Âm thanh khèn bè réo rắt, điệu khắp Thái ngân vang cùng tiếng chiêng, tiếng trống dồn dập thay lời mời gọi người dân và du khách đến với lễ hội Xên Mườngcủa đồng bào dân tộc Thái huyện Mai Châu. Năm Giáp Thìn – 2024, lễ hội Xên Mường được tổ chức quy mô cấp huyện. Đặc sắc hơn bởi trong không gian của lễ hội đã diễn ra sự kiện đón bằng chứng nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia tập quán xã hội và tín ngưỡng Keng loóng. 



Người dân xã Tòng Đậu trình diễn Keng loóng trong không gian lễ hội Xên Mường.

Đã thành điểm hẹn mùa Xuân, lễ hội Xên Mường tổ chức ở xã Chiềng Châu, nơi được coi là thủ phủ đầu tiên, điểm phát tích của người Thái Thiên di cư từ Bắc Hà (Lào Cai) về mảnh đất Mai Châu hoang sơ vào thế kỷ XIII. Trải qua biến cố lịch sử, các thế hệ chúa đất người Thái đã có công lao to lớn trong việc cùng với muôn dân khai khẩn đất đai lập nên bản, nên mường.

Trải qua biến cố lịch sử, các thế hệ chúa đất người Thái đã có công lao to lớn trong việc cùng với muôn dân khai khẩn đất đai lập nên bản, nên mường. Chính họ đã tín nghĩa trung quân, đồng lòng, đồng sức sát cánh cùng với vua chúa người Kinh kỳ đánh bại giặc xâm lăng. Vào thời nhà Lê, chúa Thái Mai Châu lập công xuất sắc chống giặc phương Bắc được vua Lê trọng thưởng phong danh "Tước hầu đại tư khấu trúc trung hầu”, người ta gọi ông là Tướng Sứ. Ở xã Chiềng Châu – Chiềng Chu xưa còn hằn chứng tích khu rừng thiêng Mỏ Cuông có Đán Cậc sừng sững thần kỳ như một tấm bảng hoá phép màu nhiệm treo cao để chỉ tài mưu lược dùng cung tên thi bắn vào vách đá, ai thua cuộc thì phải chạy, làm kẻ địch hồn xiêu vía lạc nhường chỗ cho phe thắng cuộc.

Từ sáng sớm, đền Làng Bôn, xã Chiềng Châu đã có rất đông người dân và du khách đến dâng hương. Trước đó, thầy mo thực hiện nghi lễ cúng, mời ngài Làng Bôn cùng các tướng sứ về dự lễ, thụ hưởng những lễ vật dân làng thành tâm dâng lên, về chỗ nơi tổ chức Xên Mường. Lời mo ngợi ca khí phách yêu nước, thể hiện tấm lòng tôn kính tri ân tưởng nhớ công lao to lớn mong dâng lên các vị nhân thần tiền bối, cầu cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, người người ăn nên làm ra, bản mường no ấm, gia đình hạnh phúc, đất nước vinh hoa phồn thịnh, cầu hồn thiêng sông núi, hồn thiêng của ông Tướng Sứ, cùng những hoà trưởng "cháu Sừn, cháu Xứa” về đây chứng giám, phù hộ độ trì cho cháu chắt hậu duệ hiện tại và tương lai đạt được ước nguyện muôn phần.

Theo đồng chí Hoàng Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, lễ hội Xên Mường là lễ hội dân gian truyền thống, nét sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng rất quan trọng đối với cộng đồng dân cư trong địa bàn huyện. Đồng thời, thông qua việc tổ chức lễ hội nhằm tôn vinh bản sắc văn hoá dân tộc, tăng cường quảng bá, giới thiệu lịch sử và tiềm năng văn hoá, du lịch địa phương, góp phần xây dựng đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn.

Sau tiếng trống khai hội, màn nghệ thuật "Lễ hội Xên Mường" đã đưa người dân và du khách tìm về cội nguồn của đồng bào Thái Mai Châu qua việc tái hiện quá trình tìm kiếm khai khẩn đất đai, mở mang ruộng đồng, lập bản, lập mường trên vùng đất hoang vu; tái hiện bức tranh Mai Châu ngày nay trở thành một địa danh nổi tiếng với thung lũng mường Mùn mượt mà, xanh tốt, uốn lượn như dải lụa bay, những bản làng quần tụ bởi nếp nhà sàn xinh xắn, khói lam chiều yên ả. Bà Hà Thị Chanh, xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu xúc động cho biết: Tôi chưa bao giờ được xem một chương trình văn hoá nghệ thuật đậm đà bản sắc đến vậy. Qua những áng sử thi, trường ca, truyện cổ, làn điệu dân ca, lễ hội truyền thống, tôi cảm nhận nhiều cái hay, cái đẹp, giúp mỗi người dân thêm yêu, tự hào về mảnh đất quê hương.

Bên cạnh chương trình nghệ thuật trình diễn Keng loóng đặc sắc, không gian lễ hội Xên Mường càng thêm sôi động với các hoạt động phần hội: hội thi trình diễn trang phục dân tộc và giao lưu văn nghệ; hội thi ẩm thực, thi các môn thể thao dân tộc… Khi tiếng chiêng, tiếng trống vang lên là lúc nhiều trò chơi, múa hát dân gian hấp dẫn như: đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co được bắt đầu. Trong thời gian diễn ra, hàng nghìn du khách trong nước, quốc tế đã đến trải nghiệm và khám phá. Anh Nguyễn Hải Quang, du khách Hà Nội hào hứng chia sẻ: Lễ hội Xên Mường để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong tôi. Điệu Keng loóng vui nhộn, những điệu múa xoè, câu hát khắp, trò chơi dân gian tạo nên không gian sống động của ngày hội cộng đồng. Tôi mong sẽ có nhiều dịp trở lại Mai Châu để trải nghiệm nhiều hơn nét đẹp truyền thống, những di sản văn hoá tốt đẹp được người dân nỗ lực phát huy, gìn giữ.


Bùi Minh

Các tin khác


Tuần lễ văn hóa xã Yên Trị năm 2024

Từ ngày 21 - 25/2 (tức 12 - 16 tháng Giêng), xã Yên Trị (Yên Thủy) tổ chức Tuần lễ văn hóa mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024 với chuỗi hoạt động, sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, lễ hội ẩm thực. 

Lan tỏa phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Trong những năm qua, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai rộng khắp. Gắn kết với nhiều cuộc vận động, phong trào và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, qua đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh.

Huyện Kim Bôi siết chặt quản lý lễ hội đầu năm

Nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và tâm linh của người dân trong dịp đầu Xuân, huyện Kim Bôi đã xây dựng kế hoạch chi tiết, đảm bảo các lễ hội được tổ chức tôn nghiêm và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thực phẩm. Qua đó góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nét đẹp trong đời sống, tín ngưỡng của nhân dân.

Huyện Kim Bôi phát động Tết trồng cây Xuân Giáp Thìn 

Ngày 20/2, tại xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi tổ chức lễ phát động Tết trồng cây "đời đời nhớ ơn Bác Hồ" xuân Giáp Thìn 2024. 

Huyện Mai Châu đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Keng loóng và mở hội Xên Mường

Ngày 19/2 (mùng 10 tháng Giêng), UBND huyện Mai Châu tổ chức lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) quốc gia Keng loóng và lễ hội Xên Mường. Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL; Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các ban, sở, ngành, các huyện, thành phố; đại biểu các huyện thuộc các tỉnh: Thanh Hóa, Sơn La, Nam Định, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình cùng đông đảo du khách và người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục