Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, người Mường xã Chí Đạo (Lạc Sơn) duy trì phong tục gói bánh chưng trong dịp lễ mừng cơm mới. Ảnh: HH

Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, người Mường xã Chí Đạo (Lạc Sơn) duy trì phong tục gói bánh chưng trong dịp lễ mừng cơm mới. Ảnh: HH

(HBĐT) - Lễ kéo si - tên nguyên gốc tiếng Mường gọi là “Là woải kẻo khi” là phong tục lâu đời nằm trong chuỗi các nghi lễ vòng đời của người Mường. Đây là một hình thức quan tâm, chăm sóc, báo hiếu của con cháu đối với ông bà, cha mẹ già, thể hiện qua tín ngưỡng dân gian. Nghi lễ mang tính nhân văn cao đẹp trong đạo lý sống của dân tộc Mường. Trên bình diện gia đình, rộng hơn là cộng đồng, xã hội góp phần xây dựng nền tảng đạo đức, lối sông, lối ứng xử đầy trách nhiệm, đầy tình nghĩa của các thế hệ trong gia đình, họ tộc, cụ thể là con cháu đối với cha mẹ, ông bà, đối với NCT trong họ tộc, góp phần thắt chặt tình đoàn kết trong gia tộc.

 

Quan niệm dân gian Mường cho rằng, ngoài phần thể xác đang sống, con người ta còn có phần tinh thần vô hình cùng tồn tại song song  được gọi là: “woải” người Kinh gọi là vía, kèm theo đó mỗi người còn có một cây si tượng trưng cho số mệnh được trồng trong vườn của mụ trực si - trực khenh trên 9 tầng trời cao xanh.

 

Khi về già, con người thường ốm đau, bệnh tật... Nguyên do được cho rằng, cây si số mệnh của người đó bị sâu, hà, đổ... dẫn đến thể xác dưới lương gian bị ảnh hưởng. Để chữa bệnh cho người ốm, tùy theo từng bệnh có nhiều cách thích ứng như: dùng thuốc uống, đắp, xoa, xông... Song, có một cách không hẳn là trị bệnh mà là trấn an, động viên người ốm, con cháu trong nhà sắm đồ lễ, mời anh em họ hàng, con cháu nội, ngoại cùng đến chuẩn bị, mời ông thầy clượng hoặc bà mỡi đến làm lễ kéo, dựng, trồng lại cây si vía với niềm mong mỏi cây si sẽ xanh tốt trở lại, cha mẹ mau khỏi bệnh sống lâu cùng con cháu.

 

Lệ xưa quy định, những người  từ 45 - 50 tuổi trở lên mới được làm lễ kéo si. Trong xã hội Mường ngày xưa vốn nghèo đói, tuổi thọ  bình quân rất thấp, độ tuổi kể trên đã được coi là cao tuổi, người trẻ hơn dù có ốm đau nặng cũng không được tổ chức kéo si. Lễ kéo si mục đích cầu an lành, cầu mạnh khoẻ, cầu được sống lâu. Đời người chỉ tổ chức kéo si một lần, sau đó dù có sống bao lâu cũng không tổ chức nữa.

 

Trong lễ kéo si có bày một số mâm cúng mụ trực si, ông cun Khay cầm sổ - là người nhà trời chuyên giữ sổ sách, chấm số mệnh, quyết định sinh, tử, tuổi thọ người dưới lương gian cùng một số vị thần khác.

 

Ngay bên dưới đó đặt hai cành cây si, một cành tươi nguyên lá, cành kia bị vặt trụi tơi tả. Cành tơi tả tượng trưng cho cây si số mệnh bị sâu, hà... gây đau ốm cho người bệnh. Cành si tươi được kéo dựng lên tượng trưng là con cháu trồng thế cây khác - thay thế bằng số mệnh mới - mong kéo dài tuổi thọ cho cha mẹ... Phần gốc cành si tươi đặt gác lên một bát to cơm nếp, có nơi dùng thúng cơm, có nơi thay vào là gạo. Trên cành si tươi có buộc sẵn 4 đoạn dây chỉ, mỗi đoạn dài đủ để toàn thể con cháu cùng được cầm tay vào để kéo si. Tiếp bên dưới có đặt một cái cuốc, một cái nón, vài thứ công cụ lao động khác...

 

Khi các mâm cúng được dọn đủ lễ, ông thầy clượng, thầy mỡi bắt đầu làm lễ cúng khấn. Lời khấn là một bài văn vần truyền miệng có độ dài chừng hơn 3 tiếng đồng hồ, nội dung ông thầy clượng thay mặt con cháu người già mời các vị thần từ trên trời xuống, kể lại lý do người bị đau ốm:

 

Ông bố nhà này

Trở phương về tuổi già

Như cành bông hoa trái chín

Cây si Mường Động nó ngã sang

Cây si Mường Vang nó đổ lại

Cho nên cây si bố già này

Rụng lá, rạ cành

Gây nên ốm đau... 

 

Nay, con cháu trong nhà sửa  lễ dâng cúng xin mụ trực si - trực khenh dọn hết, dọn sạch các cây si Mường Động, Mường Vang  đổ lại, cho dựng lại cây si mới:

 

Để dựng lại cây si này cho tốt

Dựng lại cây si này cho lành

Cho xanh mọi lộc, mọi lá

Hết thảy con cháu

Con trai, con gái

Con rể, con dâu

Cả các cháu lớn, cháu bé 

Cùng kéo dựng si ...

 

Khấn đến đây hết thảy con cháu, nội ngoại, anh em họ hàng cùng vây quanh xúm tay cầm các sợi chỉ dựng cành si tươi đứng thẳng, cắm trên bát cơm si, lấy cơm nếp, thịt ngon, cá ngon đắp vun xung quanh gốc si, tượng trưng cho tấm lòng con cháu vun đắp cho cây si những thứ ngon, thứ quý để cây si nhanh chóng xanh tốt trở lại. Sau đó mọi người lấy các sợi chỉ quấn quanh 4 chiếc cọc đũa như vòng bảo vệ cây mới trồng. Ông thầy clượng lấy cành si trụi lá vứt đi, tượng trưng như cây cũ sâu, hà đã bỏ đi, giờ đã có cây si vía mới. Sau nghi lễ kéo cây si, một người trong đám con cháu cầm cuốc, đội nón xuống vườn cuốc vài nhát đất, ý là người ốm đã khoẻ lại sẵn sàng làm việc, trên nhà con cháu làm lễ chào vía bố mẹ, hình thức ngày xưa con cháu phải cúi lạy chào 2 lạy, sau đó, con cháu xúm lại động viên, an ủi người ốm. ông thầy clượng tiếp tục khấn:

 

Từ nay trở đi

Cây si này sống xa, già lâu

 Tốt lá, ra cành  

Cha mẹ như cây gốc nguồn cội trông nom nhà cửa cho con cháu

Chín chiếng truyền đời

Mai sau dứt đau ốm...

 

Trong lời khấn ông thầy clượng thay mặt con cháu trong gia đình  điều đình với ông cun Khay cầm sổ không gạch xoá tên người ốm, cứ để nguyên tên kéo dài mệnh số tuổi thọ cho cha mẹ mình:

Ông cun Khay 

Ngón tay cầm cây bút lông

Chọn lấy số tốt, số lành

Để ông bố nhà này

Sống xa, già lâu

 Sống lâu như mặt trời

 Như sao sán...

 

Thật là bạo dạn mang đậm chất dân gian, người Mường điều đình cả với tạo hoá, can thiệp vào thế giới siêu nhiên.

 

Lễ kéo si được tiến hành chủ yếu vào ban ngày song kị, tránh vào lúc dân Mường thả trâu, bò đi ăn hay lúc xẩm tối lùa chúng về chuồng. Quan niệm dân gian cho rằng, cây si mới trồng lại còn yếu rất sợ trâu, bò đi qua phá phách, giẫm đạp.

 

Sau các nghi lễ, toàn bộ cơm, thịt trên các mâm cúng được hạ xuống đem thái, chặt ra, các miếng ngon lựa riêng để dành cho người ốm,  phần trả công thầy clượng còn lại đem chia đều ra các mâm để mọi người cùng chung hưởng.

 

Riêng bát cơm si cùng toàn bộ các thứ trong đó: cành si, cơm, thịt... để nguyên đem treo lên cao, dưới mái nhà phía trên cửa sổ, đề phòng chuột, mèo đến ăn. Sáng hôm sau, trước lúc mặt trời mọc cho hạ xuống lấy cơm, thịt chia đều cho con cháu cùng ăn, coi như hưởng lộc si, hưởng lộc cha mẹ. Riêng cành cây si được dắt lên đòn tay dưới nhà để theo dõi, qua 7 ngày nếu lá si không bị rung, úa, coi như lời khấn nguyện của con cháu có hiệu lực, ngược lại nếu lá si rụng hết, đó là sự báo hiệu số mệnh người ốm khó qua khỏi, con cháu biết và lặng lẽ chuẩn bị hậu sự.

 

Toàn bộ diễn trình nghi lễ cho thấy, thực chất là hoạt động diễn xướng văn nghệ dân gian mang tính tâm linh và niềm tin dân gian trong sáng. Các hoạt động trong nghi lễ tượng trưng cho mong ước, hành động con người muốn làm chủ số mệnh của mình bằng cách tác động vào tạo hóa, hành động thay cây si đổ, héo bằng cây si mới tươi xanh và trồng lại, như một biểu tượng thay số mệnh cũ bằng số mệnh mới khỏe mạnh hơn. Nghi lễ lấy cây si là trung tâm như sự “trắc nghiệm” muốn cưỡng lại tạo hóa kéo dài tuổi thọ, song thực ra cũng lại là sự chuẩn bị tâm lý cho các tình huống không mong muốn đó là cái chết, trước sau gì cũng đến với mỗi con người. Đây là lối ứng xử rất duy tâm, rất thực thế và thuận theo của người Mường với quy luật của  tạo hóa.

 

Nghi lễ kéo si được tổ chức lúc ông bà, cha mẹ đau ốm nguy cấp, nếu không qua khỏi thì trước lúc đi xa người ốm có dịp gặp mặt toàn bộ con, cháu, nội, ngoại, anh em họ hàng. Cũng là thời điểm con cháu gặp nhau chung một niềm tin kéo si để kéo lại sức khỏe, sự sống cho ông bà, cha mẹ mình.

 

Cây si là một biểu tượng trong văn hóa Mường với vai trò là cây vũ trụ, mỗi người có một cây si vía của mình, nghi lễ thể hiện mong ước đời của người Mường muốn được làm chủ số mệnh, làm chủ cuộc sống của mình. Đây là nghi lễ độc đáo thẫm đẫm tính nhân văn của người Mường.

 

 

 

                                                              Bùi Huy Vọng

                                                   ( Hương Nhượng – Lạc Sơn)

 

 

Các tin khác

Bác Hồ thăm các gia đình công nhân trường Cán bộ công đoàn năm 1961. Ảnh: T.L
Lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn trao giấy khen và phần thưởng cho 11 gia đình tiêu biểu nuôi dạy con tốt giai đoạn 2012 - 2014. Ảnh: P.V
Ra mắt mô hình điểm về giữ gìn phát huy bản sắc dân ca dân tộc Mường tại xã An Lạc, huyện Lạc Thủy.
Đồng chí Bùi văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh tặng máy laptop cho tác giả Bùi Huy Vọng (Lạc Sơn).

Mai Châu bảo tồn nền văn hoá đậm đà bản sắc

(HBĐT) - Nằm ở phía tây bắc của tỉnh, huyện Mai Châu có dân số trên 53.000 người với 7 dân tộc chínhcùng chung sống, trong đó, dân tộc Thái chiếm trên 60%. Mỗi dân tộc mang một nét văn hoá truyền thống riêng, từ đó tạo nên nền văn hoá chung đa bản sắc cùng tồn tại và phát triển từ bao đời nay.

Toàn tỉnh đón trên 1,1 triệu lượt khách du lịch

(HBĐT) - Tỉnh ta hiện có trên 240 khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch; trong đó có 40 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, 24 di tích cấp tỉnh, trên 50 bản, làng có giá trị cao về du lịch cộng đồng.

Bồi dưỡng quản lý cơ sở lưu trú và nghiệp vụ du lịch cho 50 học viên

(HBĐT) - Sáng 23/6, Sở VH-TT&DL tổ chức khai mạc lớp bồi dưỡng quản lý cơ sở lưu trú và nghiệp vụ du lịch tỉnh năm 2014. Tham gia lớp bồi dưỡng có 50 học viên là cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ nhà hàng, các điểm, khu du lịch trên địa bàn toàn tỉnh.

Hấp dẫn món thịt chua của người Dao Tiền

(HBĐT) - Thịt chua không chỉ được dùng làm món ăn trong mâm cỗ ngày rằm, ngày tết của người Dao Tiền mà họ còn dùng nó để tiếp đón khách quý, bởi họ coi đó là món ăn đặc biệt trong ẩm thực truyền thống của dân tộc mình.

Tịch thu 830 bộ đĩa phim, ca nhạc không tem nhãn

(HBĐT) - 6 tháng đầu năm, Thanh tra Sở VH, TT & DL đã tăng cường kiểm tra một số hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá trên địa bàn. Kết quả, đã kiểm tra 18 lễ hội, 88 cơ sở kinh doanh karaoke, 3 điểm kinh doanh đĩa phim và ca nhạc sân khấu, giám sát 18 chương trình biểu diễn nghệ thuật ca nhạc, xiếc… Trong quá trình kiểm tra, Thanh tra Sở đã lập biên bản nhắc nhở 11 cơ sở kinh doanh karaoke, tịch thu 830 bộ đĩa phim, ca nhạc không tem nhãn, 8 đơn vị chưa thực hiện làm hồ sơ thông báo quảng cáo.

Tản mạn về Mường Vang

(HBĐT) - Sau khi hòa bình lập lại, ở lứa tuổi biết đọc, biết viết, tôi được nghe một câu ca dao thời kháng chiến chống thực dân Pháp “Anh chừ đánh giặc nơi đâu/Chiềng Vang, Vụ Bản hay vào Trị Thiên?”... Câu ca dao đó lóe lên trong đầu tôi về những vùng đất thật xa xôi, thơ mộng. Tiếp đến là những tác phẩm sưu tầm, nghiên cứu văn hoá dân gian trong các vùng mường của Đinh ân, Bùi Thiện, Quách Giao cứ ám ảnh, khêu gợi tính hiếu kỳ trong tôi hàng thập niên về vùng đất ấy, nhất là sau khi đọc tác phẩm “Hoa hậu xứ Mường” mà sau này gộp với vương quốc ảo ảnh thành tiểu thuyết “Đất Mường” của nhà văn Phượng Vũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục