(HBĐT) - Từ xa xưa, người Mường coi cây mía là cây quý, thiêng và có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống tinh thần. Trong các nghi lễ quan trọng như Tết, lễ dựng vợ, gả chồng, lễ cúng mụ cho trẻ mới sinh, cây mía được người Mường sử dụng như một kiểu "cờ” hay vật phẩm dâng cúng không thể thiếu.


Năm 2022, người trồng mía trong tỉnh phấn khởi vì mía tím được giá, mang lại nguồn thu đáng kể. Ảnh: Nông dân xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) thu hoạch mía.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn), truyền thuyết về cây mía được người Mường truyền tụng như sau: Ngày xưa, ở xứ Mường có con Moi (muỗi) khổng lồ, độc ác. Hàng năm, dân Mường phải cắt người đến nộp mạng cho con Moi ăn thịt. Năm ấy đến lượt hai chị em Côi. Hai chị em rất yêu thương nhau, ai nấy đều nhận phần chết về mình cho người kia được sống. Cuối cùng, hai chị em quyết định cùng đi đến hang Moi để con quái vật thích ăn ai tuỳ thích. Tháng chạp rét buốt, trước cửa hang có đống bã mía của những người đi chết trước ăn bỏ lại. Chị em Côi cũng bẻ những cây mía mọc hoang cạnh đó ăn chờ Moi ra. Trời rét quá, vừa ăn mía hai chị em Côi vừa vun bã mía lại nhóm lửa đốt để sưởi, khói bốc lên nghi ngút, khói tuôn vào hang làm con quái vật sặc mà chết. Từ đó, dân Mường rất biết ơn hai chị em Côi và cây mía. Cây mía trở thành biểu tượng cho tình yêu thương của chị em Côi và giữ vai trò quan trọng trong đời sống của người Mường.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, từng gia đình người Mường tỉ mỉ lựa chọn đôi cây mía to, thẳng, dóng dài, lá xanh tốt để trưng ngày Tết. Tại các chợ phiên ở vùng Lạc Sơn, Tân Lạc, Cao Phong, Kim Bôi, mía được bó thành từng đôi để bà con lựa chọn.

Chúng tôi có dịp gặp cụ Bùi Văn Dực, xóm Vó Trên, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn), cụ Dực cho biết: Trước kia, cây mía chưa trở thành hàng hóa như ngày nay thì hầu như mọi gia đình người Mường đều trồng một vài khóm trong vườn… Mỗi khi Tết đến, cùng với cành đào, xôi, thịt, hầu như nhà nào cũng chuẩn bị đôi cây mía đẹp, to, thẳng, buộc sóng đôi, vạt bỏ bớt lá ở phần ngọn. Đôi cây mía được buộc dựng vào cột cái nhà sàn hay bắc từ đòn tay hiên phía trên nhà sàn lên đòn tay cái bên dưới mái nhà. Người Mường quan niệm, vào ngày Tết trưng đôi cây mía để lấy may, mong cho năm mới an lành, mọi người khỏe mạnh, hạnh phúc, vạn vật sinh sôi. Bởi vì, trong tự nhiên, cây mía có sức sống mãnh liệt, được trồng bằng ngọn và các đốt. Khi bị đổ, cây rạp xuống đất, trên các đốt sinh ra một chồi khác, rễ từ quanh đốt mọc ra, ăn xuống đất, từ đây một cây mía khác lại mọc lên.

Không chỉ là cây linh thiêng trong ngày Tết cổ truyền, cây mía còn gắn bó với con người từ lúc lọt lòng. Khi đứa trẻ trong gia đình được sinh ra, sau ba ngày sẽ được cúng mụ và sắm một chiếc "Nạ mụ” (vỉ tre đan cuốn bán nguyệt, cắm vào đó một ngọn mía, đó là cái võng cho vía trẻ), rồi cắm chiếc "Nạ mụ” lên mái nhà. Chiếc "Nạ mụ” chính là vật để linh hồn đứa trẻ trú ngụ.

Trong lễ dựng vợ, gả chồng đều có đôi cây mía được buộc song song để nguyên ngọn, vác dẫn đầu đoàn nhà trai đi đón dâu hay đoàn nhà gái đưa dâu về nhà chồng. Cây mía chính là vật để linh hồn người trú ngụ và đi theo. Nếu là nữ đi làm dâu thì linh hồn sẽ theo về bên nhà chồng trú ngụ, nếu là đàn ông ở rể thì linh hồn cũng theo cây mía về bên nhà vợ trú ngụ. Từ vị ngọt và đặc tính sinh trưởng mãnh liệt, người Mường coi cây mía là biểu tượng cho sự ngọt ngào của tình yêu đôi lứa, của tín ngưỡng phồn thực. Trong lời cầu phúc cho đôi vợ chồng mới cưới cũng như chúc phúc cho gia đình, người Mường thường chúc mạnh khỏe, hạnh phúc, mãi yêu thương nhau và chúc đôi vợ chồng sinh con đàn, chín con trai, mười con gái, cấy hái đầy đồng, nói rộng ra là nòi giống sinh sôi.

Với ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần, theo thời gian, người Mường Hòa Bình luôn giữ gìn những giá trị văn hóa linh thiêng của cây mía, đồng thời mở rộng diện tích trồng mía để xây dựng thương hiệu mía tím Hòa Bình. Từ những khóm mía trồng trước sân nhà, giờ đây, mía trở thành cây trồng chủ lực, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo. Mía tím Hòa Bình ngọt thơm, mềm, dóng dài, được người tiêu dùng khắp cả nước ưa chuộng. Tết Quý Mão năm nay, bà con trồng mía được đón Tết sung túc nhờ những vườn mía bội thu. Tại vùng trồng mía Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn, niên vụ 2021 - 2022, mía tím được bán tại vườn với giá 9 - 10 nghìn đồng/cây. Đây là mức cao so với giá bán trong nhiều năm trở lại đây; thu nhập bình quân từ trồng mía đạt 200 - 250 triệu đồng/ha. Sản phẩm mía tím được xuất khẩu từ năm 2019.


Thu Thủy


Các tin khác


Lịch tre - khẳng định sự trường tồn của tri thức dân tộc Mường

(HBĐT) - Di sản tri thức dân gian lịch tre (lịch Đoi/Roi) có vai trò đặc biệt trong cuộc sống của người dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh. Tất cả mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt thường ngày, phong tục, nghi lễ, lễ hội của cộng đồng, những việc quan trọng của mỗi người... đều dựa vào cách tính cát hung của bộ lịch tre. Việc đưa di sản văn hóa lịch tre vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cho thấy sự ghi nhận đây là một tài sản văn hóa quý giá mang tầm cỡ quốc gia, góp phần quan trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong cuộc sống hôm nay.

“Cơm Mường Vó, lọ Mường Vang…”

(HBĐT) - Được xem là vùng lõi văn hoá Mường, người Mường huyện Lạc Sơn luôn tự hào về câu ca "Cơm Mường Vó, lọ Mường Vang, Thường rang mường Búm Khói”, ý nói về sự thịnh vượng, no đủ. Nhiều nét văn hoá nổi bật như: nhà sàn, trang phục, ẩm thực, ngôn ngữ, các lễ hội văn hoá truyền thống, Mo Mường, Chiêng Mường, các làn điệu dân ca… được lưu truyền đến ngày nay.

Thắng cố - độc đáo món ăn Tây Bắc

(HBĐT) - Về với vùng Tây Bắc, du khách không chỉ được đắm chìm vào cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sản, hấp dẫn. Thắng cố là một trong những món ăn truyền thống vào các dịp lễ, Tết của người dân tộc. Tiết trời xuân se lạnh, nhâm nhi chén rượu ngô bên nồi thắng cố với bạn bè thì không gì sánh bằng.

Hương vị bánh chưng xưa trên mâm cơm ngày Tết

(HBĐT) - Ngày Tết, trong mâm cơm của mỗi gia đình không thể thiếu chiếc bánh chưng xanh. Những nồi bánh chưng đêm giao thừa trở thành nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền Việt Nam.

Tản mạn về văn hoá ẩm thực

(HBĐT) - Chị không nhớ đã bao lần về Hoà Bình để rong ruổi khắp các bản làng chụp những bức ảnh đẹp và tìm hiểu về văn hoá, cuộc sống của người Mường Hoà Bình. Đã có nhiều bài viết, bức ảnh chứa đựng những cảm xúc đặc biệt về vùng đất, con người nơi đây. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất đối với chị - người đồng nghiệp của tôi từ Hà Nội về lại là văn hoá ẩm thực của người Mường Hoà Bình. Và đó là lý do để chị em tôi lại tiếp tục hành trình du xuân đất Mường với văn hoá ẩm thực trong những ngày xuân...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục