Đường Lê Hồng Phong TP Hải Phòng
"Tháng 5 rợp trời hoa phượng đỏ, ơi Hải Phòng thành phố quê hương..." Bao tháng năm qua, câu hát mở đầu trong ca khúc "Thành phố Hoa phượng đỏ" thể hiện niềm tự hào của người dân đất Cảng và những người yêu mến mảnh đất này. Ðã qua 55 mùa phượng nở kể từ ngày được giải phóng, Hải Phòng vươn mình đi lên trong mặn mòi, nắng gió và ngày càng phát triển thành đô thị giàu mạnh, hiện đại và văn minh...
Trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, Hải Phòng, mảnh đất nơi cửa biển này luôn gánh vác những sứ mệnh nặng nề, đầy hy sinh gian khổ, nhưng cũng rất vẻ vang. Trong chín năm kháng chiến trường kỳ, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của những con người nơi đây lại ngời sáng qua các chiến công vang dội: Cuộc chiến đấu cảm tử ở Nhà hát thành phố, ở Tiên Lãng chống càn, ở Ðường 5 anh dũng, Ðường 10 quật khởi và trận tập kích sân bay Cát Bi, Sở Dầu góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ. Nhưng khi miền bắc được giải phóng, thì quân và dân Hải Phòng còn phải tiếp tục chiến đấu thêm 300 ngày đêm nữa, một cuộc chiến căng thẳng, quyết liệt, đòi hỏi trí thông minh và lòng dũng cảm để bảo vệ thành phố, làm thất bại âm mưu "hậu chiến" của kẻ thù muốn biến Hải Phòng thành một "thành phố chết". Khi đó, thực dân Pháp vẫn vây ráp, bắt lính, dụ dỗ và cưỡng ép dân, nhất là đồng bào theo đạo Thiên chúa di cư vào nam, phá hoại và tháo dỡ máy móc, tuyên truyền xuyên tạc chính sách của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tổ chức các đảng phái phản động, gài gián điệp, chôn giấu vũ khí nhằm thực hiện mưu đồ trở lại...
Kiên cường, quyết liệt trong đấu tranh và ngày 13-5-1955, bộ đội ta từ các hướng đường 5, tỉnh lỵ Kiến An (quận Kiến An ngày nay), Thủy Nguyên.... rầm rộ tiến vào giải phóng Hải Phòng. Các đường phố thắm mầu phượng đỏ, rực rỡ cờ hoa và tất thảy người dân hân hoan chào đón đoàn quân tiến vào giải phóng. Ðoàn quân viễn chinh Pháp lầm lũi ra cảng xuống tàu về nước, chấm dứt ách thực dân đô hộ gần 100 năm trên đất nước ta. Hải Phòng được giải phóng! Miền bắc đã hoàn toàn giải phóng.
55 năm qua đi, từ hoang tàn, đổ nát của chiến tranh, Hải Phòng nhanh chóng xây dựng và phát triển mạnh mẽ. Vừa khôi phục và phát triển kinh tế, vừa đứng vững nơi tuyến đầu chống chiến tranh phá hoại và phong tỏa bằng không quân, hải quân với mức độ hủy diệt của đế quốc Mỹ và chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền nam, thành phố Cảng đã góp phần cùng cả nước "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Sau 25 năm thực hiện đổi mới, Hải Phòng phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội. Từ trong khó khăn, đói nghèo, mô hình khoán trong nông nghiệp xuất hiện ở Ðoàn Xá (Kiến Thụy) đã thật sự góp một thực tế sinh động để Ðảng và Nhà nước ta xây dựng cơ chế khoán mới trong nông nghiệp - bước đột phá trong thực hiện đổi mới, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp, nông thôn của thành phố và của cả nước phát triển, mở ra những cơ chế mới và thời kỳ đổi mới của nước ta.
Từ một đô thị nhỏ bé chỉ có ba quận Hồng Bàng, Lê Chân và Ngô Quyền, giờ đây Hải Phòng đã mở mang với việc hình thành các quận mới Kiến An, Hải An, Ðồ Sơn, Dương Kinh... "Những Bến Bính, Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Ðất, Lạc Viên..." một thời oanh liệt, giờ thay da, đổi thịt và trở thành những cửa ô khang trang với cơ sở vật chất, hạ tầng đô thị ngày càng văn minh, hiện đại. Hàng loạt các khu đô thị mới, tuyến đường trục, nút giao thông quan trọng được đầu tư xây dựng và mở rộng. Ngay bên dòng sông Cấm, phía huyện Thủy Nguyên, một khu đô thị mới, hiện đại của Vsip (Xin-ga-po) với số vốn hàng tỷ USD trên diện tích 1.500 ha đang được tập trung xây dựng. Khi hoàn tất sẽ tạo vóc dáng hoàn toàn mới cho đô thị Hải Phòng dọc theo đôi bờ sông Cấm. Phía bắc là đô thị mới hiện đại, phía nam là khu đô thị cũ sẽ được nối liền bằng những cây cầu mới liền dải với ngã sáu Máy Tơ và tuyến đường Ngã Năm - sân bay Cát Bi... Cùng với đó là hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị được triển khai như tuyến đường Lạch Tray - Hồ Ðông, nút giao thông Quán Mau, cầu Rào 2... tạo cơ sở hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Ở Bến Nghiêng (Ðồ Sơn), nơi tên lính viễn chinh Pháp cuối cùng rời khỏi Hải Phòng năm xưa, giờ cũng đã là một khu du lịch thơ mộng với bãi biển trải dài trong nắng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn.
Công nghiệp và cảng biển vẫn là những thế mạnh mà Hải Phòng xác định trong phát triển kinh tế. Chỉ tính trong 10 năm qua, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ của Hải Phòng đã chuyển dịch đúng hướng và tăng từ 82% lên 90% trong cơ cấu kinh tế. Hàng loạt các khu, cụm công nghiệp với các nhà máy đồ sộ, ống khói vươn cao được quy hoạch và đi vào hoạt động như khu công nghiệp Nô-mu-ra, Ðình Vũ, Nam Cầu Kiền, Ðồ Sơn, Tràng Duệ, Tân Liên, An Dương... Hải Phòng đã trở thành trung tâm sản xuất da giày, luyện cán thép, đóng tàu, xi-măng... của đất nước. Bao con tàu lớn nhỏ "Ma-de-in Hải Phòng" từ các nhà máy Bạch Ðằng, Nam Triệu, Phà Rừng, Bến Kiền, Sông Cấm... đã lướt sóng ra khơi trên khắp các đại dương. Từ các sản phẩm đơn giản, thông thường như đóng tàu chở hàng khô, xi-măng, công-ten-nơ, khí hóa lỏng đến dầu, hóa chất, các nhà máy đóng tàu Hải Phòng đã khẳng định với thế giới trình độ, kỹ thuật của những người thợ lành nghề khi cho ra đời những chiếc tàu chở hàng 6.300 tấn đến kho nổi chứa xuất dầu 150 nghìn tấn FSO 5... Xi-măng Hải Phòng công suất tới 6 - 7 triệu tấn/năm. Nhiều nhà máy mới với các công nghệ tiên tiến hiện đại được xây dựng như chế biến thủy sản xuất khẩu, sản xuất động cơ tua-bin gió và hơi, nhiệt điện, xơ sợi pô-ly-e-xte...
Phát triển hoạt động dịch vụ cảng biển được Hải Phòng quan tâm và cùng các ngành tập trung đầu tư. Hình ảnh "Bến Sáu kho" với sáu dãy nhà kho xưa không còn nữa, thay vào đó là hệ thống cảng ngày càng được đầu tư trang thiết bị hiện đại, đảm nhận tới 90% sản lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu khu vực phía bắc qua đây. Hiện Hải Phòng có hơn 7.200 m cầu cảng, gấp hơn hai lần thời kỳ trước đổi mới (1987), sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 35 triệu tấn, tăng 11 lần so với thời kỳ trước đổi mới. Tiến ra phía biển, tại các bãi thủy lôi của đế quốc Mỹ phong tỏa trong chiến tranh phá hoại xưa, nay đang được triển khai xây dựng một cảng nước sâu hiện đại, tầm cỡ quốc tế tại Lạch Huyện và sản lượng hàng hóa qua cảng sẽ lên tới 66 triệu tấn vào năm 2020 và 250 triệu tấn vào năm 2030...
Ðã có thời, người Hải Phòng tự hào với "bốn cống, ba cầu", bởi thành phố có rất nhiều sông ngang, dọc và phà là phương tiện qua sông chủ yếu. Nhưng giờ đây, Hải Phòng không còn phà nữa. Từ cầu Niệm, cầu Rào, cầu An Dương trước đây, nay đã có thêm các cây cầu lớn như cầu Bính, cầu Kiền, Tiên Cựu, Quý Cao... và tới đây là cầu Khuể, cầu Rào 2 đang được hoàn tất và sẽ có cả cầu Ðình Vũ - Cát Hải cũng được xây dựng. Ước mơ bao đời của người dân nơi đây đã thành hiện thực. Bên cạnh đó, một loạt các dự án lớn mang tính phát triển chiến lược đang được khẩn trương đẩy nhanh tiến độ: Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; nâng cấp mở rộng sân bay Cát Bi và nghiên cứu xây dựng sân bay quốc tế tại Tiên Lãng; khu kinh tế Ðình Vũ - Cát Hải... Ðây sẽ là những điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Sản xuất phát triển, kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống cũng đổi thay. Tính từ năm 2000 đến nay, Hải Phòng luôn đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 11,1% năm, cao gấp 1,5 lần mức tăng bình quân chung cả nước. Thị trường xuất khẩu mở rộng và tăng nhanh về giá trị, chủng loại sản phẩm với kim ngạch xuất khẩu năm 2010 tăng sáu lần năm 2000. Vốn đầu tư cho phát triển tăng bình quân 19,1%/năm. Thu ngân sách đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 20,2%/năm. Tốc độ phát triển đô thị tăng nhanh với mức bình quân hơn 10% năm... Cùng với phát triển kinh tế, các vấn đề văn hóa, y tế, giáo dục và an sinh xã hội... cũng được quan tâm và tiến bộ vượt bậc. Thu nhập bình quân đầu người đạt 1.600 - 1.800 USD/năm, tăng hơn năm lần so 10 năm trước. Việc chăm lo và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách xã hội, các gia đình thương binh, liệt sĩ, chất độc da cam, gia đình nghèo được coi trọng với việc cơ bản xóa xong nhà tạm, nhà tranh tre, dột nát, bảo đảm cuộc sống hằng ngày và tạo điều kiện cho các gia đình này từng bước vươn lên thoát nghèo...
Tháng 5 về, cả Hải Phòng lại rộn rã. Sắc phượng lại rực đỏ khắp phố phường hòa quyện với náo nức của lòng người dân đất Cảng nhớ về những tháng ngày lịch sử. Dẫu cho trên con đường đi lên còn nhiều gian khó, có cả những hạn chế, có lúc chậm chạp, nhưng với quyết tâm cao và sự đồng sức, chung lòng của tất thảy mọi tầng lớp nhân dân, Hải Phòng sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Lịch sử cách mạng hào hùng và truyền thống "Trung dũng, quyết thắng" vẫn là động lực thúc đẩy Hải Phòng vươn ra biển lớn, xứng đáng là trung tâm công nghiệp dịch vụ, một cực tăng trưởng quan trọng của tam giác kinh tế động lực phía bắc, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HÐH. Một Hải Phòng đang "rộng dài, rực sáng" trên bước đường phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp văn minh, hiện đại trước năm 2020.
Theo ND
Hai vở diễn mang màu sắc khác biệt: vở kịch - xiếc Bầy quỷ và viên ngọc thần và vở cải lương - xiếc Mụ phù thủy và chiếc đũa thần đang cùng lúc lên sàn tập, chuẩn bị ra mắt các em nhân Ngày quốc tế thiếu nhi. Ông Hồ Văn Thành - trưởng Đoàn Xiếc TP.HCM - cho biết:
Năm 1994, khi triển lãm “Tranh làng Cổ Đô” do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức thì ngôi làng này được biết đến với cái tên “Làng họa sĩ”.
Gọi là "chợ văn chương" cũng không sai, vì các ấn phẩm văn học đã được đưa ra thị trường. Đầu năm 2010, không khí văn chương trong giới người viết trẻ đã trở nên sôi nổi.
(HBĐT) - Cửu Thác Tú Sơn hay còn gọi là khu thác 9 tầng nằm trên địa phận xóm Củ, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi rộng 120 ha ở trên độ cao 1.300 m so với mực nước biển, có thiên nhiên hùng vĩ mây nước và nên thơ gắn liền với những sự tích đậm chất văn hóa dân tộc thực sự là danh thắng đất Mường làm ngân ngơ, quyến luyến lòng người.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị biểu dương tinh thần làm việc nhiệt tình, vượt khó, trí tuệ tâm huyết của các nghiên cứu, nhà khoa học tham gia biên soạn, hoàn thiện công trình Bách khoa thư Hà Nội, góp phần phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Giữa làn sóng tràn vào Việt Nam của các tác phẩm âm nhạc, văn học nước ngoài, ý tưởng đưa tác phẩm của Việt Nam ra nước ngoài cũng bắt đầu được chú ý. Nhưng cũng từ đây, nhiều vấn đề đã phát sinh, như việc chuyển ngữ để khán giả, bạn đọc nước ngoài dễ tiếp nhận. Tuy nhiên, ở khâu đầu tiên này cũng nảy sinh những rắc rối liên quan đến bản quyền, đòi hỏi sự hiểu biết nhất định về luật để có thể quảng bá văn hóa Việt ra thế giới.