(HBĐT) - Hiện nay, tại xã Hưng Thi (Lạc Thủy) số lượng nhà sàn còn rất ít. Người Mường ở đây đa số chuyển sang sử dụng nhà xây. Các cụ cao niên am hiểu về chiêng, văn hóa Mường để truyền dạy cho thế hệ con cháu chỉ còn khoảng 10 cụ. Những chiếc chiêng cổ không còn. Xã chưa thành lập được câu lạc bộ dạy chiêng Mường; các làn điệu dân ca, dân vũ dần mất đi… Đó là những hạn chế cần khắc phục trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa người Mường tại xã có hơn 80% dân số là người Mường.
Theo đồng chí Bùi Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Hưng Thi:
Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong giữ gìn bản sắc văn hóa Mường tại Hưng
Thi là do điều kiện kinh tế của xã còn nhiều khó khăn với 26% dân số thuộc hộ
nghèo chưa có kinh phí để đầu tư cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường;
không có đường bộ từ huyện vào xã, người dân đi lại bằng cầu treo dân sinh ảnh
hưởng đến các hoạt động văn hóa, văn nghệ và đời sống sinh hoạt. Bên cạnh đó,
thế hệ trẻ hiện nay không ý thức được hết tầm quan trọng trong việc giữ gìn và
phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình. Khoảng 90% trẻ em biết nói tiếng Mường
nhưng hầu hết các em còn thờ ơ, ít sử dụng. Một bộ phận không nhỏ trẻ ham mê
các trò chơi trên mạng Internet, không thiết tha với trò chơi dân gian như đánh
mảng, ném còn, đẩy gậy, đi cà kheo...
Anh Bùi Đức Thụ, thôn
Khoang, xã Hưng Thi (Lạc Thủy) hướng dẫn con gái học cách đánh chiêng Mường.
Tỷ lệ người già am hiểu về văn hóa người Mường
tại Hưng Thi còn ít. Toàn xã chỉ có khoảng hơn 10 cụ còn tâm huyết với chiêng
Mường và tìm cách truyền dạy cho con cháu. Hưng Thi còn duy nhất cụ Đinh Công
Bằn, thôn Thơi hiện là nghệ nhân Mo Mường. Do điều kiện kinh tế còn khó khăn,
dân cư phân bố không đều nên xã chưa thành lập được câu lạc bộ dạy chiêng. Toàn
xã có hơn 100 chiếc chiêng mới không còn chiêng cổ. Những làn điệu dân ca, dân
vũ mềm mại, uyển chuyển và nghề dệt thổ cẩm mất đi, các loại trang phục dân tộc
Mường không được giới trẻ ưa chuộng...
Trước thực tế thế hệ trẻ không còn mặn mà với
nét đặc sắc của dân tộc Mường, thay vào đó là những bài hát nhạc trẻ, nét văn
hóa phương Tây... thì ở Hưng Thi vẫn còn những người trẻ như gia đình anh Bùi
Đức Thụ, thôn Khoang vẫn đắm say với văn hóa Mường. Anh Thụ chia sẻ: Là người
con đất Mường, thế hệ trẻ chúng tôi dù không biết và hiểu hết được các nét đặc
sắc của dân tộc mình nhưng cũng hiểu được phần nào giá trị của nó đối với đời
sống sinh hoạt hàng ngày của người Mường. Chính vì vậy, gia đình tôi vẫn giữ
nếp nhà sàn và mua 6 chiếc chiêng để dạy cho con. Hiện tại, học đánh chiêng,
nói tiếng Mường được gia đình tôi duy trì hàng ngày.
Đứng trước thực trạng bản sắc văn hóa người
Mường ngày càng mai một. Đồng thời ý thức sâu sắc quan điểm "văn hóa là nền
tảng tinh thần của xã hội, là động lực của sự phát triển KT-XH” và việc giữ gìn
nét đẹp văn hóa Mường không bị mai một theo thời gian, công tác bảo tồn và phát
huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường luôn được chính quyền xã Hưng Thi quan tâm
bằng nhiều giải pháp như: Vào các ngày lễ, tết, hội nghị, xã tuyên truyền đến
người dân tại các thôn về tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân
tộc mình. Phát động phong trào người Mường nói tiếng Mường tại các cuộc họp
thôn, ngày đại đoàn kết dân tộc, coi đó là một trong những tiêu chí để bình xét
các danh hiệu thi đua tại thôn như gia đình văn hóa, hộ nghèo... Yêu cầu phụ nữ
Mường phải mặc trang phục dân tộc vào dịp lễ, tết, hội nghị. Đối với trẻ em
thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian gắn
chặt với đời sống người Mường để các em tham gia, tránh xa những trò chơi không
lành mạnh. Trong thời gian tới, xã phấn đấu thành lập được câu lạc bộ dạy
chiêng Mường cho người dân.
Thu Thủy