(HBĐT) - Trước những đổi thay của xã hội hiện đại, có những lúc tưởng chừng nghề dệt thổ cẩm của người Mường ở xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) không thể tồn tại. Nhưng từ sự tâm huyết và lòng đam mê với nghề, người dân nơi đây đã quyết tâm gìn giữ tìm lại được chỗ đứng cho nghề dệt truyền thống của dân tộc mình.
Chúng tôi tới thăm cơ sở dệt của chị Dương Thị Bin (xóm Lục
2), Giám đốc Công ty TNHH MTV Lục Nghiệp Thành. Chị là người góp công lớp xây
dựng nên làng nghề dệt thổ cẩm tại xã Yên Nghiệp. Trong không khí, tất bật,
người se sợi, người dệt, người thêu, ai nấy đều say sưa với công việc của mình,
chị Bin cho biết: "Nghề dệt thổ cẩm của người Mường đã có từ hàng trăm năm nay.
Công cụ dệt chỉ là những khung cửi thô sơ làm bằng tre, gỗ nên để tạo ra một
sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ dệt tốn nhiều thời gian và công sức. Cùng với đó,
sự xuất hiện của các sản phẩm ngành dệt may công nghiệp với mẫu mã đa dạng,
phong phú đã đẩy nghề dệt thổ cẩm thủ công đến chỗ khó khăn. Nhiều thợ dệt giỏi
cũng không còn mặn mà với nghề. Vì lòng đam mê và ý thức gìn giữ bản sắc văn
hóa dân tộc, tôi và một số thợ dệt có tâm huyết đã quyết tâm bám trụ, tìm cách
khôi phục lại nghề”.
Chị Bùi Thị Tiền, hội
viên làng nghề dệt thổ cẩm xóm Lục 2, xã
Yên Nghiệp (Lạc Sơn) đã tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng thị
hiếu người tiêu dùng.
Được biết, ngoài việc tích cực tuyên truyền cho
thế hệ trẻ về ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc, những giá trị nhân văn ẩn chứa
trong từng sản phẩm dệt. Hàng ngày, tranh thủ những lúc nông nhàn, các bà, các
chị có nhiều kinh nghiệm trong nghề dệt lại tới các thôn, xóm vận động chị em
học nghề và truyền nghề. Ban đầu, những sản phẩm thêu, dệt được chị em làm ra
chủ yếu để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bản thân và gia đình. Về sau, do nhu
cầu tiêu dùng của người dân trong và ngoài tỉnh ngày càng nhiều, nhất là các
tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Thọ... chủ yếu dùng sản phẩm dệt thổ cẩm để buôn
bán tại các khu du lịch nên nghề dệt thổ cẩm đã có cơ hội và trở thành đòn bẩy
giúp người dân phát triển kinh tế.
Làng nghề dệt thổ cẩm xã Yên Nghiệp gồm 3 xóm:
Lục 1, Lục 2, Lục 3 với hơn 200 khung dệt giao cho 168 thành viên, hầu hết là
các chị em phụ nữ. Bên cạnh đó, chị Bin còn liên kết với những thợ dệt có tâm
huyết khác thành lập được 6 tổ sản xuất dệt thổ cẩm tại các xã lân cận như Bình
Chân, Đa Phúc, ân Nghĩa... nâng tổng số lên 500 khung dệt. Mỗi năm sản xuất
trên 50.000 sản phẩm thổ cẩm như: váy, áo, mũ, khăn... phục vụ nhu cầu người
dân trong địa bàn và các vùng lân cận. Hiện tại, các thợ dệt tại làng nghề vẫn
duy trì hình thức dệt thủ công thay vì dùng máy như nhiều cơ sở dệt khác, điều
đó đã tạo nên giá trị riêng biệt cho sản phẩm.
Chị Bin cho biết: "Mỗi sản phẩm dệt thổ cẩm
không chỉ bao hàm trong đó sự sáng tạo, tính nghệ thuật mà còn chứa đựng cả tâm
hồn, tình cảm của thợ dệt. Bởi vậy, mỗi sản phẩm làm ra đến được tay người tiêu
dùng và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, nâng niu là chị em chúng tôi phấn
khởi vô cùng”.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người
sử dụng, hiện các sản phẩm dệt phong phú hơn rất nhiều. Ngoài những sản phẩm
truyền thống còn có những sản phẩm mới được nhiều người ưa thích như: túi xách,
mũ, túi đựng điện thoại... với nhiều màu sắc, hoa văn khác nhau. Như vậy, người
thợ dệt đã biết kết hợp giữa nét văn hóa xưa và những giá trị hiện đại để tạo
ra nhiều sản phẩm độc đáo, màu sắc, phù hợp với thị hiếu của cộng đồng.
Nhờ hiệu quả của mô hình, nhiều chị em phụ nữ
trong xã đã có thu nhập ổn định, giúp gia đình cải thiện đời sống, từng bước
xóa đói - giảm nghèo. Chị Bùi Thị Tiền (xóm Lục 2) cho biết: "Mấy năm trước, vì
kinh tế khó khăn, các chị em trong xã thường phải đi làm ăn xa nhưng nay hầu
hết đều ở nhà gắn bó với chăn nuôi, ruộng đồng và kết hợp làm thêm nghề dệt
truyền thống lúc nông nhàn. Với mức thu nhập 2-3 triệu đồng/ người/tháng từ
việc làm ra các sản phẩm dệt đã giúp chị em cải thiện được cuộc sống”.
Đồng chí Bùi Văn Chủng, Chủ tịch UBND xã Yên
Nghiệp cho biết: "Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghề dệt thủ công
truyền thống không chỉ góp phần gìn giữ biểu tượng văn hóa cổ truyền mà còn có
ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch tại địa phương đồng thời
giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo
cho người dân”. Để các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống có thể vươn xa hơn nữa
tới nhiều thị trường lớn trong nước và quốc tế, mong muốn trong thời gian tới,
các cấp chính quyền sẽ có những chính sách đầu tư, đẩy mạnh quảng bá, giới
thiệu sản phẩm để nghề dệt thổ cẩm ngày càng có chỗ đứng, tạo đà phát triển KT-XH
cho xã.