Lễ hội Đình Cổi ở xã Bình Chân (Lạc Sơn) đã tạo được sức hút hấp dẫn đối với đồng bào các dân tộc nơi đây. Hàng năm, lễ hội có nhiều hoạt động VH-TT giàu bản sắc văn hoá dân tộc.
(HBĐT) - Khi chưa về dự lễ hội đình Cổi, tại xóm Cổi, xã Bình Chân thuộc vùng Đại Đồng của huyện Lạc Sơn, không mấy người nghĩ rằng lại có đông du khách gần xa như vậy. Dòng người dập dìu từ phía Yên Thuỷ lên, từ Vũ Lâm xuống.
Không chỉ các cụ cao niên mà còn tấp nập “trai thanh, gái lịch” đất Mường. Có đến hàng chục đội văn nghệ, bóng chuyền từ các xã trong vùng như Đa Phúc (Yên Thuỷ), Vũ Lâm, Nhân Nghĩa, Văn Sơn tới dự và tham gia các hoạt động văn hoá - thể thao... Trong tiếng cồng chiêng rộn ràng, nhóm các cụ cao niên có hẳn một sàn nhỏ trái khu lễ hội để biểu diễn các bài nhạc cụ dân tộc (đàn nhị, sáo trúc)... Lẫn vào dòng người đi hội, có nhiều phụ nữ dân tộc Mường chuẩn bị sẵn những quả còn sặc sỡ sắc màu. Không khí vui tươi, rộn ràng của lễ hội làm ai cũng phấn chấn...
Những vị cao niên ở Bình Chân như ông Bùi Văn Cưu, Bùi Văn Ngành, bà Bùi Thị Nỉn... là những người tâm huyết và tham gia các hoạt động đình Cổi, lễ hội này hàng chục năm nay, thấy hởi lòng, hởi dạ. Bao nhiêu năm dày công phục dựng (vận động, truyền tụng, lẫn việc xây dựng cơ sở - dù chưa quy mô, hoàng tráng) nay, đình Cổi đã được xếp hạng là một trong các di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. Vì vậy, người dân Lạc Sơn nói chung, người dân Bình Chân và cả vùng Đại Đồng nói riêng thấy vui và thấy gần gũi biết bao với các nghi lễ, hoạt động của lễ hội đình Cổi. Họ đã thấy được hình ảnh của quá khứ qua những trò diễn tấu cùng chung sức làm cho lễ hội đình Cổi ngày càng thực chất, có ý nghĩa hơn trong đời sống văn hoá, tâm linh người dân nơi đây.
Theo tương truyền rằng: Từ thời xa xưa, Quốc mẫu và các Vua thường qua đây dạy dân cách làm ăn, xây dựng đời sống. Một hôm Quốc mẫu cùng hai con gái út là Vua ả, Vua út từ Ba Vì đến đồng Khâm Mu (Bình Chân) thì trời đã trưa. Ba mẹ con Quốc mẫu để voi ở đó nghỉ ăn cơm trưa. Giữa lúc đó, có người làng đi thả trâu, ba mẹ con biến mình thành người ăn mày nhem nhuốc để thử trẻ chăn trâu. Do trẻ chăn trâu chưa biết rõ bà là ai nên có lời trêu trọc. Vì thế, dân Mường trong vùng đã lập miếu thờ (là ngôi đình hiện nay) thờ mẹ con Quốc Mẫu, lễ tạ sự sơ suất của trẻ nhỏ, cũng như ghi nhớ lời dạy của Mẹ và các Vua trước đây. Các vị thần được thờ tại Đình là Quốc mẫu Hoàng bà, Vua ả, Vua út. Đình Cổi xưa được khởi dựng vào thế kỷ XIX. Ngày đó, đình được xây dựng một gian, 2 chái với nguyên vật liệu là gỗ, tranh tre, nứa lá; mái lợp bằng cỏ tranh. Trong đình chỉ có 1 ban thờ ở gian giữa. Qua những biến thiên của chiến tranh, thời gian, từ 1 gian lán nhỏ được làm năm 2001, đến năm 2007, trên khu đất dựng đình xưa, nhân dân và chính quyền đã chung sức dựng lại đình Cổi như hiện nay (theo mô hình nhà sàn). Nhiều năm qua, đình Cổi là nơi diễn ra nhiều hoạt động, sinh hoạt văn hoá tâm linh mang tính cộng đồng. Qua đó, người dân gửi gắm những ước mơ, những khát vọng.
Lễ hội đình Cổi cứ hai năm tổ chức một lần vào mồng 8 mồng 9 tháng giêng âm lịch. Năm còn lại tổ chức vào ngày mồng 8. Ngày tổ chức lễ hội cũng là khai hạ - xuống đồng lao động sản xuất của năm mới; các nghi lễ đều hướng tới những điều cầu mong mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt, cuộc sống dân bản bình yên, thuận hoà. Lễ hội được diễn ra đã đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng và giải trí của nhân dân; góp phần đắc lực vào việc hướng thiện, vào tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần cộng đồng, ý thức thẩm mỹ, làm giàu thêm đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Bên cạnh đó, ý nghĩa văn hoá, giá trị tâm linh cũng đã góp phần vào việc quảng bá và phát triển du lịch. ông Bùi Văn Chung, Bí thư Đảng uỷ xã Bình Chân cho rằng: có lễ hội đình Cổi, du khách gần xa có dịp đến với Bình Chân, đến với Lạc Sơn. Đó cũng là một gợi mở để các cấp uỷ, chính quyền nơi đây có những giải pháp phát triển dịch vụ du lịch gắn với những mặt hàng đặc sản của địa phương. Tuy nhiên, để lễ hội và đình Cổi được du khách gần xa biết đến nhiều hơn, bên cạnh việc quảng bá, tuyên truyền, mong các cấp, ngành hữu quan quan tâm, tạo điều kiện nâng cấp về cơ sở vật chất di tích lịch sử - văn hoá này. Cụ thể như đường rước kiệu chật hẹp, khó trong vận hành (dài 600 m), khuôn viên khu đình chưa đáp ứng được việc đón tiếp lượng khách đông hàng năm. Nếu giải quyết được vài điểm nghẽn đó, đình Cổi từng có trên 100 năm sẽ thực sự là điểm đến có ý nghĩa trong đời sống sinh hoạt văn hoá cộng đồng nơi đây.
Văn Tưởng
(HBĐT) - Như một thông lệ, cứ đầu xuân mọi người lại đua nhau đi xem bói. Có người đơn giản chỉ để giải trí, với những người mê tín hơn cho rằng, xem để biết vận hạn, mong năm mới được suôn sẻ... Cũng chính từ nhu cầu tăng cao đó đã hình thành nên "nghề bói" với nhiều biến tướng khó lường.
(HBĐT) - Ngày 23/2, huyện Lạc Thủy đã tổ chức lễ đón nhận bằng di tích cấp quốc gia hang động núi Niệm.
(HBĐT) - Đến hẹn lại lên, cứ đến ngày rằm tháng Giêng, con em trong vùng và du khách thập phương lại cùng nhau về với hội chùa Hang (xã Yên Trị - Yên Thuỷ). Lễ hội được tổ chức từ ngày 13 – 15 tháng Giêng, chính hội vào ngày Tết Nguyên tiêu. Những ngày này, xã đã đón hàng nghìn du khách đến tham quan, thắp nén hương thành kính lên cầu đức Phật ban lộc, tiếp tài và cùng tham gia các cuộc giao lưu văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian vui nhộn.
(HBĐT) - Có mặt tại đền Rem, khu 5, thị trấn Chi Nê (Lạc Thuỷ) từ rất sớm, hàng vạn từ người già đến trẻ trên khuôn mặt đều rạng rỡ nụ cười. Sự kiện đền Rem được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh được người dân nơi đây mong đợi từ lâu.
(HBĐT) - Là điểm du lịch tâm linh có tiếng trên địa bàn tỉnh, những ngày đầu năm, đền Bờ đã thu hút hàng vạn lượt du khách thập phương đến thăm quan, hành hương lễ bái.
(HBĐT) - Xã Yên Trị (Yên Thuỷ) vừa tổ chức lễ hội Chùa Hang – Hang Chùa. Lễ hội được tổ chức hàng năm từ ngày 13-15 tháng Giêng, trong đó, chính hội vào ngày 15 - Tết Nguyên tiêu.