(HBĐT) - Thường xuyên thay đổi cung đường, địa bàn tuần tra, bố trí đèn chiếu sáng di động để tuần tra lưu động, sử dụng camera gắn ngực để giám sát quá trình thực hiện việc xử lý…, hoán đổi địa bàn tuần tra là những biện pháp hữu hiệu của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh nhằm đối phó với các hành vi vi phạm nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.
Nhiều vi phạm vượt mức phạt cao nhất
Thực hiện Kế hoạch số 513, ngày 20/9/2022 của Công an tỉnh về tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề "người điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn” trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh đã thành lập 3 tổ công tác, mỗi tổ gồm 2 cán bộ Phòng CSGT phối hợp Công an các huyện, thành phố thực hiện kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn theo phương châm làm hoán đổi địa bàn (tức là CSGT của huyện này sang kiểm soát, xử lý vi phạm của huyện khác) để nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát.
Theo Thiếu tá Từ Minh Cường, Phó Đội trưởng Đội xử lý - tuyên truyền - điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Phòng CSGT, qua 10 ngày thực hiện Kế hoạch số 513 đã ghi nhận nhiều trường hợp vi phạm ở mức gấp đôi, gấp 3 mức xử phạt cao nhất theo quy định của pháp luật.
Điển hình tại huyện Đà Bắc, tối 27/9, Tổ chuyên đề số 2 (gồm 10 cán bộ, chiến sỹ CSGT thuộc 5 đơn vị: Phòng CSGT, Công an huyện Lương Sơn, Mai Châu, Lạc Thủy và 2 cán bộ CSGT huyện Đà Bắc hỗ trợ việc tiếp nhận hồ sơ vi phạm do tổ chuyên đề bàn giao) đã phát hiện anh Nguyễn Văn Q. sinh năm 1977, trú tại xã Hiền Lương điều khiển xe ô tô nhưng hơi thở có nồng độ cồn 1,439 mg/l khí thở, cao gấp 3 lần mức xử phạt kịch khung. Theo Thiếu tá Trương Đức Hậu, Tổ trưởng Tổ chuyên đề số 2, với trường hợp này, mức xử phạt là 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 24 tháng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình mỗi ngày, các tổ chuyên đề ghi nhận từ 1 - 2 trường hợp có nồng độ cồn ở mức từ 3 - từ 0,4 mg/l khí thở.
Ngoài 3 tổ chuyên đề, Công an các huyện, thành phố cũng tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, nhờ vậy đã khép kín tuần tra với nhiều khung giờ, địa bàn khác nhau, qua đó phát hiện nhiều "ma men”. Đáng nói, nhiều trường hợp quay xe bỏ chạy hoặc bỏ lại phương tiện cho CSGT tự xử lý.
Xử lý nghiêm, không có vùng cấm
Ngày 23/9/2022, UBND tỉnh ban hành văn bản về việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông trên địa bàn tỉnh; cùng với Kế hoạch số 513 đã thể hiện quyết tâm lập lại trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh của các cấp, ngành và lực lượng chức năng.
Thực hiện nghiêm văn bản của UBND tỉnh và kế hoạch của Công an tỉnh, hàng ngày, các tổ chuyên đề kiểm tra vi phạm nồng độ cồn tuần tra theo đúng kế hoạch. Theo Thiếu tá Bạch Trung Hiếu, Đội phó Đội CSGT đường bộ số 1, Phòng CSGT, việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn không có vùng cấm. Nếu 1 - 2 ngày đầu tổ chuyên đề ra quân, còn hiện tượng người vi phạm gọi điện thoại "cầu cứu” người thân đến nay không còn nữa. Việc lập biên bản được các tổ triển khai nhanh, đúng quy trình, quy định, đặc biệt với việc hoán đổi địa bàn tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đã hạn chế tối đa các mối quan hệ quen biết, từ đó nâng cao hiệu quả tuần tra, kiểm soát.
Cũng theo Thiếu tá Hiếu, song song với xử lý vi phạm, các tổ chuyên đề đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về TTATGT, phát tờ rơi, tờ gấp, sổ tay ATGT đến người dân. Qua đó góp phần tích cực nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Minh chứng là số trường hợp vi phạm các quy định về nồng độ cồn giảm từng ngày. Trong 2 ngày đầu thực hiện Kế hoạch số 513, các tổ chuyên đề đã phát hiện, lập biên bản trên 200 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, số tiền phạt trên 1,2 tỷ đồng. Sau 7 ngày, lũy kế số trường hợp vi phạm là 384, tước 280 giấy phép lái xe, tổng số tiền phạt trên 3 tỷ đồng. Và sau 10 ngày, số trường hợp vi phạm chưa đến 500. Việc số người vi phạm giảm qua từng ngày đã chứng minh nhận thức của người dân phần nào được nâng lên.
Anh Phạm Tiến Đạt, phường Tân Hòa (TP Hòa Bình) cho biết: Chúng tôi đánh giá cao việc thực hiện chức trách của lực lượng CSGT. Nhờ sự xuất hiện của các anh đã nâng cao nhận thức, ý thức của người dân khi tham gia giao thông, đặc biệt việc sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện được xử lý nghiêm trong thời gian dài đã thay đổi nhận thức cho nhân dân. Cảm ơn các anh những ngày này đã hy sinh niềm vui riêng, căng mình làm nhiệm vụ vì bình yên cuộc sống.
Với nhiều giải pháp linh hoạt, đặc biệt là việc hoán đổi địa bàn tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng giúp việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn không còn vùng cấm, qua đó góp phần kiềm chế, giảm tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm nồng độ cồn. Với cách làm sáng tạo, hiệu quả, Công an tỉnh được Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao và tiến tới nhân rộng cách làm của Hòa Bình đến công an các địa phương trong toàn quốc.
Minh Vũ