Nụ cười đen nhánh của cụ bà người Dao xã Toàn Sơn.
(HBĐT) - Trong cái nắng hanh hao cuối năm, trong tiếng cười nói rộn ràng những ngày giáp Tết, chúng tôi đã có mặt tại chợ vùng cao Mường Chiềng (Đà Bắc). Chợ vùng cao là phiên chợ màu sắc sặc sỡ của khăn áo, màu tươi ngon của thực phẩm, màu ửng hồng trên đôi má những bé thơ và màu đen nhánh của nụ cười các bà, các mẹ vui mừng gặp nhau ngày chợ.
Nhuộm răng đen là phong tục đẹp của phụ nữ trước kia. Hiện nay, chỉ còn người già là vẫn giữ tục nhuộm răng đen còn phụ nữ trẻ thì không còn nhuộm răng nữa. Nhuộm răng không chỉ là một truyền thống văn hóa mà còn giúp cho răng chắc, khỏe và thể hiện cái duyên của phụ nữ dân tộc. Người phụ nữ khi mặc trang phục truyền thống dân tộc, đầu đội khăn và nụ cười đen nhánh khỏe mạnh được coi là chuẩn mực của cái đẹp, sự khỏe mạnh, đảm đang và khéo léo.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Lường Thị Miên, xóm Nà Mười, xã Mường Chiềng chia sẻ: Con gái ngày xưa nhuộm răng từ 15 - 16 tuổi. Ai cũng nhuộm răng, răng đều đen nhánh mới đẹp. Trước khi nhuộm phải làm sạch răng bằng cách đánh bằng vỏ cau khô với than bột trộn muối. Sau đó phải dùng quả chua như quả sống thái ra phơi khô, nấu lên thành nước ngậm để làm sạch, tê và mềm răng. Đây là công đoạn khó nhất của nhuộm răng.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nếu phụ nữ người Kinh nhuộm răng đen bằng nhựa cánh kiến, nhựa cây sim thì phụ nữ các dân tộc như: Tày, Mường, Dao... lại có bí quyết nhuộm răng đen nhánh bằng quả mè, bồ hóng... Về bí quyết để có hàm răng đen nhánh của người Mường, bà Bùi Thị Ngoan (xóm Kế, xã Mường Chiềng) cho biết: Thuốc nhuộm răng của phụ nữ Mường thường được chuẩn bị trước từ 8 - 10 ngày. Muốn có thuốc nhuộm đẹp phải pha chế đúng công thức và tỷ lệ. Quả mè được dùng để nhuộm răng phải là mè non, có độ chát và “dính răng”. Mè non được đồ lên, đổ ra tách lấy vỏ ngoài và giã nhỏ, phần mè vừa giã được đem lên dán vào các dụng cụ lao động bằng sắt đã được rửa sạch như cuốc, xẻng, dao... với mục đích tạo độ đen cho thuốc nhuộm. Các mảng mè sau khi dán lên cuốc xẻng khô lại được ngâm nước cho mềm rồi gói vào lá chuối tiêu, mỗi lá bằng ngón tay và được đem nướng lên. Mè phải được gói vào lá chuối tiêu vì lá chuối tiêu có vị chát, đắng. Mè nướng xong được bỏ ra giã một lần nữa mới thành bột trộn để trét lên răng.
Phụ nữ Mường dùng quả mè để nhuộm răng thì phụ nữ Tày còn dùng thêm cả bồ hóng bếp. Ngoài việc chế biến quả mè, chị em phụ nữ người Tày còn phải chọn những đoạn ống nứa tươi, mang về gác lên gác bếp, khoảng 10 ngày sau, khi bồ hóng bám đen vào ống nứa thì lấy xuống, cạo bồ hóng để làm thuốc nhuộm. Hợp chất thuốc nhuộm gồm quả mè và bồ hóng đó được pha thành hỗn hợp sền sệt bôi lên răng.
Chị em phụ nữ người dân tộc thường nhuộm răng vào mùa đông, giáp Tết để những ngày Tết có hàm răng đẹp. Việc nhuộm răng diễn ra bên bếp lửa. Chị em vừa trò chuyện, vừa cùng nhau trộn thuốc. Hỗn hợp thuốc nhuộm sẽ được bôi trét lên răng và phải ngậm qua đêm, sáng hôm sau mới bỏ ra. Để răng được đen và bền màu, người phụ nữ phải bôi thuốc nhuộm lên răng và ngậm như vậy trong khoảng từ 3 - 5 đêm. Mỗi sáng thức dậy phải bỏ thuốc nhuộm ra và súc miệng thật sạch.
Sau cả một quá trình chuẩn bị kỳ công, cẩn thận, trải qua cảm giác đau nhức, tê buốt răng thì người phụ nữ mới có được hàm răng đen như ý. Kiến thức, kinh nghiệm về kỹ thuật nhuộm răng đen của mẹ được truyền lại cho con gái như một bí quyết riêng của mỗi gia đình.
Trao đổi về phong tục độc đáo này, ông Sa Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng cho biết: Nhuộm răng đen là một phong tục độc đáo, tạo nên nét riêng của văn hóa dân tộc Tày, Mường, Dao. Hàm răng đen nhánh thể hiện nét đẹp, sự trưởng thành, khéo léo của người phụ nữ. Điều đáng tiếc là phong tục này đang bị mai một và chỉ còn lại của các cụ già vùng cao.
Dương Liễu
(HBĐT) - Tối 18/2 (tức 30 Tết), tại Cung văn hóa tỉnh, Sở VH, TT&DL phối hợp với Công an tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình tổ chức Chương trình Nghệ thuật Sắc xuân 2015.
(HBĐT) - Những năm gần đây, loại hình du lịch cộng đồng thu hút đông đảo du khách đến với tỉnh ta. Du lịch cộng đồng phát triển dựa trên sự tò mò, mong muốn của khách du lịch để khám phá cảnh sắc thiên nhiên, tìm hiểu và trải nghiệm về cuộc sống hàng ngày của người dân từ các nền văn hóa khác nhau. Nhiều du khách nói, đến Hoà Bình nên đến vào mùa xuân khi dọc các sườn núi hoa mận, hoa đào khoe sắc thắm. Đến các bản làng để khám phá nền văn hoá độc đáo giàu bản sắc của các dân tộc nơi đây.
(HBĐT) - Xuân mới đã cận kề. Phố phường được trang hoàng lộng lẫy. Mưa xuân lất phất, vương tóc người thiếu nữ dạo bước trên những con phố trăng đèn, thảm hoa rực rỡ. Nhà nhà tất bật chuẩn bị đón xuân. Không khí xuân đã tràn về trong lòng người, trong ánh mắt nụ cười hân hoan. Trên dòng sông Đà thơ mộng lung linh điện sáng, người người cùng ước vọng tới mùa xuân hạnh phúc, tự hào là công dân thành phố Hòa Bình. Tự hào chứng kiến, thành phố trẻ đang chuyển mình cùng mùa xuân đất nước, khẳng định là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế - văn hóa của tỉnh đang chuẩn bị hành trang xây dựng thành phố mang bản sắc độc đáo, là trung tâm đô thị cửa ngõ vùng Tây Bắc.
(HBĐT) - Cây mía được trồng bằng ngọn và các đốt. Trong tự nhiên, khi bị đổ, cây rạp xuống đất, trên các đốt sản sinh ra một chồi khác, rễ từ quanh đốt mọc ra, ăn xuống đất, từ đây một cây mía khác lại mọc lên. Ngay cả khi cây đang lớn nếu không chăm sóc, bóc bẹ già, từ các đốt mía lại mọc ra các chồi non đâm ngang ngay trên thân cây mẹ.
(HBĐT) - Cuối tháng 11, theo lời mời của Bộ Thông tin - Văn hóa và Du lịch nước CHDCND Lào, đoàn công tác của Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam mà thành viên đa phần là các nhà báo đã có một tuần làm việc trên đất nước bạn. Nơi ấy, ấn tượng sâu đậm nhất là văn hóa Lào, tình hữu nghị sâu sắc thủy chung Việt - Lào.
(HBĐT) - Trong nắng đầu xuân, người dân vùng Mường Kỳ Sơn lại nô nức cùng nhau trẩy hội. Hội xuân Kỳ Sơn hàng năm được tổ chức luân phiên giữa các vùng, xã đã mang đến không khí tươi vui, phấn chấn cho nhân dân hướng đến một năm mới nhiều may mắn, tốt lành.