Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế bên bức tranh Chăn trâu thổi sáo.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế bên bức tranh Chăn trâu thổi sáo.

Trải qua những năm tháng chiến tranh và khó khăn trong thời kỳ chuyển đổi kinh tế thị trường, tranh Ðông Hồ nức tiếng một thời những tưởng đã đi vào mai một. Song, sức sống mãnh liệt của dòng tranh ấy vẫn băng qua thời gian và khẳng định giá trị. Ấy là bởi ngày đêm, có những con người luôn luôn âm thầm giữ cho "hồn dân tộc" mãi được "sáng bừng trên giấy điệp".

Ðánh thức dòng tranh dân tộc

Men theo con đường đê đất đỏ, chúng tôi tìm đến ngôi làng Mái nhỏ bé nằm ấp mình bên bờ sông Ðuống hiền hòa ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Hương thơm nhẹ nhàng của mực điệp, giấy dó, chẳng mấy chốc đưa chân người lạc vào không gian đồ sộ của hai ngôi nhà cổ rộng gần 6.000 m2 với hàng trăm bức tranh dân gian Ðông Hồ tràn đầy mầu sắc. Hỏi ra mới biết, cơ ngơi khang trang được xây cất công phu theo mô hình nhà lũng đồng bằng Bắc Bộ là dinh cơ riêng của một ông già đã bước vào tuổi 75 có dáng người nhỏ bé, đi chiếc xe máy cũ kỹ, chân xỏ dép tổ ong ngả mầu.

"Những năm ấy, cả 17 dòng họ trong làng đều làm tranh. Cứ tháng bảy, tháng tám hằng năm, từ sân nhà, ngõ xóm, đường làng, triền đê cho đến nóc nhà, nóc bếp, đâu đâu cũng rực rỡ sắc mầu của giấy điệp. Ai nấy đều rộn rịp, tất bật chuẩn bị tranh cho phiên chợ Tết, chờ bà con du khách thập phương về trảy hội ...". Hồi tưởng lại quá khứ huy hoàng của làng Mái ngày nào, đôi mắt đã hằn những vết nhăn của người nghệ nhân già Nguyễn Ðăng Chế không khỏi rưng rưng. Vào những năm 70 của thế kỷ trước, cuộc sống nhiều thăng trầm khó khăn biến làng tranh Ðông Hồ dần trở thành làng... vàng mã. "Công nghệ đồ mã" chẳng mấy chốc biến những điện thoại, ô-tô, xe máy giấy thành đồ thật nên chẳng mấy ai còn nhớ đến nghề tranh thuở nào. Riêng chàng thanh niên tên Chế vốn đã gắn bó với việc phết hồ, quết điệp, in dó, phơi tranh từ khi chín, mười tuổi mới thấy xót xa trước nỗi buồn thời cuộc và nung nấu quyết tâm làm sống dậy hồi ức một làng nghề.

Ðó là động lực mạnh mẽ thôi thúc ông xin về hưu sớm vào năm 1991, sau khi kết thúc 11 năm giảng dạy tại Trường ÐH Mỹ thuật Hà Nội và hoàn thành 20 năm làm công tác biên tập mỹ thuật tại Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc. Không cần biết đắt hay rẻ, ông tìm đến từng nhà trong làng thuyết phục mua lại các bản khắc cổ, đi nhiều nơi sưu tầm tư liệu, hiện vật liên quan đến tranh Ðông Hồ. Ðến nay, ông đang có trong tay hơn 1.000 bản khắc của 180 loại tranh; bản khắc cổ nhất có hơn 200 năm tuổi, mới nhất khoảng 50 năm tuổi. Ðặc biệt nhất phải kể đến 26 bản khắc cổ làm nên bộ tranh thờ hoàn chỉnh và duy nhất mà chỉ ông mới sưu tầm đủ. Dùng vốn liếng cả đời chắt chiu và huy động thêm sự đóng góp của con cái, họ hàng, năm 2006, ông mạnh dạn đề nghị với Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Bắc Ninh thành lập doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất tranh dân gian. Và Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Ðông Hồ của nghệ nhân Nguyễn Ðăng Chế được hình thành từ đó.

Vẫn Ðám cưới chuột, Hái dừa, Ðánh ghen,... nhưng có cảm giác từng bức tranh của người nghệ nhân họ Nguyễn lúc nào cũng rung lên những mảng mầu tươi sáng nguyên sơ nhất. Ấy là bởi dù có biến tấu đến đâu thì những bức tranh Ðông Hồ vẫn là sự kết tinh của chất liệu tự nhiên: giấy điệp phải làm từ vỏ điệp nghiền nhỏ trộn cùng hồ nếp, mầu đỏ là sắc của sỏi, mầu đen là sắc của than rơm nếp... Những bức tranh Ðông Hồ không chỉ đơn thuần được in lên giấy dó để dán tường mà còn được lồng vào khung kính cho sang; lúc trở thành bìa của  những cuốn sổ tay, lúc lại trở thành những tấm bưu thiếp xinh xắn. Những tặng phẩm đầy thú vị ấy đã trở thành món quà dân gian ý nghĩa cho hàng nghìn khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan. Năm 2008, trung tâm bảo tồn tranh Ðông Hồ của nghệ nhân Nguyễn Ðăng Chế đã chính thức được UNESCO công nhận là câu lạc bộ làng nghề truyền thống. Bằng tất cả tâm huyết của mình, người nghệ nhân già không ngừng làm mới những bức tranh dân gian và truyền lại tình yêu nghề cho con cháu. Bốn người con trai và một cô con gái của nghệ nhân đều đã lập gia đình và ai cũng gắn bó với nghiệp làm tranh. Mong muốn mang nét chân quê tươi tắn trong tranh Ðông Hồ đến với nhịp sống hiện đại, năm 2001, người con trai thứ hai của ông là anh Nguyễn Ðăng Dũng - một trong những hậu huệ đời thứ 21 nối nghiệp gia tộc họ Nguyễn làm tranh đã mở một cửa hàng nhỏ chuyên giới thiệu tranh dân gian Ðông Hồ ở số 16 phố Chân Cầm, Hà Nội. Chị Mai Thanh Huyền, vợ anh cho biết: "Có một điều đặc biệt là không chỉ khách du lịch mà rất nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng tìm đến đây mua tranh Ðông Hồ tặng nhau. Tin rằng, cũng giống như chúng tôi được truyền tình yêu tranh từ bố, qua các thế hệ, giá trị của dòng tranh Ðông Hồ sẽ mãi được khẳng định".

Thay "áo mới" cho tranh Ðông Hồ

Có những người như nghệ nhân Nguyễn Ðăng Chế luôn cố gắng bảo tồn, gìn giữ dòng tranh Ðông Hồ cổ, và cũng có những người dùng hết nhiệt tâm của mình để mang lại sức sống mới cho dòng tranh vốn đã quá quen mắt ấy. Thân thuộc mà lạ lẫm, hiện đại mà vẫn thấm đẫm hồn dân tộc, đó là cảm nhận của tất cả chúng tôi khi đến thăm và chiêm ngưỡng những kiệt tác tranh Ðông Hồ được ghép từ cánh bướm của GS.TS Bùi Công Hiển ở Trung tâm phòng trừ mối số 287 Chùa Bộc, Hà Nội.

 Với vai trò Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu côn trùng học, Ðại học Khoa học Tự nhiên, giáo sư Hiển đã dùng cả đời mình để nghiên cứu về các loại côn trùng trong và ngoài nước. Ý tưởng lóe lên trong đầu khi đi công tác qua một số nước như Ma-lai-xi-a, Nhật Bản, Thái-lan..., ông bắt gặp những sản phẩm trưng bày  được làm từ côn trùng được du khách nước ngoài yêu thích. Ngay lập tức, ông tìm thấy điểm gặp nhau giữa sắc tươi mới trên những cánh bướm với mầu sống động của dòng tranh đậm hồn dân tộc. Trở về nước, kết hợp cùng kỹ sư Ðặng Ngọc Anh, nguyên Trưởng phòng côn trùng Viện Ðiều tra quy hoạch rừng, hai người bạn già cùng nhau bắt tay mày mò nghiên cứu, tìm cách làm mới những bức tranh Ðông Hồ bằng cánh bướm.

Ði khắp nơi để sưu tầm nguồn bướm, mất thêm nửa năm để nghiên cứu kỹ thuật ghép tranh, giáo sư Hiển và kỹ sư Ngọc Anh đã tập hợp lại tất cả những xác, những mẩu cánh, ngài đã chết, hỏng để thực hiện đam mê của mình. Ðược xử lý qua một số hóa chất như cồn, e-thy-lic... với nồng độ thích hợp, tiếp đó đưa vào tủ sấy khô, dưới bàn tay điêu luyện, tỉ mỉ của nghệ nhân, những cánh bướm mỏng manh bỗng trở nên dầy dặn, cứng cáp hơn và càng thêm lung linh mầu sắc. Sau khi sao lại khung hình của những "Vinh hoa Phú quý", "Lợn mẹ lợn con",... lên một tờ giấy trắng mỏng rồi ghim lên bìa cứng, người nghệ nhân mới cẩn thận ghép từng mẩu cánh bướm lên tranh. Ðể rồi cứ thế, từng mảng miếng của bức tranh Ðông Hồ dần hiển hiện bừng sáng trong sắc bướm sống động như thôi miên ánh mắt người chiêm ngưỡng.

Giáo sư Bùi Công Hiển chia sẻ, điều quan trọng nhất làm nên sức cuốn hút của một bức tranh Ðông Hồ ghép bằng cánh bướm là người nghệ sĩ phải có "cái tâm" với tranh, bởi có tâm thì mới có đủ độ tinh xảo, sự kiên trì để thực hiện một bức tranh kéo dài hằng tháng. Riêng việc tập pha keo cũng đã chiếm rất nhiều thời gian của hai người bạn già, bởi nếu keo khô, tranh sẽ không dính, nếu keo loãng cánh bướm sẽ long ra. Pha keo phải có độ dính vừa phải đủ để bảo đảm không làm bết những hạt phấn tự nhiên còn lưu trên cánh bướm. Kể từ bức tranh đầu tiên được hoàn tất từ năm 1994, đến nay với trên 5.000 tiêu bản các loại côn trùng, hai người bạn già bước qua tuổi 70 đã hoàn thiện được trên 50 sản phẩm tranh Ðông Hồ ghép từ cánh bướm. Sau khi gửi bức tranh Tố nữ đi tham dự Triển lãm khai thác và sưu tầm tranh bằng cánh bướm năm 2007 ở Lâm Ðồng, nhận được sự yêu thích đánh giá cao của bạn bè trong nước và quốc tế, giáo sư Hiển và kỹ sư Ngọc Anh đã ấp ủ ý tưởng truyền nghề để tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động, thậm chí cả người khuyết tật, một phần mang lại giá trị kinh tế, một phần lưu giữ và quảng bá được dòng tranh dân gian truyền thống góp phần thu hút du lịch. Trò chuyện với chúng tôi, giáo sư Bùi Công Hiển nói vui: "Hai ông già này chỉ biết nghiên cứu, chứ làm ăn kinh doanh không rành nên nếu ai có tâm, có hứng thú thực sự với văn hóa truyền thống thì chúng tôi sẵn lòng truyền lại kỹ thuật ghép tranh của mình".

Những con người bình dị với tình yêu và niềm đam mê dòng tranh Ðông Hồ đã và đang lặng thầm lưu giữ, quảng bá nét đặc sắc của nghệ thuật hội họa truyền thống Việt Nam.

 

                                                                         Theo Báo Nhandan

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Ảnh: Nhật Anh-TTXVN)

Những đứa con biệt động Sài Gòn - Sẽ hút khán giả?

Hơn 20 năm sau ngày bộ phim Biệt động Sài Gòn ra đời, đạo diễn Long Vân lại cho ra mắt một “tân” Biệt động Sài Gòn nữa, với tên gọi “Những đứa con biệt động Sài Gòn” dựa theo kịch bản của nhà văn Nguyễn Xuân Hải. Ngày 5-9, phim này lên sóng VTV1 vào khung giờ vàng.

Chung kết xếp hạng Sao Mai 2011: Thuyết phục!

Quán quân Sao Mai 2011 đã thuộc về 3 giọng ca Đào Tố Loan (phong cách nhạc thính phòng), Lương Nguyệt Anh (phong cách dân gian) và Đoàn Thị Thúy Trang (Phong cách nhạc nhẹ). Đêm chung kết xếp hạng diễn ra tối 4-9 tại Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế đã khép lại Liên hoan Tiếng hát Truyền hình Toàn quốc – Giải Sao Mai 2011.

Rộn ràng Mường Vang

(HBĐT) - Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 2/9, gia đình anh Bùi Văn Tiềm ở xóm Lục, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) lại đông vui hơn ngày thường. Mặc dù còn trẻ, vợ chồng mới dựng được nếp nhà sàn ra ở riêng nhưng anh vẫn nhớ mừng Tết Độc lập của ông bà và quê hương nơi đây. Vợ anh đã chuẩn bị gạo nếp hương từ tháng 10 năm trước và mấy con gà để đón tiếp anh em, họ hàng đến chung vui. Từ lâu, ngày 2/9 đã trở thành ngày Tết Độc lập, một phong tục đẹp của nhân dân cả vùng Mường Vang. Không chỉ tại xã Yên Nghiệp mà vùng Đại Đồng, Cộng Hòa, Quyết Thắng, đời sống tinh thần của bà con luôn được vun đắp, truyền thống đón Tết Độc lập luôn được phát huy.

Kỳ Sơn vang vọng lời ca từ thôn, bản

(HBĐT) - “Những ngày Tết Độc lập, hầu hết những ai đang làm việc, học tập nơi xa đều cố gắng thu xếp công việc để được trở về bên gia đình, làng xóm. Cùng với không khí ấm cúng, sum vầy bên mâm cơm gia đình, mọi người lại cùng háo hức đón chờ để được hòa mình cùng tiếng đàn, điệu múa do chính bà con mình biểu diễn” - ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Phòng VH-TT huyện Kỳ Sơn cho biết.

Tết Độc lập ở một miền quê

(HBĐT) - Được nghỉ 3 ngày nhân Quốc khánh 2/9, Hương rủ Thảo về quê mình dự ngày Tết Độc lập ở một vùng quê miền núi.

Về một dòng sông

(HBĐT) - Mỗi làng quê đều có một dòng sông, người dân đôi bờ sông ấy có những kỷ niệm riêng, những được mất, buồn vui mà dòng sông mang lại. Tôi sinh ra phía hữu ngạn vùng hạ du sông Đà, một làng Mường mà “chất Mường” đã phôi pha đi nhiều, dẫu vùng đất này mới “khai thiên, phá thạch” khoảng mười đời, từ lời ăn tiếng nói, nhà cửa đến những phong tục, tập quán khác. Có người ví: so với làng Mường cổ xưa, làng tôi bây giờ như vùng “nước lợ”! Không biết nên vui hay nên buồn? Sáng mở cửa là gặp dòng sông Đà, dẫu từ nhà tôi ra đến sông còn phải qua một cánh đồng. ở đó thấp thoáng bóng dáng bà con thân thích sớm chiều lam lũ, tôi và dòng sông đã song hành với nhau theo những thăng trầm của đời người- đời sông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục