Nguyễn Phan Chánh - Chơi ô ăn quan - lụa.

Nguyễn Phan Chánh - Chơi ô ăn quan - lụa.

Các họa sĩ bậc thầy Việt Nam luôn để lại những dấu ấn cá nhân về mặt bút pháp. Nếu như Tô Ngọc Vân tài hoa, mẫu mực; Nguyễn Sáng chính xác, ngang tàng; Nguyễn Tư Nghiêm thâm trầm, khúc triết; Dương Bích Liên chắt lọc, tinh tế; Bùi Xuân Phái nặng tình, run rẩy… thì nghệ thuật Nguyễn Phan Chánh thấm đẫm hồn quê, chân phương, bình dị.

 

Xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương do người Pháp đào tạo, nhưng Nguyễn Phan Chánh lại thành công và thành danh ở lĩnh vực tranh lụa - một loại hình nghệ thuật mang đậm chất Á Đông từ chất liệu cho đến cách tạo hình. Ông chỉ tiếp nhận các kỹ thuật hội họa phương Tây - hình họa, đường nét, màu sắc, bố cục, cách xử lý ánh sáng, luật xa gần… - qua các giáo sư Victor Tardieu và Joseph Inguimberty như một phương tiện kỹ thuật mang tính phổ quát. Trên nền tảng đó tạo dựng cho mình một phong cách hội họa bác học theo tinh thần của thời đại mới mà vẫn bám rễ sâu vào nguồn mạch văn hóa mỹ thuật truyền thống đã phát triển rực rỡ hàng ngàn năm của dân tộc.

Sinh ra và lớn lên từ một làng quê nghèo của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, thuở bé Nguyễn Phan Chánh học chữ Nho ở quê nhà, rồi vào Huế học Trường Sư phạm Đông Ba. Năm 1922, sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Phan Chánh ở lại Huế dạy học. Và… một thôi thúc lạ đời đã đưa Nguyễn Phan Chánh đến với hội họa. Ông ra Hà Nội thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa I (1925-1930) cùng với Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Công Văn Trung, Lê Văn Đệ… Và từ đấy, chúng ta có một Nguyễn Phan Chánh họa sĩ.

Trong những năm đầu của khóa học, Nguyễn Phan Chánh không mấy thành công ở chất liệu sơn dầu. Chính thầy Victor Tardieu, với phương châm "Bảo tồn tính dân tộc" trong giảng dạy hội họa, đã nhận thấy tư chất ông không hợp với lối vẽ sơn dầu phương Tây nên khuyên ông chuyển sang lối vẽ phương Đông truyền thống, và giúp ông tìm hiểu về hội họa cổ Trung Quốc. Những năm cuối ở trường, Nguyễn Phan Chánh miệt mài tìm tòi, nghiên cứu, thể nghiệm chất liệu lụa và đã tiến một bước dài trong việc cách tân nền hội họa Việt Nam với một loạt tác phẩm có giá trị ra đời: Bữa cơm, Em bé cho chim ăn, Lên đồng, Những người hát rong

Đặc biệt bức tranh Chơi ô ăn quan - lụa, rất Nhật mà không phải Nhật, rất Tây mà không phải Tây. Nguyễn Phan Chánh làm người xem ngỡ ngàng khi vẽ những em bé chơi trò mà không nghịch ngợm, chăm chú và điềm tĩnh, ngây thơ mà tư lự… đã gây một tiếng vang lớn trong cuộc Triển lãm đấu xảo Paris năm 1931. Từ đó Nguyễn Phan Chánh chuyên sáng tác và nổi tiếng về tranh lụa, dùng lụa để phản ánh hiện thực đã khẳng định được phong cách cùng khuynh hướng nghệ thuật hiện thực dân tộc.

Khác với tranh sơn dầu hay sơn mài, bột màu… người nghệ sĩ có thể mặc sức thả bút theo dòng xúc cảm đang tuôn trào, khi vẽ tranh lụa người nghệ sĩ phải lắng lòng để chuyển tải cảm xúc. Do đó cảm hứng sáng tạo thường diễn ra chậm. Từ những đặc tính của lụa như cách diễn hình và sắc mơ màng, thơ mộng… đòi hỏi người nghệ sĩ ngoài đức tính kiên nhẫn, cần cù còn phải có một thái độ nghiêm cẩn, tỉ mỉ, cầu kỳ trong từng nét vẽ, tạo loang mới có thể làm nên một bức tranh lụa đẹp lung linh, mờ ảo, mỏng manh, thanh thoát. Nguyễn Phan Chánh là bậc thầy về lĩnh vực này. Tranh ông nền nã với những gam màu nâu đen, vàng đất, xám nhẹ thấm đẫm chất lụa đã làm nên một phong cách nghệ thuật Nguyễn Phan Chánh trữ tình, độc đáo.

Tài năng Nguyễn Phan Chánh thể hiện ngay trong cách nhìn. Ông nhìn bằng tâm tưởng, thấy được những điều mắt ta không thấy, hoặc thờ ơ bỏ qua: vẻ đẹp đời thường. Đó là những cảnh: Rửa rau cầu ao, Em bé chơi chim, Hai thiếu nữ đội nón thúng quai thao, Thiếu nữ chải tóc, Hái rau muống, Rửa khoai, Tối cho con bú, Đêm trăng lu, Kỳ lưng, Tắm ao

Với bố cục thông thoáng và sự gia công tinh tế của phương Đông hợp hòa cùng sự chính  xác, khoa học phương Tây, giữa diễn tả và gợi tả. Nguyễn Phan Chánh đã tẩm tâm hồn chúng ta trong hồn quê dân dã. Tranh ông mang lại sắc thái êm ả, thanh thản, bình dị, trữ tình. Về tranh lụa Nguyễn Phan Chánh, Z.Kwecinska - nhà văn Ba Lan, nhận xét: "Xem tranh, chúng ta có cảm giác như nghệ sĩ đang tâm sự những câu chuyện của đời mình. Ông như muốn chia sẻ những khát vọng, hoài bão và tình yêu cuộc sống, con người. Mỗi bức tranh như một bài thơ. Tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh thật êm dịu, mát mẻ. Phải có một nghị lực phi thường, một sức sống mạnh mẽ, họa sĩ mới giữ được sự bình thản, êm đềm ở một đất nước luôn có chiến tranh". Quả là lời nhận xét đắt giá, tinh tường!

Nguyễn Phan Chánh là một trong những họa sĩ hàng đầu của tranh lụa Việt Nam và cũng là người gióng tiếng chuông lớn cho hội họa Việt Nam ở nước ngoài, mà theo nhà thơ Xuân Diệu: "Cái tài của Nguyễn Phan Chánh là biết kết hợp hai cái nhất nhì của thiên hạ: chữ rồi mới đến tranh, nhưng nhiều bức tranh có chữ của ông đã đẩy tranh lên hàng nhất rồi đến chữ, nhờ vậy mà tranh Nguyễn Phan Chánh ăn sâu vào lòng cả người trí thức lẫn nông dân". Sự thuần tính cách Việt xuyên suốt trong gia tài hội họa của ông đã đánh thức biết bao kỷ niệm êm đềm về quê hương, xứ sở. Ngày nay, nông thôn Việt Nam đã đổi thay nhiều, cả phong cảnh lẫn hồn người. Vì thế những bức tranh lụa Nguyễn Phan Chánh như một dấu tích tâm hồn dân tộc sẽ còn nuôi lòng nhiều thế hệ


                                                                                 Theo CAND

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Tiểu thuyết Việt bế tắc? Cần một cuộc “lột xác”

Văn học đang ở thời phải đợi - đợi sự phát triển - nếu có - của tiểu thuyết, đợi những tác phẩm đang ra đời nhỏ giọt hằng năm và đợi cả người viết trẻ đến lúc đủ tâm, đủ tầm và chịu dấn thân cống hiến cho văn học của họ

Hội Nhà văn phải là một sân chơi ấm áp, nghĩa tình

Có lẽ chỉ nước mình mới có nhiều Hội cùng tồn tại đến thế: Hội Nhà văn, Hội Điện ảnh, Hội Nhà báo, Hội Sân khấu, Hội Nhiếp ảnh, Hội Tạo hình... Đó là còn chưa kể hàng loạt những hội ngành nghề khác như Hội Nông dân, Hội Hữu nghị, Hội Nuôi ong, Hội Trồng trọt... Điều đó chứng tỏ mức quan tâm rất chu đáo của Đảng và Nhà nước trước những công việc thuộc về cõi sáng tạo và văn hoá nhạy cảm, nhọc nhằn, rất khổ ải và cô đơn.

Thành phố Hoà Bình: Khơi dậy phong trào văn nghệ quần chúng

(HBĐT) - Bằng nhiều nỗ lực trong việc thành lập các câu lạc bộ, phục dựng lễ hội, hỗ trợ kinh phí mua sắm đạo cụ... phong trào văn nghệ quần chúng được khơi dậy và phát triển rộng khắp các địa bàn xã, phường của thành phố Hoà Bình.

87.279 gia đình hội viên nông dân đăng ký đạt hộ gia đình văn hoá

(HBĐT) - Trong 6 tháng đầu năm, phong trào “Nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới” tiếp tục được triển khai sâu rộng đến hội viên hội nông dân các cấp trên địa bàn toàn tỉnh. Đã có 87.279 gia đình hội viên hội nông dân đăng ký đạt hộ gia đình văn hoá, có 1.300 chi hội đăng ký đạt làng, bản văn hoá.

Miền Bắc góp 20 người đẹp vào bán kết HHTG người Việt

Ngoại trừ Phan Thị Hương Giang - Á khôi 2 cuộc thi Nữ hoàng trang sức 2009 được đặc cách vào vòng chung kết toàn quốc, gần 150 thí sinh khu vực phía Bắc đã có hai buổi thi sơ khảo và 20 người được chọn vào vòng thi bán kết sẽ diễn ra vào ngày 22 tới.

Hội thảo “Văn học nghệ thuật phản ánh hiện thực đất nước hôm nay” Xây đắp nền VHNT lớn mạnh

Ngày 12-7, tại Đà Lạt, Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Văn học nghệ thuật phản ánh hiện thực đất nước hôm nay”. Dự hội thảo có đồng chí Tô Huy Rứa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; gần 200 đại biểu là các nhà khoa học, nghiên cứu, giảng dạy văn học nghệ thuật (VHNT), các nhà quản lý báo chí trong nước. GS-TS Phùng Hữu Phú, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng lý luận - Trưởng ban chỉ đạo hội thảo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục