chị Lâm cho biết: “Mùa hè, lượng khách đến tắm đông lắm, gia đình tôi làm đường để mọi người có lối đi xuống thác thuận lợi. Có những hôm có vài chục lượt khách đến, gia đình cũng tranh thủ mua nước về bán, trông xe để kiếm thêm thu nhập”. Theo chia sẻ của chị Lâm, thu nhập của bà con nơi đây chủ yếu từ cây luồng, cây ngô và sắn nên đời sống còn rất khó khăn.

 

Tháng 10/2016, huyện Mai Châu được quy hoạch là điểm du lịch quốc gia, đây là một trong những hướng đi chủ lực trong phát triển KT-XH của huyện vùng cao này. Với thác Gò Lào nói riêng và vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ đến từ xã Ba Khan hay các xã vùng hồ lân cận khác như: Tân Mai, Tân Dân thì du lịch cũng là một hướng đi đáng được lưu tâm.

 

 

 

                                                                   Viết Đào

 

Các tin khác


Đồng Nghê - nơi đến của điểm hẹn

(HBĐT) - Vượt gần 100 km đường đèo, dốc từ thành phố Hòa Bình, chúng tôi có mặt tại thung lũng được bao bọc bởi núi đá, sông nước với vẻ đẹp hoang sơ mà trữ tình đến say lòng người - đó là xã Đồng Nghê, “chấm” cuối cùng trên bản đồ huyện vùng cao Đà Bắc. Có thể thong rong một chiếc xe máy, xe đạp, bạn vừa đi, vừa tận hưởng cảnh sắc tuyệt đẹp nơi đây mới thấy được những ưu đãi của thiên nhiên dành cho xã Đồng Nghê.

Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông xã Pà Cò huyện Mai Châu năm 2017

(HBĐT) - Ngày 7/3, tại sân vận động xóm Xà Lĩnh, xã Pà Cò phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông huyện Mai Châu năm 2017. Dự lễ hội có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, huyện Mai Châu, tỉnh Sơn La và đông đảo nhân dân trên địa bàn 2 xã Hang Kia, Pà Cò.

Bộ chữ Mường là chữ viết chính thức, góp phần đắc lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc

(HBĐT) - Trong số 6 dân tộc chính trên địa bàn tỉnh, dân tộc Mường chiếm 63,3%. Nếu so với dân tộc Mường trong cả nước thì dân số người Mường ở Hòa Bình chiếm gần 50%. Nói đến dân tộc Mường người ta nhắc ngay đến Hòa Bình được nhìn nhận là “thủ phủ” của dân tộc Mường gồm 4 Mường lớn: Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động.

Về Mai Châu khám phá lễ hội Xên Mường

(HBĐT) - Đầu năm, nhiều địa phương trong tỉnh tổ chức các lễ hội vui xuân, lễ tạ thần linh và cầu cho một năm mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu. Lễ hội Xên Mường huyện Mai Châu là lễ hội cầu mùa, cầu phúc của người Thái. Họ gửi gắm vào đó những ước vọng về một cuộc sống bình yên, no ấm. Ngày nay, lễ hội Xên Mường không chỉ của riêng người Thái mà đã trở thành ngày hội chung của nhiều dân tộc trên địa bàn, các tỉnh lân cận và du khách gần xa cùng nhau dự lễ hội, thưởng thức các tiết mục văn hóa, văn nghệ truyền thống và những món ăn truyền thống của dân tộc Thái...

Xóm Ngòi - nốt trầm xao xuyến lòng hồ sông Đà

(HBĐT) - Xuất phát từ cảng Ba cấp - TP Hòa Bình, sau gần 2 tiếng đi trên sóng nước lòng hồ, chúng tôi cập bến xóm Ngòi- xóm khó khăn nhất của xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) và cũng là một trong những xóm khó khăn bậc nhất của tỉnh. Tàu chầm chậm lướt tiến vào vịnh Ngòi Hoa. Xóm Ngòi đẹp đến nao lòng trong se sắt xuân về.

Khẩn trương xây dựng bộ gõ, biên soạn tài liệu dạy và học chữ Mường

(HBĐT) - Đưa chữ Mường vào cuộc sống - đó là yêu cầu cấp thiết đặt ra sau khi Bộ chữ Mường được UBND tỉnh phê duyệt. Nhiệm vụ đó cần được cụ thể bằng hai nội dung: xây dựng bộ gõ chữ Mường và biên soạn tài liệu dạy – học chữ Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục