(HBĐT) - Năm hết, tết đến - đó là câu nói mà tôi nghe được lần đầu từ miệng bố tôi, sau cái thở dài của ông, với tâm trạng lo lắng trước bao việc cần làm và những nhu cầu mua sắm cho ngày tết đã cận kề. Chồng đi cày, vợ đi cấy, con cái đông lại đang tuổi ăn học. Đó cũng là gia cảnh chung của nhiều gia đình trong cái làng Mường nhỏ bé bên sông Đà này.
Ngày ấy đã cách nay trên năm mươi mùa đông giá rét. Nhìn ra cánh đồng bậc thang thì những cây mạ vụ chiêm - xuân đang bám rễ lắt lay, ngó lên rừng thì chỉ thấy mây mù dăng màn sương, dưới đó mùa cây trái rừng đã qua, mùa măng chưa tới. Chỉ còn cách là nhìn vào vườn tược và gia cầm dưới gầm sàn. Chợ Phương, chợ Cò, chợ Đồn, chợ Gò Chè... là những địa chỉ mua bán đổi trao hàng hóa quen thuộc của dân trong Mường. Đường mòn, chân đất, đi về nhanh nhất cũng một đến hai ngày đường! Bao nhiêu đứa con là bấy nhiêu bộ quần áo mới. Dầu đèn, thẻ hương, hương vòng không thể thiếu; thẻ hương thắp khi cúng cơm, hương vòng thắp thâu đêm suốt sáng, từ lúc đón “ông bà, ông vải” về nhà cho tới lúc đưa chân các cụ về rừng. Hai thứ hàng tết không thể thiếu cho con trẻ và người đã khuất. “Sống dầu đèn...” làm sao có thể thiếu được, nhất là những ngày xum họp giữa người nhà và hương hồn người đã khuất! Vì thế mà một tác giả khuyết danh đã có câu “Thầy tý túng tiền tiêu tết thiếu tứ tung toan tự tử...” đó chăng ? Nghe mà não lòng! Sớm tối trước tết chị em thay nhau đứng đạp bên cối giã, gạo nếp, gạo tẻ đã đầy đôi “bồ đai”, xếp ở góc nhà. Rượu bố nấu đã đầy một chum, củi bó chất gần chạm sàn nhà. Đó là công sức của mẹ và chị gái mang vác từ rừng về . Ngoài tết ra giêng hai ai mà cối giã dần sàng; ai mà chặt cây đốn củi. Vài bó lạt gói bánh treo trên sào nứa, dăm bó lá dong tựa vào nhau dầm chân dưới suối. Bánh chưng, bánh uôi, bánh dợm, bánh gai... là những thứ bánh đều cần lá và lạt. Nhà nhà đều nuôi lợn tết, dẫu có thả rông thì áp tết đã phải nhốt lại cho “chắc ăn”. Trước tết 10 ngày đã nhà nhà đi “gọi ông vải” về ăn tết. Một già một trẻ tay xẻng, tay dao và nén hương, bước thấp bước cao hết đồng trên đến ruộng dưới, phát cỏ đắp thêm phần mộ, thắp hương và mời các cụ “cao tằng tổ tỷ” về ăn tết! Bàn thờ ngày tết được bố trí thật chu đáo, đầy đủ các vật dụng cũng như các đồ ăn, thức uống như đối với người sống. Hai cây mía làm gậy và lộ phí cho ông bà, ông vải đi về. Chiều 30 tết là hạn chót phải hoàn trả công nợ và giặt rũ tắm gội sạch sẽ. Có hai việc lớn trong dịp tết là làm bánh và thịt lợn. Làm bánh là công việc của đàn bà con gái, thịt lợn là công việc của đàn ông! Mấy anh em trai thường “tỵ việc” với mấy chị em gái. Gói hay luộc bánh đều được ngồi quanh bếp lửa giữa ngày đông tháng giá. Thịt lợn luôn phải ra suối, ra sông hoặc ngồi sạp mà băm xương, thái thịt, làm nem chua, gói giò chân, giò thủ, giã giò thịt..., thịt mông, thịt vai thì cho vào vại sành, ướp muối ăn dần đến nửa năm sau. Ba ngày tết có người đến chúc tết là phải dọn mâm rượu cho năm mới khỏi “dông” đến đâu cũng được trọng vọng, cho dù không ăn uống được gì! Đi chúc tết họ hàng nội tộc, nếu không mang “cỗ lá ” thì phải có đôi bánh ống. Người cúng lễ tổ tiên sau khi “âm dương” đồng sấp đồng ngửa thì phải quỳ lạy 3 lần trước bàn thờ. Đêm 30 tết ai cũng háo hức chờ đón giao thừa và nghe Bác Hồ chúc tết. Sáng mùng 1 tết dẫu rất mệt nhưng lũ trẻ vẫn đua nhau ra giếng làng “lấy nước tiên”. Người lớn thì ngoảnh đi ngoảnh lại đã tết, còn trẻ con mong cho tết đến, xuân về mà nghe xa thăm thẳm.
Sau hơn năm mươi năm, những đứa trẻ mong ngóng tết đến, xuân về ngày ấy, bây giờ đã thành ông nội, bà ngoại. Bố mẹ họ ngày ấy đã thành người thiên cổ. Vẫn gió mùa đông bắc, vẫn mây bay trên núi, nhưng đã bao nhiêu vật đổi sao dời. Chỉ có “Non cao, non thấp mây thuộc - Cây cứng, cây mềm gió hay ” - Thơ Nguyễn Trãi. Vẫn lại năm hết tết đến. Cho dù ngày nay các nghi lễ về tết, mua sắm cho người sống, người đã chết không còn nặng nề như trước, nhưng những tín ngưỡng văn hóa, thuần phong mỹ tục tốt đẹp vẫn được duy trì. Ngẫm lại câu nói mộc mạc có phần triết lý của bố tôi: “Bố mẹ không có gì cho các con, chỉ cố mà cho các con cái chữ thôi”. Nhưng đặc biệt hơn là sự làm gương của bố mẹ, sống thật hài hòa đối với người đã khuất, với tình làng, nghĩa xóm, với con cháu nội, ngoại. Ngày nay cho dù anh em, con cháu kẻ nam, người bắc, kẻ ngược, người xuôi, sống xa cách nhau nhưng luôn hướng về nhau, nhất là mỗi độ năm hết, tết đến. Cho dù kinh tế chưa dư giả gì nhưng gặp nhau là vui như tết, là ôn lại những kỷ niệm tốt đẹp một đi không trở lại. Nghèo đói mà thương nhau và đáng nhớ. Cho nên cái thiếu nhất bây giờ mỗi khi năm hết, tết đến là làm sao các thành viên trong đại gia đình ngày ấy có nhiều thời gian, nhiều người xum họp.
Tuỳ bút của Đinh Đăng Lượng
(HBĐT) - Mỗi khi Tết đến, xuân về, người dân lại nô nức đón xuân, vui Tết bằng những lời ca, tiếng hát và những trò chơi dân gian độc đáo đặc trưng riêng của quê hương mình. Việc tổ chức trò chơi dân gian truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán không chỉ tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi mà còn góp phần gìn giữ nét đẹp văn hoá lâu đời.
(HBĐT) - Tại hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu toàn tỉnh giai đoạn 2007- 2012 tổ chức vừa qua, nhiều mô hình gia đình điển hình đã được tôn vinh. Mỗi gia đình được ví như một bông hoa đẹp giữa cuộc sống đời thường đầy hương sắc. Tết đến, xuân, về chúng tôi có dịp thăm một số gia đình văn hóa tiêu biểu. Mỗi gia đình có hoàn cảnh riêng nhưng mỗi thành viên trong gia đình đều có một điểm chung là sự yêu thương, quan tâm, chia sẻ giúp họ vượt qua mọi bộn bề khó khăn trong cuộc sống đời thường.
(HBĐT) - Người Mường cũng như nhiều dân tộc anh em khác có một nền văn hóa từ lâu đời và đậm đà bản sắc. Trong kho tàng văn hóa phong phú của mình, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng mo Mường là một hiện tượng văn hóa đặc sắc mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa của người Mường. Trải qua hàng ngàn năm, mo Mường vẫn hiện hữu trong đời sống của người Mường Hòa Bình.
(HBĐT) - Ngày 6/2, huyện Đà Bắc đã tổ chức đêm giao lưu văn nghệ với chủ đề “Mừng Đảng, mừng xuân”. Tham gia giao lưu có 38 tiết mục của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện và các xã, thị trấn với các thể loại: hát đơn ca, tốp ca, múa, hát múa, trình tấu nhạc cụ. Các tiết mục có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đổi mới và những ca khúc về mùa xuân.
(HBĐT) - Năm nay, Tết đến sớm hơn một ngày. Cũng như mọi năm, tôi sẽ cùng gia đình lại về quê ở vùng Mường Vang ăn Tết để thực sự cảm nhận cái Tết đơn giản, mộc mạc mà ấm áp của quê hương...
(HBĐT) - Nếu như ở địa bàn thành phố và các trung tâm huyện lỵ, chợ Tết được khởi động từ ngày 23 đến ngày 30 tháng chạp thì ở nhiều nơi vùng cao, sâu, xa trong tỉnh, chợ Tết là phiên chợ cuối của một năm, diễn ra duy chỉ một ngày. Trong tâm thức của nhiều người, chợ Tết nay vẫn giữ được cái “hồn” của chợ Tết xưa, vẫn là một trong những phong tục vui xuân ẩn chứa nhiều nét đẹp truyền thống của dân tộc.