Người dân Xy-ri sống trong một trại tị nạn ở nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bối cảnh cuộc nội chiến và cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Xy-ri chưa biết bao giờ mới đi đến hồi kết, tình hình viện trợ nhân đạo vấp phải nhiều chướng ngại, hàng chục nghìn dân thường Xy-ri đang phải đối mặt với nạn đói và một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.
Điều phối viên về vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (LHQ) tại Xy-ri, Y-a-cúp En Hin-lô (Yacoub El Hillo) mới đây đã lên tiếng yêu cầu các bên tham chiến tại Xy-ri cho phép hoạt động cứu trợ nhân đạo ngay lập tức và vô điều kiện cho hàng chục ngàn người dân nước này bị mắc kẹt tại một số thị trấn. Theo ông Y-a-cúp En Hin-lô, hàng viện trợ cần phải được tiếp cận ngay các khu vực Ma-day-a (Madaya), Da-ba-đa-ni (Zabadani), Phu-a (Foua) và Ca-phray-a (Kafraya). Trong khi Ma-day-a và Da-ba-đa-ni, thuộc ngoại ô thủ đô Đa-mát, đang chịu sự kiểm soát của các lực lượng ủng hộ Chính phủ Xy-ri, thì Phu-a và Ca-phray-a nằm ở miền Tây Bắc và đang bị quân nổi dậy phong tỏa. Các thị trấn này đã bị bao vây từ năm ngoái và họa hoằn lắm các đoàn xe cứu trợ mới được phép tiếp cận để bổ sung lương thực và trang, thiết bị y tế.
Thống kê của LHQ cho thấy, hiện có 62.000 người bị mắc kẹt tại các thị trấn nói trên. Ông Y-a-cúp En Hin-lô đã đưa ra cảnh báo về nạn đói có thể xảy ra tại các khu vực này, đồng thời kêu gọi các tay súng đối lập cho phép sơ tán những người cần chăm sóc y tế.
Còn theo Tổ chức Bác sĩ không biên giới (DWB), thời gian vừa qua đã có nhiều dân thường thiệt mạng tại Ma-day-a. Ngay cả khi hàng viện trợ được phép đi vào thì điều kiện sống tại các khu vực như Ma-day-a vẫn vô cùng thiếu thốn do bị bao vây.
Theo một thỏa thuận do LHQ bảo trợ được ký kết giữa chính quyền Xy-ri và các lực lượng đối lập, giữa tháng 5 vừa qua, 29 xe tải chở hàng cứu trợ nhân đạo của LHQ đã tới vùng ngoại ô thủ đô Đa-mát của Xy-ri nhằm tạo điều kiện cung cấp các thực phẩm thiết yếu và thuốc men cho những người đang bị mắc kẹt trong các vùng chiến sự tại quốc gia Trung Đông này. Những chiếc xe này chở các mặt hàng thiết yếu bao gồm thực phẩm, thiết bị vệ sinh, dụng cụ y tế và đồ dùng học tập dành cho toàn bộ dân số tại Ha-ra-xta (Harasta), thuộc vùng ngoại ô phía Đông Bắc thủ đô Đa-mát, nơi hiện đang nằm dưới quyền kiểm soát của các lực lượng đối lập chống chính phủ Xy-ri. Đây cũng là chuyến hàng cứu trợ đầu tiên tới khu vực này kể từ năm 2012.
Được biết, hiện Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ A-rập Xy-ri (SARC) đang hợp tác với LHQ để triển khai các hoạt động cứu trợ. Chính quyền Xy-ri đã cam kết hợp tác toàn diện với LHQ và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) để cung cấp viện trợ nhân đạo cho tất cả dân thường "mà không cần bất kỳ đòi hỏi nào", kể cả những khu vực khó tiếp cận nhất. Đầu tháng 6 vừa qua, Pháp và Anh cũng kêu gọi LHQ triển khai chiến dịch thả hàng viện trợ nhân đạo tới các khu vực bị vây hãm tại Xy-ri. Đại sứ Pháp tại LHQ Phrăng-xoa Đề-la-thơ (Francois Delattre) cho biết, quá trình tiếp cận hàng viện trợ nhân đạo tại các thị trấn và làng mạc bị vây hãm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, Pháp đã đề nghị LHQ, đặc biệt là Chương trình Lương thực thế giới (WFP) bắt đầu tiến hành chiến dịch chuyển hàng viện trợ nhân đạo bằng đường không tới những khu vực đang gặp khó khăn và những nơi dân thường đang phải đối diện với nguy cơ chết đói.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là dù có hàng cứu trợ thì việc tiếp cận các khu vực bị vây hãm vẫn gặp nhiều cản trở. Bên cạnh đó, Chính phủ Xy-ri còn bày tỏ lo ngại về việc các chiến binh nổi dậy có thể lấy hàng cứu trợ của người dân nghèo ở các vùng khó khăn.
Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Xy-ri (SOHR) có trụ sở ở Anh, đến nay cuộc nội chiến tại Xy-ri đã cướp đi sinh mạng của hơn 280.000 người, trong đó có khoảng 81.000 dân thường, gần 49.000 tay súng nổi dậy phi thánh chiến, khoảng 48.000 phần tử cực đoan, hơn 101.000 tay súng ủng hộ chính phủ Xy-ri và khoảng 3.500 người chưa xác định được danh tính.
Hiện số phận của hàng chục nghìn người dân Xy-ri tại các khu vực bị vây hãm đang trong tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” và phụ thuộc vào một thỏa thuận có tính chất “một đổi một” giữa các nhóm phiến quân và Chính phủ Xy-ri. Theo thỏa thuận này, nếu quân chính phủ đồng ý sơ tán y tế một người ra khỏi thị trấn do mình kiểm soát, thì quân nổi dậy cũng phải cho phép một người được sơ tán y tế ra khỏi khu vực do các tay súng này chiếm đóng.
Theo QĐND
Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vừa diễn ra ở Brúc-xen (Bỉ), EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhất trí sẽ thiết lập chiến lược phòng thủ mới nhằm đối phó với tác động từ việc Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit. Tuy nhiên, nan giải là chiến lược mới phòng thủ mới này có nguy cơ bị “phủ bóng” bởi chính Brexit, theo đánh giá của các nhà phân tích...
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim thông báo, các kết quả điều tra cho thấy cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đứng sau vụ tấn công liều chết nhằm vào sân bay quốc tế Ataturk, sân bay chính của thành phố Istanbul, làm gần 200 người thương vong.
Đến nay vẫn chưa thể đánh giá chính xác tác động của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Song có thể khẳng định rằng, sự kiện này là một “cú sốc được lường trước” với những người thuộc hàng “siêu giàu” ở châu Âu và thế giới.
Sự kiện Brexit, làm chấn động toàn thế giới, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin trở thành cơ hội không thể tốt hơn để thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung.
Sau khi kết quả trưng cầu dân ý về việc rời khỏi EU của cư tri Anh được công bố, với gần 52% cử tri ủng hộ, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ quan điểm về quyết định này.
Sáng 22-6, Triều Tiên đã phóng liên tiếp hai vật thể được cho là tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan, từ bờ biển phía Đông nước này. Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, tên lửa thứ nhất được phóng từ khu vực gần Uôn-xan vào khoảng 5 giờ 58 phút sáng theo giờ địa phương, song vụ phóng này đã thất bại.