(HBĐT) - Nền văn hóa Hòa Bình nói chung và văn hóa các dân tộc Mường nói riêng giống như một cuốn sách quý để đọc, để học và để khám phá những điều mới mẻ vốn bị lớp bụi thời gian phủ mờ. Trong niềm đam mê bất tận với văn hóa dân tộc, họ là những người đi khơi lại dòng chảy vốn đã bị lãng quên...




Nghệ nhân Bùi Huy Vọng, đưa hiện vật, cổ vật vào lý giải, biện luận trong những công trình nghiên cứu góp phần gìn giữ, phát huy nền văn hóa dân tộc Mường.

1. Người đầu tiên tôi muốn kể, đó là nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng ở xóm Bưng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn). Vốn là người ngoại đạo. Nhưng với niềm đam mê văn hóa cổ, truyền thống của dân tộc mình, nghệ nhân Bùi Huy Vọng đã dấn thân đi trên những con đường mà chưa có ai từng đi. Hơn 20 năm qua, với hơn 20 cuốn sách, công trình nghiên cứu, khảo cứu về nền văn hóa dân tộc Mường gắn với nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng thế giới, nghệ nhân Bùi Huy Vọng đã đi vào từng "ngóc ngách” cuộc sống người Mường. Nhưng ít người biết được, để có được kiến thức uyên thâm, hiểu biết sâu sắc về nền văn hóa dân tộc, nghệ nhân Bùi Huy Vọng đã có những chuyến điền dã nhiều ngày tới các vùng thôn, xóm, nơi còn lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Hơn cả, ở đây anh tìm được cho mình những thứ cần tìm vốn bị lớp bụi thời gian làm cho lãng quên. Đó chính là những hiện vật, cổ vật hàng trăm năm tuổi được cất giữ như những bảo vật truyền đời của các dòng họ; hiện vật được chôn trong những ngôi mộ cổ. "Chính nhờ những cổ vật đó làm cho những hiện vật lịch sử nói lên tiếng nói của mình mà mình đã thu lượm được nhiều thông tin quý giá về phong tục, đời sống của xã hội xưa cũ của người Mường” - nghệ nhân Bùi Huy Vọng chia sẻ.

          Đặc biệt, chính từ sự đam mê đó, nghệ nhân Bùi Huy Vọng từ chỗ là một người ngoại đạo đã dần trở thành một trong những chuyên gia về đồ cổ. Đặc biệt là đồ gốm cổ. Từ những chuyến đi điền dã, ngoài việc thu lượm cho mình một vốn kiến thức đồ sộ anh còn lưu giữ cho riêng mình hàng trăm hiện vật gốm cổ, cả những thứ có niên đại từ thời Lý, Trần, Lê. "Giờ nhìn vào hiện vật cổ, những chiếc bát gốm, sứ mình đều có thể "đọc”, biết được niên đại cũng như giá trị lịch sử của chúng” - anh chia sẻ. Như chiếc bát men cổ gốm hoa chanh được anh tìm thấy do những người đi đào trộm mộ thấy không còn nguyên vẹn nên bỏ lại. Chiếc bát gốm này có nước men rạn đặc trưng, loại men được phủ lên là loại men hoa chanh mà sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, tìm tòi, chưa một nghệ nhân làm gốm nào có thể tái hiện được loại men này. 



Chị Nguyễn Thị Thi (đứng ngoài bên trái) - người góp phần đưa những giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh Hòa Bình tỏa sáng tại vùng đất Phố Hiến (Hưng Yên) đầu năm 2019.

 Những hiểu biết về giá trị văn hóa từ những hiện vật cổ đều được nghệ nhân Bùi Huy Vọng đưa vào lý giải, biện luận trong những công trình nghiên cứu của mình. Các công trình này đều có giá trị thực tiễn to lớn trong việc góp phần gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc Mường - nền văn hóa giàu bản sắc truyền thống,  nền văn hóa mang giá trị cốt lõi để hình thành nên nền văn hóa nổi tiếng thế giới: văn hóa Hòa Bình. Ghi nhận sự đóng góp này, nghệ nhân Bùi Huy Vọng đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú.

 2. Người thứ hai tôi muốn nói đến với sự khâm phục, ngưỡng mộ là chị Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh. Mỗi lần gặp chị tôi đều bị cuốn hút bởi sự uyên thâm, hiểu biết về giá trị văn hóa cổ của đất Mường, về những cổ vật mà nói đến nó là nói đến cả một kho tàng tri thức, những giá trị đặc trưng vốn chỉ tìm thấy ở vùng đất xứ Mường này. Với chị, tôi không chỉ ấn tượng về một phong thái làm việc chuyên nghiệp, kiên trì, tỉ mỉ, tận tâm, tận lực như một chuyên gia đích thực. Mà tôi còn nể phục chị ở suy nghĩ dám dấn thân, dám đi tới tận cùng của sự đam mê. Không phải là người Mường, cũng không sinh ra và lớn lên ở đất Mường. Nhưng sau khi tốt nghiệp đại học chị lại quyết định chọn xứ Mường là điểm đến. Cho đến bây giờ, sau nhiều năm gắn bó với xứ Mường Hòa Bình, chị vẫn luôn khẳng định: đó là một lựa chọn, một quyết định đúng. Bởi "ở đây mình được sống với đúng niềm đam mê hoài cổ, đam mê khám phá” - chị chia sẻ.

Chẳng thế mà trong suốt hơn 20 năm công tác tại Bảo tàng Hòa Bình, chưa có một cuộc khảo cứu, một đợt đào thám sát, khai quật các di chỉ khảo cổ hay những chuyến điền dã tìm hiểu về văn hóa, đời sống đồng bào dân tộc ở Hòa Bình dù lớn hay nhỏ do Bảo tàng tỉnh tổ chức, hoặc phối hợp với các viện nghiên cứu, chuyên gia khảo cổ thực hiện lại vắng chị. Còn nhớ năm 2010, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á tổ chức đợt khai quật khảo cổ tại hang xóm Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn) với quy mô lớn. Trong suốt thời gian tiến hành khai quật tại di chỉ trên, chị đã làm cho các chuyên gia hàng đầu ở Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á phải ngạc nhiên, thán phục về trình độ, kiến thức, kỹ năng thực hành và sự bền bỉ, tỉ mẩn, kiên nhẫn. Chị cùng các chuyên gia khảo cổ đã phát hiện ra lối mòn của người Việt cổ cư trú trong hang Trại cách ngày nay khoảng 22 nghìn năm. Phát hiện quan trọng đó đã khẳng định vùng đất Hòa Bình là một trong những cái nôi của người Việt cổ từ hàng chục nghìn năm trước. Không chỉ phát hiện ra lối mòn của người Việt cổ, chị cùng các chuyên gia khảo cổ đã phát hiện, thu thập hàng nghìn mẫu vật là những dụng cụ lao động trải dài từ thời đại đồ đá cũ sang thời đại đồ đá mới đến các tầng văn hóa đan xen mang những đặc trưng của nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng.

Ngoài lần đó, chị còn để lại ấn tượng mạnh với chúng tôi vê niềm đam mê khám phá những hiện vật, di chỉ khảo cổ. Chẳng ai có thể nghĩ người phụ nữ mảnh mai ấy lại dám liều mình bám theo những vách đá cheo leo để leo lên ngọn núi Sáng, xã Cao Răm (Lương Sơn), xuống sâu cả chục mét hang tối để tiếp cận với bộ di cốt đười ươi hóa thạch hàng nghìn năm trước sự ái ngại, rồi khâm phục của những đồng nghiệp, nhà khảo cổ dạn dày kinh nghiệm. Phát hiện đó đã gây chấn động giới khảo cổ trong nước và thế giới, làm thay đổi quan điểm của giới khoa học về nguồn gốc, sự phát triển, tồn tại của loài đười ươi ở Việt Nam và các khu vực khác trên thế giới. Bộ di cốt đười ươi còn nguyên vẹn được phát hiện tại hang núi Sáng đã trở thành "viên kim cương" của ngành khảo cổ học Việt Nam nói riêng và ngành khảo cổ học thế giới nói chung. Các nhà khoa học trong và ngoài nước đều nhất trí cho rằng, đây là một phát hiện khảo cổ học đặc biệt quan trọng. Lần đầu tiên ở Việt Nam tìm thấy di cốt hóa thạch khá hoàn chỉnh và nguyên vẹn của một loài động vật quý hiếm trên thế giới. 

Không chỉ là người xông xáo trong lĩnh vực nghiên cứu, khảo cổ, những năm qua, với cương vị là Giám đốc Bảo tàng tỉnh, chị đã góp phần đưa văn hóa dân tộc Mường, văn hóa Hòa Bình tỏa sáng tại nhiều địa phương trong cả nước. Mới đây nhất, vào đầu năm 2019 chị đã đưa 400 hiện vật, di sản văn hóa dân tộc Mường về với vùng đất Phố Hiến (Hưng Yên), gồm nhiều hiện vật trong lĩnh vực kiến trúc nhà sàn, trang phục truyền thống, văn hóa ẩm thực, lễ hội tín ngưỡng, nhiều cổ vật như trống đồng, chiêng đồng, đồ cổ mộ Mường... đến với công chúng. Hiện tại, Bảo tàng tỉnh lưu giữ hơn 11.000 hiện vật, với nhiều sưu tập hiện vật quý hiếm như: 69 trống đồng, 95 hiện vật đồ đồng (cồng chiêng, xanh, rìu...), 977 hiện vật gốm cổ, 8.803 hiện vật đá thuộc nền văn hoá Hoà Bình... Các giá trị hiện vật đều được lưu giữ, bảo quản trong tình trạng tốt nhất và được phát huy trong đời sống. Có được điều đó không thể không kể đến công sức, đóng góp của chị trên cương vị người đứng đầu - Giám đốc Bảo tàng tỉnh.


     
 Vũ Phong

Các tin khác


Xuân bình yên nơi cửa Phật

(HBĐT) - Đối với Phật tử, mùa xuân là lúc thích hợp để hành hương, chiêm bái các chùa chiền tự viện khắp trên ba miền đất nước. Còn đối với tín ngưỡng dân gian, ngày xuân không thể thiếu việc đến chùa để xin phước lộc, cầu bình an. Trong sắc xuân rực rỡ, nắng xuân ấm áp, cửa chùa bình yên, thoảng hương trầm tịnh mặc luôn rộng mở đón Phật tử, người dân, du khách đến vãn cảnh, cầu bình an.

Xem tranh Đông Hồ “Đám cưới chuột” nhân năm Canh Tý

Trong các dòng tranh dân gian Việt Nam như Hàng Trống (Hà Nội), Làng Sình (Huế), Kim Hoàng (Hà Nội) thì tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) là khá phổ biến từng được in ấn, phát hành rộng rãi trong cả nước mỗi dịp đón Tết, vui Xuân. Sở dĩ như vậy bởi dòng tranh này phong phú, đa dạng về nội dung, điêu luyện về cách thức biểu đạt. Bên cạnh nhiều bức tranh hạnh phúc: đàn lợn, đàn gà, trâu, cá,… còn có những bức tranh có hàm ý hai mặt vừa trào phúng, vui nhộn vừa có tính châm biếm hài hước, đả kích, triết lý sâu sắc về mối quan hệ nhân - quả, thiện - ác như tranh "Đánh ghen”, "Hứng dừa”,... trong đó "Đám cưới chuột” là một điển hình.

Độc đáo các nghề truyền thống của dân tộc Mông

(HBĐT) - Nói đến nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông tại xã Pà Cò (Mai Châu) không thể không nhắc đến nghề thủ công truyền thống như nghề dệt thêu thổ cẩm, vẽ sáp ong, nghề rèn, làm giấy… Trong đó, có nhiều nghề truyền thống không chỉ phục vụ hoạt động đời sống sinh hoạt, sản xuất mà còn mang lại nguồn thu đáng kể cho bà cong vùng cao nơi đây.

Một chuyện Tết xưa

(HBĐT) - Ngày ấy, cách nay hơn 30 năm, cứ gọi chung là thời bao cấp, trên các phố của Hà Nội và một số thành phố, thị xã miền Bắc như Hải Phòng, Nam Định, Hòa Bình… hay gặp tấm biển, thường là làm bằng bìa cactong: Nhận làm quy-gai-xốp! 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục