Những ngày đầu năm, nhiều người dân đi chùa cầu tài, cầu lộc, cầu may. Ảnh: H.N
(HBĐT) - Đi lễ đầu năm từ lâu đã trở thành nét văn hoá truyền thống của người Việt Nam, nhiều người đến chùa những ngày đầu xuân với mong muốn gửi gắm tấm lòng thành kính đến ông bà, tổ tiên và mong ước một năm mới dồi dào sức khoẻ, gặp nhiều may mắn. Và cũng không ít người đi lễ chùa đầu năm là để được du ngoạn thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân, tìm kiếm giây phút thư thái trong tâm hồn.
Mùng 1 Tết, dưới làn sương sớm, nghe tiếng chuông, nhịp mõ khoan thai vọng lên từ mái chùa, bà Nguyễn Thị Hoa (phường Tân Thịnh - TPHB) đã ngoài 70 tuổi hòa cùng dòng người đi chùa Hòa Bình Phật Quang. Đã nhiều năm nay, bà đều đến chùa vào sáng mùng 1 Tết sau khi chuẩn bị xong mâm cỗ cúng ông bà, tổ tiên. Trước thì cầu sức khoẻ, may mắn, nay bà đến chùa với mong ước cho con cái thành đạt, gia đình thuận hoà.
Vài năm trở lại đây, sau khi đón giao thừa, nhiều gia đình ở Hòa Bình thường đến một số chùa để cầu một năm mới an lành và hạnh phúc. Họ cho rằng, đây là thời điểm tốt để tìm được sự thanh thản trong tâm hồn. Theo phong tục, các ngôi chùa đều được mở cửa cả đêm giao thừa, mọi người có thể vào chùa làm lễ, xin lộc. Với nhiều người, lễ chùa không chỉ là để cầu bình an, cầu tài, lộc mà chùa chiền còn là chốn linh thiêng giúp mỗi người được thanh thản, tịnh tâm. Tại nhiều làng quê, vào ngày mùng 1 Tết sau khi có người xông nhà, nơi đầu tiên người ta bước ra khỏi nhà đầu năm là đi lễ các đền, chùa sau đó mới đi chúc Tết gia đình, họ hàng, làng xóm. Trước đây, nhiều người đi lễ chùa sẽ xin một cành lộc tại các cây của chùa mang về cho may mắn. Nhưng thói quen đó đã không còn vì số lượng người đi chùa quá lớn nếu ai cũng xin một cành lộc dù nhỏ, những cây cối trong chùa cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Chị Nguyễn Bằng Giang (phường Tân Thịnh - TPHB) cho biết: Sáng mùng 1 nào gia đình cũng cùng lên chùa, trước là lễ phật sau là để cầu bình an, may mắn cho gia đình trong năm mới. Lên chùa cái tâm của mình cũng bình an, thanh tịnh hơn. Bên cạnh đó, lễ chùa đầu năm còn là nét văn hóa độc đáo của người Việt. Tôi muốn các con tôi biết được điều này, giúp chúng biết thêm nét văn hóa truyền thống của dân tộc, bổ sung thêm kiến thức lịch sử. Song, quan trọng nhất là mỗi người tìm được chút thư thái trong tâm hồn sau một năm lao động vất vả.
Hòa cùng dòng người đi lễ đầu xuân, nhất là lúc tiết trời se lạnh, lất phất làn mưa xuân như cảm nhận thấy đất trời đang giao hòa. Con người dường như cũng trở nên cởi mở hơn ở chốn linh thiêng, những người dù mới gặp lần đầu cũng sẵn sàng trao nhau nụ cười trìu mến. Tiếng chuông chùa ngân vang giữa hơi sương sớm, khói nhang, hoa, lễ... tạo nên không khí yên bình, làm mỗi người khi đến chốn thâm nghiêm đều thấy tâm hồn thanh tịnh lạ kỳ! Có lẽ cũng vì thế, mỗi dịp đầu năm, mọi nẻo đường đều hướng về cõi Phật.
Những cái tên như đền Bờ, chùa Khánh (Cao Phong), chùa Tiên (Lạc Thủy)... đã được nhiều người biết đến muốn đến thăm mỗi dịp xuân về. Không chỉ có người Hòa Bình, những ngôi chùa đó còn thu hút rất đông khách thập phương từ các tỉnh, thành lân cận. Có những người sắm lễ lên chùa từ mồng 3 Tết. Đồ lễ không cần to tát, nhiều nhặn gì, chủ yếu là cái tâm, miễn là có lòng thành hướng về đức Phật. Theo lệ thường, một mâm lễ bao giờ cũng phải đủ cả hương, hoa, tiền vàng, tiền dương gian, có thêm một tờ sớ viết bằng chữ nho, ghi những điều cầu mong của gia chủ cho một năm mới vạn sự như ý.
Với quan niệm, dù có muốn đi đâu thì trước tiên phải đi lễ chùa gần nhà, chị Nguyễn Thị Diệu (xã Đồng Tâm - Lạc Thủy) cùng với gia đình đi dự lễ khai hội chùa Tiên vào ngày mùng 4 Tết. Chị Diệu chia sẻ: Lối lên chùa khá chật hẹp khiến hàng trăm người phải chen vai nhau để vào nhưng khuôn mặt ai cũng vui khi bước chân đến cõi Phật. Năm nào tôi cũng chỉ cầu mong một điều, mong cho mọi người xung quanh mình bình an, mạnh khoẻ, hạnh phúc. Có lẽ ai đi lễ chùa cũng không chỉ cầu an cho riêng mình, đó là nét văn hoá, nhân văn đáng được trân trọng.
Lễ hội vốn là nét văn hóa đặc sắc, thể hiện khát vọng về cuộc sống hạnh phúc và trường tồn. Vì thế, cứ mỗi độ xuân về, dù có hòa mình vào không khí lễ, Tết hay còn nhiều vướng bận, người dân vẫn không quên lên chùa thắp nén nhang thơm cầu sức khỏe bình an, may mắn và hạnh phúc. Cũng chính vì thế, tục lễ chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hoá trong mỗi con người Việt
Nguyễn Hồng
(HBĐT) - Ngày 3/2 (mùng 4 Tết), huyện Lạc Thủy đã tổ chức lễ khai hội Chùa Tiên xã Phú Lão năm 2014. Tới dự có đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện Lạc Thủy, xã Phú Lão và đông đảo du khách thập phương. Về phía Giáo Hội Phật giáo có đại đức Thích Đức Nguyên, UV Hội đồng trị sự T.Ư Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Hòa Bình.
(HBĐT) - Cháu nội tôi sinh năm Canh Ngọ (1990) sang năm Giáp Ngọ vừa tròn 24 tuổi. Cháu tuổi Ngọ nhưng lại là con gái nên cứ lo cuộc đời cháu sẽ vất vả, lận đận. Không biết hậu vận thế nào nhưng nay đều thấy học hành hanh thông, công việc thuận lợi, suôn sẻ.
(HBĐT) - Người Mường ăn Tết cổ truyền kéo dài 7 (thực chất là 8) ngày, bắt đầu từ ngày 30 tháng chạp của năm cũ đến hết ngày mồng 7 tháng giêng của năm mới. Người Mường gọi là: Thết Năm mởi - dịch sang tiếng phổ thông là: Tết Năm mới, người Kinh gọi là Tết Nguyên đán. Đây là những ngày giao thời giữa năm cũ và năm mới, cũng là những ngày con người được nghỉ ngơi để quan tâm, chăm sóc phần mộ tổ tiên, đi thăm chúc Tết người bề trên, người có công giúp mình trong năm cũ. Mỗi một mùa Tết đến đều thiêng liêng là những dấu ấn không thể phai nhòa của mỗi cuộc đời một con người.
(HBĐT) - Philippin là quốc gia được hình thành bởi hàng ngàn hòn đảo trên Biển Đông và là thành viên của cộng đồng khối ASEAN anh em. ở Việt Nam, nhắc đến Philippin là nói đến núi lửa, động đất, bão và cả căng thẳng về xung đột, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nữa. Nhưng khi được đến với đất nước này, chắc rằng suy nghĩ của bạn sẽ thay đổi và thay vào đó là những trải nghiệm và cảm nhận thú vị.
(HBĐT) - Tỉnh Hòa Bình thật hiếm có vùng đất nào thơ mộng, hào phóng và sơn - thủy hữu tình như vùng đất ấy, nơi mà tiếng gà gáy sáng đánh thức người 3 tỉnh. Vùng đất ấy còn chất chứa những tàn tích và những câu chuyện ly kỳ về cuộc chiến giữa con người và thiên nhiên: Sơn tinh - Thủy tinh, về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống giặc phong kiến phương bắc và hai cuộc kháng chiến chống thực dân ngoại xâm của dân tộc ta. Một vùng đất thuộc tỉnh miền núi Hòa Bình mà sao cứ hao hao như một vùng quê nào đó của vùng châu thổ sông Hồng! Vùng đất ấy là xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.
(HBĐT) - Không hẹn, không điện thoại trước, đúng trên tinh thần “phượt”, vượt gần 80 km đường đèo dốc quanh co, chúng tôi đến bản Hang Kia II, xã Hang Kia, huyện vùng cao Mai Châu vào ngày đầu tiên của năm mới tính theo lịch Mông. Lúc này, sương giá đã bắt đầu tan loãng, ánh mặt trời chan hoà thổi hơi ấm xuống thung lũng rực rỡ hoa đào, hoa mận.