Trẻ em Mông đi chơi Tết.
(HBĐT) - Không hẹn, không điện thoại trước, đúng trên tinh thần “phượt”, vượt gần 80 km đường đèo dốc quanh co, chúng tôi đến bản Hang Kia II, xã Hang Kia, huyện vùng cao Mai Châu vào ngày đầu tiên của năm mới tính theo lịch Mông. Lúc này, sương giá đã bắt đầu tan loãng, ánh mặt trời chan hoà thổi hơi ấm xuống thung lũng rực rỡ hoa đào, hoa mận.
Sức mạnh và sự may mắn của gà trống lông đỏ
Len lỏi theo những con đường mòn rợp tán hoa đào, chúng tôi bắt gặp một nhóm trẻ đang chơi chọi gà, những con gà trống lông đỏ được buộc dây vào chân và được những em nhỏ ôm đi chơi, vuốt ve như những người bạn nhỏ. Sùng A Chu, Bí thư Đoàn thanh niên xóm Hang Kia II giải thích: Gà trống lông đỏ có một ý nghĩa rất đặc biệt đối với người Mông. Theo truyền thuyết xưa, trên đất của người Mông có tới 10 mặt trời thiêu đốt, dù hàng ngày có cố gắng gánh nước, tưới cây đến đâu vùng đất của họ cũng không tránh khỏi khô cằn, hoa màu không mọc được. Một hôm, có một vị thần đi qua vùng đất này, nghe chuyện của người Mông, vị thần dương cung bắn rụng mặt trời. Khi vị thần bắn rụng 9 mặt trời thì mặt trời thứ 10 sợ quá, chạy trốn dưới chân núi, trời, đất trở nên u tối, người Mông tìm mọi cách để gọi mặt trời lên nhưng mặt trời không mọc trở lại. Đúng lúc đấy, một con gà trống cất tiếng gáy vang núi rừng, mặt trời từ dưới chân núi hé rạng mọc lên. Từ đó, người Mông tôn thờ con gà, với họ, gà trống lông đỏ biểu tượng cho sức mạnh và sự may mắn. Chính vì vậy, vào đêm 30 Tết, người Mông chọn con gà trống to nhất, có màu lông đỏ trên cổ buộc trong nhà, sáng ngày mồng 1, người đàn ông lớn tuổi trong gia đình ôm con gà vái khắp nhà, trước khi mang thịt họ nhổ túm lông đỏ trên cổ gà đem dán lên bàn thờ và sáng mồng 1, chơi gì thì chơi, trẻ con ở đây vẫn thích nhất là chơi chọi gà. Tôn thờ con gà, người Mông cũng có tục thờ cúng vật dụng làm nông. Theo lý giải của cụ Sùng A
Rượu vòng của lòng hiếu khách
Lang thang trong những bản người Mông ở xã Hang Kia, chẳng mấy chốc chiếc xe máy của chúng tôi đã chất đầy bánh dày, thứ bánh đặc trưng của người Mông không thể thiếu trong những ngày Tết. Bởi, đến với bản Mông dù không hề quen biết, người Mông cũng sẵn sàng mời bạn vào nhà uống rượu ngô, ăn bánh dày và khi về không quên gói phần bạn mỗi người 2 chiếc. Anh Sùng A Tềnh, bản Hang Kia II giải thích: Đó là tình cảm của người Mông mình. Đến đây ăn Tết, ăn uống bao nhiêu thì tuỳ nhưng bao giờ cũng phải có bánh dày phần về. Có lẽ chính vì lòng mến khách đặc biệt ấy nên ngày Tết bản người Mông vô cùng nhộn nhịp. Đó không chỉ là những chàng trai, cô gái Mông xuống đường chơi Tết mà còn có rất nhiều khách từ các nơi khác đến đây để hưởng không khí thanh bình, say với chén rượu ngô và lòng hiếu khách của đồng bào Mông. Lòng mến khách của người Mông còn được thể hiện qua một tập tục rất đẹp đó là tục uống rượu vòng hay rượu đôi. Dù mới lần đầu gặp gỡ nhưng ông Sùng A Chếnh, bản Trà Đáy (xã Pà Cò) đón chúng tôi vào nhà ăn Tết như người quen đã lâu. Trong mâm cỗ có đủ thịt lợn, gà ác và bánh dày rán, ông Chếnh nâng 2 chén rượu vòng uống cho mình và uống cho bạn. “Chén thứ nhất mình uống cho mình, đó là lời chúc an lành và mọi sự tốt đẹp sẽ đến trong năm mới, mùa màng bội thu. Chén thứ 2 mình uống cho bạn - người ngồi bên tay phải mình, cũng với ý nghĩa như chén đầu, với tượng trưng những điều tốt đẹp mình mong chờ cũng sẽ đến với người bạn ấy” - ông Chếnh nói. Rượu uống xong, 2 chiếc chén sẽ được xoay úp, thể hiện tấm thịnh tình và những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới đã được người uống nhận trọn vẹn và cũng đã chúc đầy đủ cho người ngồi kế bên phải. Rượu chén vòng sẽ đi một vòng khép kín từ phải qua trái mỗi người. Sau khi uống cạn và úp chén, người vừa uống sẽ rót đầy rượu vào 2 chén đó rồi chuyển cho người tiếp theo ngồi kế bên phải. Đến lượt ai cầm chén, người ấy cũng làm tương tự như người trước đã làm: Uống cạn chén thứ nhất chúc cho mình, và uống tiếp chén thứ hai cho người bạn ngồi bên phải, với ý nghĩa không đổi. Hai chén rượu cứ thế đi một vòng quanh mâm cơm. Trong lòng ai cũng lâng lâng niềm vui, cảm kích vì sự trọng thịnh của gia chủ. Vòng rượu đầu tiên cũng là duy nhất mang ý nghĩa chúc tụng trong năm mới. Sau đó, tùy vào khả năng mỗi người mà việc uống rượu tiếp tục.
Ném Pao - để nam nữ bén duyên nhau
Rượu vòng cứ vậy mà lan ra mãi, vì thế với người Mông, ngày Tết, say rượu là một điều rất bình thường. Rượu ngô làm cho những cô gái thêm hồng đôi má, rượu ngô làm cho điệu khèn thêm đắm say. Có lẽ chính vì vậy, ăn uống chúc tụng xong, trai gái bản Mông thường kéo nhau ra những khoảng đất rộng, dưới những tán đào để chơi những trò chơi dân gian mà tình tứ của họ. Ném pao là một trò chơi như thế. Người ngoài nhìn thì bảo ném pao rất tẻ nhạt bởi chỉ là dùng một quả bóng được làm bằng vải bông, ném qua ném lại cho nhau. Nhưng với những chàng trai, cô gái người Mông thì không phải như vậy. Trong các cuộc chơi ném pao, bao giờ cô gái Mông cũng thầm lựa chọn chàng trai của lòng mình và sẽ ném quả pao cho người đó. Chàng trai nhận được tín hiệu từ cô gái nếu đồng ý cũng ném lại. Khi quả pao đã bén duyên nhau thì có một sức say kỳ lạ. Vì vậy mà xưa có những cuộc ném pao kéo dài từ sáng đến tối. Ngày nay, bên cạnh trò chơi ném pao, thanh niên nam nữ đồng bào Mông ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò còn có thêm nhiều trò chơi khác như đá bóng, đánh bóng chuyền, cầu lông... Tuy không phải là trò chơi truyền thống nhưng những trò này vẫn luôn sôi động bởi bao giờ cũng có sự cổ vũ rất nhiệt tình của các cô gái và trong cuộc chơi ấy cũng chính là dịp để các cô lựa chọn người thương cho mình.
Ném pao - một trò chơi dân gian không thể thiếu trong ngày Tết ở bản Mông.
Tết người Mông kéo dài trong 10 ngày, có khi đến cả tháng. Vào những ngày này, bất kể bạn là ai đến đây, bạn cũng sẽ nhận được những chén rượu vòng với mong ước những điều may mắn đến, thưởng thức rượu ngô, ăn bánh dày. Chia tay với bản Mông, bạn cũng đừng thắc mắc về những chiếc bánh dày của người Mông tặng bạn để lâu đã cứng lại vì chỉ cần về nhà, cời lên một lò than đem bánh vào nướng hoặc đem rán bạn sẽ thấy những chiếc bánh dày thơm và dẻo một cách kỳ lạ. Lúc ấy bạn sẽ cảm nhận được vì sao Tết Mông lại cuốn hút và đặc biệt đến vậy.
Phương Linh
(HBĐT) - Với quyền uy tột bậc trong xã hội Mường thời phong kiến vậy nên chỉ khi nào nhà lang “phát lệnh” người dân mới bắt đầu được đón Tết. Tuy nhiên có một điều đặc biệt, đó là Tết của nhà lang hầu như cũng chẳng khác mấy so với nhà dân và trong những ngày Tết, cửa nhà lang luôn rộng mở cho ai cũng có thể đến...
(HBĐT) - “Xóm Đồng Chụa có 170 hộ với 803 khẩu, trong đó, 97% là đồng bào người dân tộc Dao. Năm 2013 vừa qua, toàn xóm có 87% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, thu nhập bình quân trong xóm đã đạt mức 22 triệu đồng/người/năm. Xóm không có người nghiện hút, không có tệ nạn xã hội. 8 năm liền Đồng Chụa đạt làng văn hóa tiên tiến cấp thành phố và đang phấn đấu đạt làng văn hóa cấp tỉnh trong năm 2014”. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Bàn Sinh Lương, Trưởng xóm Đồng Chụa, xã Thống Nhất (thành phố Hòa Bình) phấn khởi cho biết.
(HBĐT) - Năm nay, gia đình ông Nguyễn Công Đàm, xóm Tân Lai, xã Đông Lai (Tân Lạc) tiếp tục có một cái Tết cổ truyền no ấm. Để đón tổ tiên về trần gian ăn Tết cùng con cháu, ông Đàm chọn hai cây mía tím đẹp nhất, khoẻ nhất trong vườn nhà, kính cẩn dựng ở hai bên bàn thờ tổ tiên. Phong tục này đã được gia đình ông cũng như nhiều hộ gia đình trong xã Đông Lai gìn giữ từ đời này đến đời khác.
(HBĐT) - Chúng tôi đến Đà Lạt đúng vào dịp tỉnh Lâm Đồng tổ chức Festival Đà Lạt với ba sự kiện văn hóa lớn, đó là công bố năm du lịch quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt 2014, kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, đặc biệt là Festival hoa Đà Lạt lần thứ 5.
(HBĐT) - Mỗi dịp đầu xuân, trên địa bàn tỉnh có khoảng 40 lễ hội được tổ chức, trong đó có 2 lễ hội quy mô cấp huyện, 17 lễ hội cấp xã và 21 lễ hội do các làng, bản tổ chức. Bên cạnh việc lễ hội tỉnh ta ngày càng được tổ chức quy mô, rầm rộ, màu sắc, phía sau sự hoành tráng vẫn còn đó những mảng màu tối đáng quan tâm.
(HBĐT) - Trong cái se lạnh của những ngày giáp Tết, người Tày ở huyện Đà Bắc lại tất bật chuẩn bị lễ vật cúng, đan mâm, làm đũa hoa cho mâm cỗ mừng Tết cơm mới. Đây là lễ cúng truyền thống quan trọng nhất đối với mỗi gia đình của đồng bào dân tộc Tày với ý nghĩa tổng kết một năm sản xuất, dâng thành quả lao động cúng đất trời, cầu mưa thuận gió hoà và bày tỏ sự tôn kính lên ông bà, tổ tiên đã khuất.