Đại Hồng Chung tại Hòa Bình Phật Quang tự là một trong những chiếc chuông đồng lớn nhất.
(HBĐT)- Đã nhiều lần lên thăm Hoà Bình Phật Quang tự, nhưng cảm xúc khi đứng dưới mái nhà Phật giáo trong khoảnh khắc giao thời thì thật bồi hồi, khó tả. Có lẽ, trong khoảnh khắc thiêng liêng này, mỗi phật tử đến đây đều đã gác lại những ganh đua, đuổi bắt để tĩnh tâm rong ruổi tìm lại sự bình yên trong tâm thức.
Như một lẽ tự nhiên, thẳm sâu trong tiềm thức mỗi con người đều có linh cảm rằng giao thừa là khoảnh khắc có thể làm nên sự giao cảm giữa mỗi thực thể đang tồn tại với chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, với ông bà tổ tiên, các bậc tiền hiền, hậu hiền, anh linh chiến sỹ quên mình vì đất nước. Đây là khoảnh khắc cả gia đình đầm ấm sum họp bên nhau. Là cơ hội cho phật tử quy tụ dưới vòng tay che chở của đức Phật, tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn và cầu may cho năm mới.
Nếu như đón tết Canh Dần, Hoà Bình Phật Quang tự khi đó mới chỉ sơ khai với những bức tượng phật đầu tiên và nền sân chùa thượng còn dang dở thì đón tết Tân Mão, Hoà Bình Phật Quang tự đã dần hoàn thiện chùa Thượng với vẻ hoành tráng, kiên cố, vững chắc. Bờ tường bao bằng đá trắng với những hoạ tiết rồng, phượng tinh tế đã được hoàn thiện, bao bọc vững chắc toàn bộ khuôn viên khu chùa Thượng. Ngay phía trước sân chùa, trong tầm nhìn bao quát toàn bộ thành phố Hoà Bình, Đại Hồng chung đã được trịnh trọng treo lên, sẵn sàng gióng vang những hồi chuông an lành gọi năm mới.
Điểm nhấn đặc biệt của khu văn hoá tâm linh là chùa Thượng nằm ở vị trí cao nhất trên đỉnh đồi Ba Vành. Khung nhà chính của chùa Thượng được làm toàn bộ bằng gỗ lim và sến. Nhhững khối cột trụ lớn, màu gỗ nguyên bản tạo đã nên sự thâm nghiêm, cổ kính cho ngôi chùa. Với kiến trúc mái cong truyền thống, mái ngói đỏ tươi của chùa Thượng tạo nên một điểm nhấn rất đặc biệt giữa màu xanh của cây rừng và dòng sông Đà bao quanh.
Sau hơn một năm xây dựng hoàn toàn nhờ tấm lòng hảo tâm của phật tử bốn phương, giờ đây chùa Thượng đã định hình và dần hoàn thiện. Đón xuân Tân Mão, nhà chùa đã cung nghinh một số pho tượng quan trọng như tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát, tượng Đức Chúa ông, tượng Đức Thánh Hiền, tượng Quan âm Bồ Tát và bộ tượng Phật tam thế.Tất cả các bức tượng này đều được làm từ gỗ liền khối, kỹ, mỹ thuật điêu khắc độc đáo với những đường nét tinh tế, hài hoà và uy nghiêm.
Dẫn chúng tôi đi thăm khuôn viên nhà chùa, Đại đức Thích Đức Nguyên - trụ trì chùa Hoà Bình Phật Quang cho biết: “Cho đến nay, UBND tỉnh đã cấp cho Ban đại diện Phật giáo thành phố Hoà Bình 5,3 ha đất để xây dựng Khu văn hoá tâm linh Hoà Bình Phật Quang. Tuy nhiên, vì nhà chùa được xây dựng toàn bộ nhờ vào tấm lòng hảo tâm của các phật tử nên chúng tôi cố gắng xây dựng và hoàn thiện từng hạng mục. Có được cơ ngơi chùa Thượng như ngày hôm nay, tất cả là nhờ vào sự phát tâm, công đức của các nhà hảo tâm trong và ngoài thành phố. Song song với việc xây chùa thì năm qua, nhà chùa đã tổ chức rất nhiều hoạt động phật sự để nơi đây thực sự trở thành điểm đến tâm linh cho nhân dân tỉnh Hoà Bình”.
Hoằng pháp lợi sinh là công tác Phật sự trọng yếu để đưa hàng Phật tử trở về với chính pháp. Do đó, nhà chùa đã thường xuyên tổ chức những buổi thuyết giảng trong các ngày lễ thường niên. Trong những ngày lễ trọng, nhà chùa đã cung thỉnh chư Tôn Đức giáo phẩm của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về thuyết giảng Phật pháp và hướng cho Phật tử sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng theo chính tín, bài trừ mê tín dị đoan, tôn thờ tổ tiên, tưởng nhớ đến những bậc có công với nhân dân, đất nước.
Là ngôi chùa duy nhất và lớn nhất được xây dựng tại thành phố Hoà Bình nên Hoà Bình Phật Quang tự được xác định là trung tâm sinh hoạt văn hoá tâm linh cho phật tử của thành phố Hoà Bình nói riêng, tỉnh ta nói chung. Do vậy nên dù chưa hoàn thiện về cơ sở vật chất nhưng nhà chùa vẫn nỗ lực tổ chức các Lễ quy y tam bảo, lễ cầu an cầu siêu, đầu xuân chúc phúc. Nhà chùa đã hướng dẫn cho nhân dân thực hiện theo đúng chính pháp và phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong năm qua, Hoà Bình Phật Quang tự đã làm lễ quy y và phát chứng điệp quy y cho hàng ngàn phật tử.
Trao đổi với chúng tôi, Đại đức Thích Đức Nguyên cho biết thêm: “Nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá tín ngưỡng, phong tục truyền thống thờ cúng tổ tiên theo tinh thần đạo Phật. Năm qua, Ban đại diện Phật giáo thành phố đã phối hợp cùng với nhà chùa tổ chức các ngày lễ lớn như: Đại lễ Phật đản chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; Đại lễ Vu lan báo hiếu, Đại lễ mừng Phật thành đạo với sự tham gia của hàng ngàn phật tử trong và ngoài thành phố. Các đại lễ mang đậm ý nghĩa tôn sư trọng đạo, tri ân và báo ân trong tinh thần đạo pháp với dân tộc. Các nghi lễ được tổ chức trang nghiêm, trọng thể, mang tính giáo dục cao, giúp cho bà con và hàng phật tử hiểu về văn hoá dân tộc và truyền thống yêu nước của đạo Phật Việt Nam”.
Mặc dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng để đáp ứng nhu cầu văn hoá tâm linh của người dân trong dịp tết Tân Mão, Hoà Bình Phật Quang tự sẽ tổ chức Lễ đón giao thừa vào đêm 30 Tết và Lễ thượng nguyên cầu an, cầu phúc đầu năm vào ngày mồng 4 Tết.
Một năm mới đang đến rất gần, mùi hương trầm từ mái chùa trang nghiêm đã lan tỏa nhè nhẹ trong gió. Gác lại mọi muộn phiền, âu lo thời cuộc, người người hăm hở chọn hướng xuất hành về dưới vòng tay che chở yên bình của đức Phật. Trong khoảnh khắc giao thời thiêng liêng, mọi người cùng thành tâm trao tặng nhau những lời chúc tốt đẹp, may mắn, bình an, phúc lạc hơn trong năm mới. Xin gửi đến phật tử, nhân dân bốn phương lời chúc mừng năm mới đầy ý nghĩa của nhà Phật: “Chúc năm mới được tinh tấn, dõng mãnh hơn, bớt những mê mờ tăm tối, không tạo nghiệp dữ, sống có lợi cho mình cho người, xây dựng xã hội hướng về chân thiện mỹ. Kính chúc tất cả chúng ta an trú vững vàng trong đại dương chánh pháp, trưởng thành trong đạo lý. Ngay nơi thường tục mà khuếch đại tự do, ở trong thói thường mà tìm ra lẽ sống đích thực, “hoà quang đồng trần” trong ánh sáng giác ngộ của mười phương chư Phật”.
Dương Liễu
Tối 31-1 (28 tháng Chạp), đường hoa Nguyễn Huệ năm 2011 (Tân Mão) đã chính thức khai mạc đón chào du khách, khởi đầu các hoạt động văn hóa nghệ thuật của TP mỗi dịp đón năm mới.
Ngày Tết, cho dù ở thành thị hay thôn quê, giàu sang hay nghèo khó, trên bàn thờ tổ tiên hoặc trên bàn tiếp khách, hầu như nhà nào cũng trưng một mâm ngũ quả, và cố thể hiện sao cho vừa đẹp mắt vừa hàm ý những điều ước nguyện của gia chủ.
Sau loạt ảnh tạo hình của Tào Tháo (Khương Văn) và Kỳ Lan (Tôn Lệ), nhà sản xuất phim "Quan Vân Trường" (The Lost Bladesman) vừa công bố tạo hình của diễn viên chính Quan Vân Trường do Chung Tử Đan đảm nhiệm.
(HBĐT) - Là một người con của đất Mường Hoà Bình, đám trẻ chúng tôi hồi còn để chỏm thích Tết lắm. Tết được mua áo mới, đi chơi thăm ông, bà và được mừng tuổi. Nhưng có lẽ vui nhất là ngày mổ lợn và gói bánh.
(HBĐT) - Trước thềm năm mới Tân Mão, không khí trên đường Hồ Chí Minh càng thêm nhộn nhịp, tất bật. Suốt ngày đêm những đoàn xe hối hả ngược xuôi đưa hàng hoá đến mọi vùng quê phục vụ người dân đón Tết, vui xuân.
Chương trình Táo quân năm nay trên sóng các đài truyền hình hứa hẹn ngập tràn tiếng cười vui nhộn