Một góc bãi biển Boracay xinh đẹp.

Một góc bãi biển Boracay xinh đẹp.

(HBĐT) - Philippin là quốc gia được hình thành bởi hàng ngàn hòn đảo trên Biển Đông và là thành viên của cộng đồng khối ASEAN anh em. ở Việt Nam, nhắc đến Philippin là nói đến núi lửa, động đất, bão và cả căng thẳng về xung đột, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nữa. Nhưng khi được đến với đất nước này, chắc rằng suy nghĩ của bạn sẽ thay đổi và thay vào đó là những trải nghiệm và cảm nhận thú vị.

 

Thông tin về siêu bão Haiyan làm tất cả 28 thành viên đoàn cán bộ tỉnh Hoà Bình sang học tập tiếng Anh tại Philippin lo lắng. Chuyến bay hoãn lại một tuần so với dự kiến. Đến ngày 22/11, máy bay của hãng hàng không Cebu airline mới cất cánh từ thủ đô Hà Nội. Sau hơn 3 giờ, chúng tôi đã có mặt tại sân bay Ninoy Aquino ở thủ đô Manila. Nước bạn đang ở thời điểm cuối mùa mưa nên khi xuống sân bay, cảm giác buốt lạnh của mùa đông Hòa Bình nhường chỗ cho sự mát dịu như giữa thu. Ngay từ tờ mờ sáng, thủ đô Manila tấp nập với những dòng xe ô tô ngược xuôi nối đuôi nhau...

 

Cảm giác ấm lòng khi thấy 5 thành viên, bao gồm cả lãnh đạo khoa của trường đại học Tổng hợp Nam Luzon chờ ở sân bay đón đoàn từ 4 giờ sáng. Từ Manila về trường thuộc thị trấn Lucban, tỉnh Quezon khoảng 140 km. Chúng tôi đi qua nhiều khúc cua và những đồi chuối, dừa bạt ngàn. Theo cô Sheila, giáo viên nhà trường, khu vực này nằm trên quần đảo Luzon, cao 1.000 m so với mực nước biển, cách vùng bị ảnh hưởng bão Haiyan hơn ngàn cây số. Đây từng là khu vực núi lửa nhưng đã tắt từ lâu. Là quốc đảo nằm ở khu vực Đông Nam á, Philippin có diện tích 300.000 km2 với tổng số 7.107 hòn đảo chia  thành ba quần thể: Luzon ở phía Bắc, Visayas ở miền Trung và Mindanao ở miền Nam. Thời tiết khá nóng và ẩm ướt, nhiệt độ trung bình cả năm khoảng 26,50C. Phần lớn địa hình là núi và có nguồn gốc núi lửa. Trong đó, quần đảo Luzon lớn nhất và là nơi đặt thủ đô Manila. Nằm trong vành đai bão Thái Bình Dương, Philippin mỗi năm phải hứng chịu hơn 20 cơn bão và nhiều trận động đất.

 

Sau gần 4 giờ, đoàn đã đến khu Calmar và được bố trí ở trong một ngôi nhà ba tầng mới xây vẫn còn mùi sơn. Ngay ngày hôm sau, cô Sheila dẫn chúng tôi đi thăm thị trấn đến tòa thị chính, bệnh viện, đồn công an, trường học. Đến đâu, chúng tôi cũng được chào đón bằng những lời nói, nụ cười thân thiện. Lần đầu gặp, anh Jef, thư ký Thị trưởng còn chào chúng tôi bằng câu tiếng Việt. Anh đã từng đến tỉnh Thái Nguyên công tác và có ấn tượng tốt về người dân Việt Nam. Thị trưởng Celso là một quan chức còn khá trẻ và lịch lãm cũng dành 30 phút để nói chuyện với đoàn.

 

Bỡ ngỡ những ngày đầu nơi xứ người, chúng tôi loay hoay tìm chợ để mua sắm. Khi được hỏi đường, một phụ nữ đã chỉ dẫn rất tận tình. “Xin chào”, “cảm ơn” và “xin lỗi” luôn là câu cửa miệng trong giao tiếp của người dân. Từ anh lái xe, nhân viên bán hàng đều có thể giao tiếp bằng tiếng Anh. ở trường mầm non, những em nhỏ 4 tuổi đã làm quen với tiếng Anh cùng với tiếng Philippin, ở cấp học cao hơn, các môn đều học bằng tiếng Anh. Vì vậy, dễ hiểu tại sao Philippines có trên 93,6% người biết và sử dụng ngôn ngữ này.

  

       

Lễ hội đường phố tạ ơn vị thần nông nghiệp được tổ chức vào tháng 5 hàng năm ở Lucban, Quezon, Philippin.

 

Nếu ban đầu, chúng tôi ấn tượng bởi sự thân thiện thì ngạc nhiên tiếp theo là ý thức bảo vệ môi trường và giao thông. Khu chúng tôi sống tập trung đông dân cư và hơn 16.000 sinh viên, đường phố hẹp nhưng các phương tiện luôn nhường nhau. Hai tháng học tập tại Lucban, chúng tôi chưa thấy một vụ va quệt nào và cũng không thấy xuất hiện cảnh sát giao thông. Phương tiện đi lại chủ yếu là xe tricycle, loại xe máy 3 bánh đóng thùng và xe Jeepney cải tiến từ xe Jeep cũ bằng cách nối thùng, thiết kế lại ghế và sơn màu sặc sỡ. Không cần điều hòa, giá rẻ, có mặt mọi lúc, mọi nơi, chủ nhân chỉ cần đăng ký và nộp lệ phí kiểm định. Đường phố luôn sạch sẽ. Chiến dịch “thị trấn không nilon” được người dân hưởng ứng. Người dân ít ăn tinh bột, rau, củ, quả, thay vào đó là đồ ăn nhiều năng lượng như thịt, xúc xích, thức ăn nhanh. Trái cây phổ biến là xoài, chuối với rượu xoài, xoài xanh chấm mắm. Một người bản địa Philippin sành ẩm thực nói với tôi rằng: ẩm thực Philippin được sơ chế từ  khoai lang Malaysia, nêm bởi các thương nhân Trung Quốc, hầm trong 300 năm theo cách Tây Ban Nha và nướng theo kiểu Mỹ. Điều đó đã toát lên, Philippin là mảnh đất đa sắc tộc, pha trộn giữa Đông và Tây. Phần lớn người dân theo đạo Thiên Chúa, còn lại là đạo Hồi, Hindu, Phật Giáo... Ngoài tiếng Philippin và tiếng Anh, người dân còn dùng 170 ngôn ngữ khác. Tuy hầu hết diện tích vẫn là nông nghiệp nhưng Philippin là một địa chỉ quan trọng cung cấp nguồn linh ki?n và là nhà xuất khẩu sản phẩm điện tử, xuất khẩu nhân công.

 

Du lịch nơi đây nổi tiếng hút khách là các bãi biển cát trắng xinh đẹp, thơ mộng và núi lửa. Núi lửa nhỏ nhất thế giới Taal nằm trên cao nguyên Tagaytay, cao 600 mét so với mặt biển thỉnh thoảng vẫn hoạt động dù không gây thiệt hại như núi lửa Pinatubo từng xả khói sang tận miền Nam Việt Nam hồi năm 1991. Chúng tôi ngỡ ngàng khi mục sở thị Taal. Đó là hồ nước rộng 15 km, dài 25 km, nằm sâu thẳm dưới lòng chảo núi. Mây bồng bềnh lướt nhẹ ngay trên đỉnh, tưởng như có thể chạm tay đến. Giữa sóng nước mênh mông, ai nấy đều trầm trồ khi trước mặt là ngọn núi lửa như chiếc nón úp trên mặt nước. Chóp nón thủng một cách tự nhiên, sắc cạnh, chứng tỏ núi đã từng phun nham thạch. Trong hệ thống núi lửa Taal có tới 47 miệng núi lửa hình chóp nón, một số miệng vẫn còn đang hoạt động. Phong cảnh hồ trong núi, núi trong hồ mê hoặc du khách. Khi vượt chừng 4 km đi bộ leo núi, chúng tôi mới thỏa chí tò mò khi được nhìn thấy khói và hơi nóng bốc lên từ lòng đất, tạo thành những lỗ nhỏ trên sườn núi như ống khói bếp của các ngôi nhà. Nếu đặt một quả trứng vào thì chỉ một phút sẽ chín nhưng khói bốc lên mùi khó chịu nên không ai dám đến quá gần. Đến hòn đảo thiên đường Boracay với làn nước pha lê trong xanh và bãi biển dài 8 km, bước chân trần trên cát trắng mịn màng, thỏa sức ngắm rặng dừa tít tắp, bao mệt mỏi tan biến hết. ở xứ đảo, ngoài tắm biển, bơi lặn, còn nhiều điểm đến hấp dẫn như: thủ đô Manila với di sản văn hóa thế giới nhà thờ cổ bằng đá San Agustin, công viên đại dương, những trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất khu vực; đồi Sôcôla ở Bohol với hơn 1.000 ngọn giống nhau cả về màu sắc, hình dáng; vườn địa đàng ở Lucban, Quezon; vườn quốc gia sông ngầm Princesa dưới lòng sông, một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới... Và không thể bỏ qua các lễ hội truyền thống như: lễ hội bùn, lễ hội heo quay, tiêu biểu nhất là lễ hội đường phố được tổ chức ngay tại Lucban vào tháng 5 hàng năm. Anh Jef, thư ký Thị trưởng giới thiệu: Lễ hội được tổ chức nhằm tạ ơn vị thần nông nghiệp đã ban cho người dân vụ mùa tươi tốt. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng đoàn xe diễu hành trang trí bằng các loại nông sản với màu sắc vui nhộn, những chú trâu cài hoa. Nhà cửa cũng được trang hoàng bắt mắt bởi hoa hướng dương, quả cà chua, cà tím, bông lúa, quả dừa... Các đoàn diễu hành thì nhảy múa liên tục trong tiếng nhạc sôi động. Người dân Philippin sống vô tư, hồn nhiên dường như muốn quên đi những thảm hoạ thiên tai, căng thẳng xung đột...

 

Hai tháng học tập tại Philippin ngỡ lâu nhưng cũng qua nhanh. Đêm nay, ở thủ đô Manila, sắp phải xa nơi này, chúng tôi không khỏi lưu luyến và cố gắng thu nhỏ những bức ảnh về phong cảnh, nụ cười Philippin vào ký ức vì ngày mai sẽ trở về Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

 

 

 

                                                                   Cẩm Lệ

                                                (PV Báo Hoà Bình từ Philippin)

 

 

Các tin khác

Xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) tận dụng diện tích đất đồng, bãi phát triển cây ngô vụ đông cho giá trị kinh tế cao.
Trẻ em Mông đi chơi Tết.
Chị Vì Thị Tồn chuẩn bị nguyên liệu phục vụ cho việc chưng cất rượu.
1 trong 4 trụ cột là nghi môn của đình Cời hiện còn lưu giữ được.

Ván cờ tướng đầu năm

(HBĐT) - Đã thành thông lệ, mỗi độ Tết đến, xuân về hoặc trong các dịp lễ hội, đình đám, người Việt Nam thường tổ chức các trò vui chơi truyền thống như đánh đu, chọi gà, đấu vật, đánh cờ. Đây cũng là dịp để mọi người tụ họp, tận hưởng không khí vui vẻ đầu năm. Trong đó, cờ tướng là thú chơi tao nhã, thu hút nhiều người tham gia, không kể địa vị chức sắc giàu sang, nghèo hèn hay người nông dân chân lấm tay bùn đều bình đẳng trước những ván cờ.

Chương trình nghệ thuật chào xuân Giáp Ngọ 2014

(HBĐT) - Tối 30/1/2014 (30 Tết), tại quảng trường Cung văn hoá tỉnh, Sở VH-TT&DL phối hợp với Công an tỉnh tổ chức đêm biểu diễn nghệ thuật đón giao thừa chào xuân Giáp Ngọ 2014. Đến dự có đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh.

Tết xưa của quan lang vùng Mường Động

(HBĐT) - Với quyền uy tột bậc trong xã hội Mường thời phong kiến vậy nên chỉ khi nào nhà lang “phát lệnh” người dân mới bắt đầu được đón Tết. Tuy nhiên có một điều đặc biệt, đó là Tết của nhà lang hầu như cũng chẳng khác mấy so với nhà dân và trong những ngày Tết, cửa nhà lang luôn rộng mở cho ai cũng có thể đến...

Gặp những già làng người Dao tiêu biểu

(HBĐT) - “Xóm Đồng Chụa có 170 hộ với 803 khẩu, trong đó, 97% là đồng bào người dân tộc Dao. Năm 2013 vừa qua, toàn xóm có 87% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, thu nhập bình quân trong xóm đã đạt mức 22 triệu đồng/người/năm. Xóm không có người nghiện hút, không có tệ nạn xã hội. 8 năm liền Đồng Chụa đạt làng văn hóa tiên tiến cấp thành phố và đang phấn đấu đạt làng văn hóa cấp tỉnh trong năm 2014”. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Bàn Sinh Lương, Trưởng xóm Đồng Chụa, xã Thống Nhất (thành phố Hòa Bình) phấn khởi cho biết.

Cây mía trong phong tục thờ cúng gia tiên của người Việt

(HBĐT) - Năm nay, gia đình ông Nguyễn Công Đàm, xóm Tân Lai, xã Đông Lai (Tân Lạc) tiếp tục có một cái Tết cổ truyền no ấm. Để đón tổ tiên về trần gian ăn Tết cùng con cháu, ông Đàm chọn hai cây mía tím đẹp nhất, khoẻ nhất trong vườn nhà, kính cẩn dựng ở hai bên bàn thờ tổ tiên. Phong tục này đã được gia đình ông cũng như nhiều hộ gia đình trong xã Đông Lai gìn giữ từ đời này đến đời khác.

Đà Lạt - thành phố của mùa xuân

(HBĐT) - Chúng tôi đến Đà Lạt đúng vào dịp tỉnh Lâm Đồng tổ chức Festival Đà Lạt với ba sự kiện văn hóa lớn, đó là công bố năm du lịch quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt 2014, kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, đặc biệt là Festival hoa Đà Lạt lần thứ 5.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục