(HBĐT) - Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất của Việt Nam, trong dịp này có rất nhiều phong tục truyền thống có ý nghĩa sâu sắc của người Việt diễn ra nhằm cầu mong một năm mới an lành, may mắn, an khang, thịnh vượng. Trong những ngày Tết, các thành viên trong gia đình dù có đi đâu xa cũng đều trở về sum họp bên nhau, cùng nhau thăm hỏi người thân, họ hàng, mừng tuổi, đi lễ đầu năm cầu may mắn...
Cúng ông Công, ông Táo: Theo truyền thống, ngày 23 tháng Chạp âm lịch là ngày ông Công, ông Táo lên thiên đình để báo cáo mọi việc trong nhà của gia chủ với Ngọc Hoàng. Chính vì vậy, tới ngày này các gia đình Việt Nam sẽ dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ, mua cá vàng về cúng để tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Thăm mộ tổ tiên: Bắt đầu từ ngày 23 - 30 tháng Chạp hàng năm, con cháu trong gia đình thường mang hương, hoa quả đến cúng và mời vong linh tổ tiên về nhà ăn Tết với con cháu. Đây là một phong tục phổ biến của người Việt, thể hiện lòng hiếu đạo, thành kính đối với đấng sinh thành và những người đã mất.
Gói bánh chưng: Bánh chưng là món ăn truyền thống có từ thời vua Hùng và không thể thiếu trong những ngày Tết của người Việt cho tới ngày nay. Các gia đình thường gói bánh chưng từ ngày 27- 29 Tết, đây cũng là một món quà biếu ý nghĩa cho họ hàng và bạn bè trong dịp này.
Chơi hoa dịp Tết: Hoa đào miền Bắc, hoa mai miền Nam và cây quất là những cây tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng cho gia đình. Hiện nay, ở Việt Nam còn có thêm rất nhiều loại hoa đẹp khác được người dân ưa thích mua về trang trí trong nhà để chào đón năm mới như hoa lan, hoa ly, hoa cúc, hoa thủy tiên...
Dựng cây nêu: Năm mới một số nơi dựng cây nêu vừa mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, những điều không may mắn, vừa mang ý nghĩa soi đèn để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Cây nêu được dựng từ ngày 23 tháng Chạp đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng.
Chợ Tết: Không giống với những phiên chợ ngày thường, chợ Tết bao giờ cũng đông vui, nhộn nhịp hơn hẳn, mọi người đi chợ không chỉ để mua sắm mà còn để gặp mặt trò chuyện, tận hưởng không khí ngày giáp Tết.
Bày mâm ngũ quả: Mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ tổ tiên là phong tục không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt để cầu mong một năm mới bình an, may mắn, hạnh phúc, an khang, phú quý.
Mâm ngũ quả là mâm quả gồm 5 loại quả khác nhau, nhưng truyền thống văn hóa này ở các miền Bắc, Trung, Nam có những đặc điểm khác nhau.
Làm lễ cúng tổ tiên: Theo phong tục của người Việt Nam, trong mỗi gia đình đều có bàn thờ tổ tiên, tùy vào từng gia đình có cách trang trí và sắp đặt khác nhau.
Đây là việc làm thể hiện giá trị nhân văn, đạo đức, lối sống của người Việt, nhắc nhở con cháu giữ gìn đạo lý gia đình, lối sống uống nước nhớ nguồn, không được quên nguồn gốc tổ tiên.
Đón giao thừa: Đón giao thừa được diễn ra vào thời khắc cuối cùng của năm cũ, bởi vậy hoạt động còn mang ý nghĩa bỏ hết những điều xấu của năm cũ, đón những điều tốt đẹp của năm mới. Lễ cúng giao thừa phải được thực hiện ở ngoài trời.
Hái lộc: Vào đúng thời khắc đêm giao thừa hoặc vào sáng sớm hôm sau, người Việt thường có thói quen đi hái lộc đầu năm với mong muốn mang rước lộc về nhà để đón một năm mới thật nhiều may mắn.
Xông đất đầu năm: Thời khắc giao thừa kết thúc, bước sang một năm mới, gia chủ thường chọn người bước vào nhà mình đầu tiên để xông đất, đó phải là những người hợp tuổi với gia chủ, hiền lành, gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt với mong muốn một năm mới mọi điều thuận lợi, tốt đẹp.
Xuất hành: Vào ngày mùng 1 tháng Giêng, mọi người thường chọn hướng, chọn giờ và các phương tiện để ra khỏi nhà với mong muốn khi bước sang một năm mới tất cả đều thuận lợi, cả năm gặp điều tốt lành.
Chúc Tết và lì xì đầu năm: Nét văn hóa này có từ xa xưa, chúc Tết không chỉ là truyền thống mà còn là nét đẹp văn hóa trong ngày Tết, vào ngày mùng 1 tháng Giêng đầu năm mọi người trong gia đình thường cùng nhau chúc Tết bên nội, bên ngoại. Lì xì không quan trọng ít hay nhiều mà nó tượng trưng cho tài lộc, cho sự may mắn của cả người cho lẫn người nhận.
Lễ chùa đầu năm: Đi lễ chùa đầu năm được coi là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt Nam, đầu năm đi chùa với mong muốn cầu cho một năm mới may mắn, hạnh phúc, đồng thời tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với Đức Phật, tổ tiên.
Xin chữ đầu năm: Đầu xuân năm mới mọi người rủ nhau đi xin chữ đầu xuân về treo trong nhà với mong muốn cầu cho những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình, người thân của mình. Mỗi người xin một chữ khác nhau nhưng tất cả đều mong một năm mới vạn điều mới, mọi sự tốt lành...
Tết là mở đầu của một năm mới, bởi vậy ai cũng mong mình sẽ đạt được những điều may mắn trong năm tới, do đó có những phong tục ngày Tết dường như đã ăn sâu bám rễ trong đời sống người Việt, trở thành một phần không thể thiếu, thành một thói quen trong văn hóa của người Việt cũng chính là truyền thống tốt đẹp mà mọi người cần trân trọng và làm theo.
C.B (ST)
(HBĐT) - Nói đến nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông tại xã Pà Cò (Mai Châu) không thể không nhắc đến nghề thủ công truyền thống như nghề dệt thêu thổ cẩm, vẽ sáp ong, nghề rèn, làm giấy… Trong đó, có nhiều nghề truyền thống không chỉ phục vụ hoạt động đời sống sinh hoạt, sản xuất mà còn mang lại nguồn thu đáng kể cho bà cong vùng cao nơi đây.
(HBĐT) - Ngày ấy, cách nay hơn 30 năm, cứ gọi chung là thời bao cấp, trên các phố của Hà Nội và một số thành phố, thị xã miền Bắc như Hải Phòng, Nam Định, Hòa Bình… hay gặp tấm biển, thường là làm bằng bìa cactong: Nhận làm quy-gai-xốp!
(HBĐT) - Không ở đâu, Tết đến sớm như ở các vùng trồng hoa. Bởi trước Tết vài tháng, các vùng này đã nhộn nhịp vào vụ trồng hoa bán Tết. Từng cây hoa được chăm sóc, nâng niu cẩn thận để sao cho hoa tươi thắm, rược rỡ nhất. Chúng tôi có cơ hội dạo quanh những vùng trồng hoa và các cửa hàng bán hoa để cảm nhận không khí sôi động mà đằm thắm đó…
(HBĐT) - Chỉ còn 1 tuần nữa, cả nước sẽ đón chào năm mới Canh Tý 2020. Trong những ngày này, trên các nẻo đường của vùng đất cổ Mường Bi (Tân Lạc) không khí đón Tết đã ngập tràn. Công tác chuẩn bị cho năm mới diễn ra sôi động và ấm áp.
(HBĐT) - Màu vàng nâu tựa hổ phách. Sóng sánh như mật. Thơm ngọt lạ như loài hoa lan nơi rừng sâu... Dù không phải là người thích uống rượu nhưng chỉ qua vài nét phác thảo sơ sơ của ông Hà Văn Phời, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tân Pheo (Đà Bắc) về loại "rượu trời” mà người dân may mắn có được từ những chuyến đi rừng, chúng tôi đã cảm giác như say trong hương nồng của thứ rượu quý...