(HBĐT) - Sau nhiều năm triển khai, đến nay, công trình bảo tồn và tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đền Thác Bờ đã hoàn thành và đưa vào khai thác là một điểm du lịch văn hóa, lịch sử tâm linh trên khu vực hồ Hòa Bình.
Công trình được xây dựng trên đỉnh đồi Hang Thần có diện
tích khoảng 4.500 m2, thuộc xóm Phố Bờ, xã Vầy Nưa (Đà Bắc). Nơi đây có cảnh
quan thiên nhiên tươi đẹp, hồ sông Đà đẹp mộng mơ, được bao quanh là những thảm
rừng với hệ sinh thái đa dạng, phong phú cùng hệ thống hang động, núi đá vôi
hùng vĩ.
Công trình với các hạng mục đã được hoàn thiện như: Đền
chính; hai dãy nhà tả vu – hữu vu, Tam quan cho đền; các hạng mục phụ trợ như:
Nhà quản lý, nhà vệ sinh, lầu hóa vàng, bệ đặt bia với mục đích phục vụ cho
công tác chuẩn bị và hoạt động khác của đền; nhà chờ tại bãi tập kết số 2, phục
vụ khách hành hương chuẩn bị vào thăm đền. Ngoài ra cũng được xây dựng hệ thống
cấp điện, thoát nước, các giải pháp bảo đảm an toàn có thể khai thác lâu dài.
Ngoài đền chúa Thác Bờ được quy hoạch, bia Lê Lợi cũng đã được di chuyển và đặt
ở vị trí trang trọng trở thành điểm nhấn của quần thể di tích đền chúa Thác Bờ.
Công trình được xây dựng trên cơ sở những truyền thuyết, tài liệu để lại, đáp
ứng yêu cầu tín ngưỡng, tâm linh, tìm hiểu lịch sử, văn hóa của du khách trong
và ngoài tỉnh.
Bia Lê Lợi nằm trong
quần thể đền Chúa Thác Bờ khu vực xã Vầy Nưa (Đà Bắc) thu hút người dân tìm
hiểu văn hóa, lịch sử.
Thác Bờ xưa còn gọi là thác Vạn Bờ được tạo bởi
hàng trăm mỏm đá lớn nhỏ nhấp nhô như đàn voi khổng lồ giữa dòng sông Đà gầm
thét ồn ào, sinh ra một kỳ khu hiểm lộ. Theo sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý
Đôn chép rằng: "Đường sông - tức sông Đà - thác ghềnh hiểm trở gồm 83 thác có
tiếng mà Vạn Bờ là thác nguy hiểm thứ nhất”. Theo tương truyền, đền Bờ thờ bà
chúa Thác Bờ là bà Đinh Thị Vân, người dân tộc Mường và một bà người dân tộc
Dao (không rõ tên) ở Vầy Nưa. Hai bà đã có công giúp vua Lê Lợi về quân lương,
thuyền mảng vượt thác Bờ tiến quân lên Mường Lễ, Sơn La dẹp loạn đảng Đèo Cát
Hãn. Sau khi mất, 2 bà thường hiển linh giúp dân vượt thác an toàn, phù hộ cho
trăm dân trong vùng mưa thuận, gió hoà nên nhân dân đã phong 2 bà làm thánh và
lập đền thờ phụng. Vua Lê Lợi truy phong công trạng, ban chiếu cho dân lập đền
thờ.
Sự hình thành đền, miếu và việc thờ chúa Thác Bờ
thể hiện niềm mong ước cầu cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, là sự
thành kính trước thiên thần, nhân thần, là nét đẹp tâm thức tín ngưỡng của nhân
dân trong tỉnh. Bia còn có tên là bia cổ Hào Tráng, được khắc trên một phiến đá
lớn ở sườn núi Thác Bờ, xã Hào Tráng, huyện Đà Bắc trước đây. Đó là mỏm đá vôi
được mài nhẵn cao hơn 4 m, tạo thành một mặt phẳng, bề dài gần 1,5 m, cao gần 1
m. Về tấm văn bia khắc trên đá của vua Lê Lợi tại Thác Bờ, tương truyền, sau
khi dẹp xong loạn Đèo Cát Hãn, trên đường về kinh, nhà vua chọn vách đá đẹp rút
kiếm, cọ mài, đề tiểu dẫn và bài thơ thất ngôn bát cú. Bài thơ tựa nói "Ta đi
đánh Đèo Cát Hãn về qua đây, làm một bài thơ, nói về đường lối phong nhung địch
cho đời sau biết”. Việc vua Lê Lợi đề thơ trên đá vừa có ý nghĩa khẳng định chủ
quyền về mặt cương thổ đất nước lúc bấy giờ, vừa răn đe, giáo hóa những kẻ có mưu đồ phản nghịch,
một mặt cho thấy tài thao lược "Hùng tâm, tráng chí” và mong muốn giang sơn
muôn thuở bền vững, thái hòa của vua Lê Thái Tổ. Bia là một trong những văn bia
của các vị vua phong kiến Việt Nam ở xa kinh thành nhất. Quần thể di tích đền
Chúa Thác Bờ, bia Lê Lợi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hài hòa, thân thiện
với thiên nhiên, là điểm du lịch tâm linh văn hóa, lịch sử đem lại sự bình yên
và cảm nhận tốt đẹp cho du khách gần xa.