Ai đã từng sinh ra ở nông thôn hẳn sẽ biết nhiều loài chim trời bay lượn trong không gian khoáng đạt. Những con chim bình dị, gắn bó nhất với con người là chim sẻ. Mùa nào chúng cũng quẩn quanh bên con người và thường làm tổ trong những hốc ngói, những hốc dui của ngôi nhà truyền thống.


Vẻ đẹp cánh chim mùa Xuân.

Mỗi lần về quê, ngoài thăm ông nội, sống với sự giản dị mộc mạc từ ngôi vườn của ông nội với rất nhiều tiếng chim, tôi còn muốn ngắm bầy chim sẻ ông nội nuôi nấng suốt nhiều năm. Cần mẫn. Nhẫn nại. Ngày bé tôi không hiểu việc làm của ông. Tại sao ông lại vãi thóc gạo nuôi chim. Khi ấy một lần tôi hỏi: Ông ơi, sao ông lại cho chim ăn, được lợi gì chứ. Cũng đâu có làm những cơn đau xương của ông thuyên giảm? Ông ôn tồn trả lời: Để chúng được no bụng. Chúng có khác chi những đứa trẻ như các cháu. Ông còn dạy thêm, chúng ta phải đối xử tốt với chim trời, thiên nhiên và học cách sống cộng sinh, để cuộc sống thêm ý nghĩa.

Nhưng vườn của ông đâu chỉ có chim sẻ. Ông yêu nhiều loài chim. Ông yêu tiếng cựa nhẹ của cặp chân xinh xắn nhanh nhẹn uyển chuyển, yêu bộ lông rực rỡ của chích chòe, yêu tấm thân có vẻ kiêu kỳ của chú chào mào. Chẳng cần phải nuôi nhốt chim trong lồng như một số người, chỉ cần giữ cho một không gian thật sự thanh khiết, một sự ứng xử dịu dàng, thì ông nội đã có cả kho tiếng chim, mà dường như lúc nào đứng ngắm cây cảnh, tỉa cành, những chú chim cũng tặng ông bản nhạc, giọng hát của chúng.

Mùa Xuân, chim chóc dâng tặng đại gia đình tiếng hót, rộn rịp, như hương như sắc ấm lòng người. Đó thật sự là ngày hội của tiếng chim, những vũ điệu chuyền cành, cảm giác xao xuyến, vui thú. Những cánh chim trong khuôn viên vườn, nhà cổ của đại gia đình đã tạo một điểm nhấn cho góc làng quê xinh xắn thêm đậm đà bản sắc.

Sau này lên Hà Nội học hành, tôi cũng mang theo lời trao truyền của ông. Nó ăn vào từng nếp nghĩ của tôi như một bài học về nhân nghĩa, bài học làm người. Ông tôi là cựu chiến binh, trở về đời thường với những vết thương nhức tấy. Nhưng chính ông lại lạc quan, bảo rằng những tiếng chim thiên nhiên đã giúp xoa dịu những cơn đau cho ông. Ông vẫn kể chuyện chiến trường, kể chuyện chiến tích như một niềm tự hào tuyệt vời của tuổi hai mươi ngày đó… Sau này lên phố, đi qua ngã tư Bà Triệu – Tô Hiến Thành, gặp bà Tim, người bán nước chè thầm lặng, mấy chục năm vãi thóc nuôi bầy chim sẻ, nhiều người thấy lạ, xuýt xoa. Người bảo bà tốt quá. Người khác lại dùng dằng bảo bà hết việc để làm, đã nghèo, sao lại phải đãi bầy chim! Vậy là tôi quyết định hỏi, và bà bảo: Nuôi chúng, bà thấy mình giàu có hơn.

Hóa ra, ông nội tôi với bà Tim, những người thật việc thật, nuôi dưỡng chim trời có chúng ý nghĩ nhân văn, nhờ chim trời để thấy mình no đủ, sống tốt, vơi đau. Đó chẳng phải là sự cộng sinh tuyệt vời lắm hay sao!

Nghĩ về bầu trời, về tiếng chim và đặc biệt là những tiếng chim Xuân, những cánh chim đã làm đẹp bầu trời, tôi vẫn thường ngước lên nhìn những chùm chim bay ngang nóc thành phố. Tôi cũng từng ngóng những cánh én mùa Xuân, những con chim đi trú đông bay từ phương bắc, qua sông Hồng. Rồi những năm qua, ngoài công việc, tôi đã đi tìm ký ức, những vẻ đẹp của thiên nhiên qua những cánh chim. Tôi đi dọc hàng chục cây số sông Hồng để tìm màu xanh của sông, những nơi trú ngụ của chim trời. Theo thời gian cùng với sự vô tình, tre trúc trong khu vực cứ vơi dần. Màu xanh bạt ngàn xưa kia dần dần bị thay thế, sắc diệp lục từng bao trùm lên cả một đoạn sông dài, tương phản với màu ánh bạc uốn cong cong của dòng nước chảy gần như cạn kiệt. Có lúc tôi cảm giác, cả một vùng ngoại thành tôi yêu sao bỗng thành xa lạ… Hay thi thoảng trên phố, bắt gặp người ta bày bán chim trời để làm món nhậu, làm cảnh, tạo những "vườn chim” trong khuôn viên các ngôi nhà mà thấy rầu lòng. Dọc đường Hoàng Hoa Thám có hàng chục cửa hàng bán chim trời, nướng chim sẻ bán cho dân uống bia. Đó có phải là nghịch cảnh, sự nhẫn tâm hay có người đã tận diệt loài chim để phục vụ cho thói ích kỷ của mình?

Tôi đã từng yêu sông Hồng, sông Đáy, rồi yêu sông Nhuệ, sông Tích… Tôi học ông nội và những người đồng đội của ông năm xưa còn sống nơi quê, yêu cả nhánh sông Hồng nhỏ bé, được người dân tôi trìu mến gọi là sông Nhà Mình. Và khi yêu sông, tôi yêu những cánh chim. Bãi sông Nhà Mình vùng ngoại ô, xưa nổi tiếng vì màu xanh của tre trúc và dong. Hơn thế còn là nơi hiện diện của các loài chim. Ông nội từng bảo: Đất lành chim đậu. Làng ta vì yêu thiên nhiên, đức hạnh nên được ban cho trái tim hiếu học. Nghề học của ta cứ thế mà gìn giữ, đời này nối đời kia. Thiên nhiên vốn rộng lượng và trong trẻo. Thiên nhiên cần con người đối xử công bằng.

Ngẫm nghĩ về lời ông, tôi cũng nghĩ về những cái giả, như núi giả, cây giả. Người ta có thể đã hủy hoại cả thiên nhiên chung, những không gian đẹp thật, để rồi lại bỏ tiền tạo cho mình những hòn non bộ giả, với cả chim chóc được nhốt trong lồng. Càng mùa Xuân thì họ càng làm cho không gian ấy lung linh, rực rỡ. Thậm chí cả một vườn chim chóc trong nhà, được nuôi nhốt trong những chiếc lồng sang trọng. Nhưng như vậy đâu đã tốt. Đó đâu phải thiên nhiên. Đó là sự gượng ép.

Chiến tranh đã lùi xa. Tiếng bom đạn đã tắt. Mùa Xuân năm nào cũng trở về. Mùa Xuân nuôi dưỡng khát vọng và bình yên. Những người như ông nội tôi, như các đồng đội ông, những người lính Bộ đội Cụ Hồ đã đổ máu, bảo vệ hòa bình độc lập, bảo vệ những mùa Xuân trên mảnh đất này. Vậy hà cớ gì, chúng ta không thể bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ sự trong ngần cho những tiếng chim Xuân?!

 

                         TheoNhandan

Các tin khác


Say đắm khèn Mông

(HBĐT) - Mỗi khi tiếng khèn ngân lên thì già, trẻ, gái, trai khắp bản chẳng thể ngồi yên mà tưng bừng nhảy múa theo nhịp điệu khèn. Say đắm đến vậy nên khèn Mông không thể thiếu trong đời sống của người dân 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu).

Đón tết cùng người Tày Đà Bắc

(HBĐT) - Ngược lên rẻo cao Đà Bắc theo con đường 433 quanh co, trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà sàn gỗ, lợp lá cọ. Vành khăn hồng, chiếc áo ngắn trắng cùng nụ cười răng đen của các bà, các mế cho chúng tôi biết rằng mình đã đặt chân đến mảnh đất sinh sống của bà con dân tộc Tày, huyện Đà Bắc. Tạm gác lại những công việc thường ngày, bà con đang phấn khởi dọn dẹn nhà cửa đón Tết. Hòa nhịp với cuộc sống mới, đời sống người Tày đã có nhiều đổi thay nhưng bản sắc văn hóa dân tộc, phong tục tập quán, nhất là cái Tết của người Tày thì vẫn còn được giữ khá nguyên vẹn.

Xuân trên những nẻo đường Tây Bắc

(HBĐT) - Nhiều người chia sẻ: Tây Bắc vốn đã đẹp thì vào mùa nào cũng đẹp. Nhưng đặc biệt vào mùa xuân, ai đã trót yêu thì đừng lỗi hẹn với Tây Bắc. Bởi, vẫn một Tây Bắc hùng vĩ và khoáng đạt như vốn thế, nhưng tiết xuân khiến vùng đất ấy vừa như được vuốt ve để trở nên lãng mạn và tinh tế hơn, vừa như được trút thêm men say để trở nên thật thăng hoa, thú vị. Vậy nên, ngay trong mùa xuân này, xin đừng ngần ngại, hãy đi theo tiếng gọi của mùa xuân và có những trải nghiệm tuyệt vời trên những nẻo đường Tây Bắc.

Tự hào bản sắc dân tộc Mường trong không gian văn hóa Việt

(HBĐT) - Cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 40 km đi về phía đại lộ Thăng Long, Làng Văn hóa - Du lịch (VH- DL) các dân tộc Việt Nam từ lâu đã trở thành "ngôi nhà chung” rộng lớn và quần tụ của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S. Trong không gian văn hóa có một không hai đó của cả nước, không gian văn hóa dân tộc Mường đã thể hiện vẹn nguyên những giá trị độc đáo nhất, đáng tự hào nhất, mang đậm hơi thở của đất và người với tinh thần "hòa nhập chứ không hòa tan”, góp phần tạo nên một cộng đồng đặc sắc cùng mang dòng máu Việt.

Đặc sắc làn điệu páo dung của “người ở rừng”

(HBĐT) - Trong những chuyến công tác về các bản Dao, chúng tôi luôn bị cuốn hút bởi con người chân chất, khéo tay, hay nói cười. Ấn tượng hơn cả là các bản làng này thường nằm trong khu rừng trù phú. Thế nên, nhiều người vẫn ví von gọi họ với cái tên "người ở rừng”, ý nói về nơi sinh sống cũng như ý thức bảo vệ rừng của đồng bào Dao. Nếu ai đó từng bị mê hoặc bởi những câu hát thường, hát đối của người Mường thì giai điệu, làn điệu Páo Dung của người Dao như một bản nhạc du dương giữa đại ngàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục